Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng: Làm sao trở thành thương hiệu văn hoá?

27/11/2020 - 10:23

PNO - Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần 6 phát động gấp rút chỉ trong 1 tháng nhưng có khá nhiều tiết mục đạt chất lượng, thể hiện khả năng sáng tạo cao của thí sinh.

Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần 6 đã bế mạc vào tối 26/11 tại Nhà hát Thành phố sau 3 ngày thi đấu. Theo ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TPHCM, Trưởng ban tổ chức cho biết, ban đầu, theo đăng ký từ các đơn vị công lập và ngoài công lập, Liên hoan có sự tham gia tranh tài của 55 tiết mục nhưng vì nhiều lý do, số lượng tham dự chính thức chỉ có 47.

Ở giải A, 5 tiết mục đạt giải thuộc 5 đề tài khác nhau, vừa khắc hoạ được câu chuyện cá nhân, vừa là vấn đề chung của một dân tộc. Tác phẩm 28 của biên đạo Tiêu Vĩnh Thịnh là một trong những tiết mục dự thi ấn tượng về mặt ý tưởng. 28 là câu chuyện của những người trẻ ở tuổi 28, khi họ chưa lựa chọn được hướng đi của mình. Họ chới với, lạc hướng, nổi loạn, “ăn thua” đủ với cuộc đời. Họ thất bại và đứng lên để tiếp tục đi về phía trước.

Tác phẩm 28, biên đạo và biểu diễn Tiêu Vĩnh Thịnh đạt giải A tại Liên hoan.
Tác phẩm 28, biên đạo và biểu diễn Tiêu Vĩnh Thịnh đạt giải A tại Liên hoan

Tác phẩm Sông cạn - một trong những tác phẩm đạt giải A, tạo được ấn tượng nhờ sử dụng tốt đạo cụ duy nhất. Chiếc ván chèo thuyền được trưng dụng hoàn toàn hợp lý, như một “nhân vật” thứ 3 cùng 2 diễn viên trên sân khấu kể về câu chuyện đời người bên dòng sông cạn.

Trong các tác phẩm dự thi ở mùa liên hoan năm nay, đặc biệt ở nhóm các tiết mục được trao giải, không thiếu những “gương mặt cũ” được trưởng ban giám khảo NSND Hà Thế Dũng chỉ ra như Lượm ơi, Dáng sen, Sắc màu Tây Bắc, Nụ tầm xuân... Đây là những tiết mục đã từng được biểu diễn, dự thi nhưng khi mang đến liên hoan, các biên đạo cũng đã tìm cách thể hiện mới mẻ hơn, không “bê nguyên xi” tác phẩm cũ.

Tác phẩm Sông cạn được ngợi khen vì tận dụng được đạo cụ.
Tác phẩm Sông cạn được ngợi khen vì tận dụng được đạo cụ

NSND Hà Thế Dũng cho biết việc lựa chọn đề tài, đầu tư tác phẩm mới và làm mới đề tài ở một số tiết mục đã được định hình theo năm tháng, thể hiện yếu tố tích cực trong liên hoan. Ông cho rằng nhiều tác phẩm được đầu tư xứng tầm nhưng số khác còn biên dựng sơ sài, đội ngũ diễn viên còn thiếu kinh nghiệm, chưa sáng tạo...

Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần 6 khép lại không nhiều ồn ào xung quanh giải thưởng, chất lượng mùa giải tương đối dù từ khi phát động dự thi đến đêm thi chính thức chỉ vỏn vẹn trong 1 tháng. Đây cũng là kết quả đáng mừng cho Hội nghệ sĩ Múa TPHCM và những người nằm trong ban tổ chức.

Tác phẩm Trường Sa màu biển đỏ đạt giải C.
Tác phẩm Trường Sa màu biển đỏ đạt giải C

Thành phố Hồ Chí Minh có lực lượng tác giả, biên đạo và biểu diễn trên lĩnh vực nghệ thuật Múa rất dồi dào, nhiều tiềm năng. Thành phố đang có những sân chơi cho nghệ thuật Múa từ phong trào đến chuyên nghiệp để nuôi dưỡng loại hình này được phát triển. 

Thực tiễn đang cần một sân chơi được đầu tư và mang tính chuyên nghiệp cao, qua đó sẽ giúp khẳng định vị thế, đánh giá chất lượng hoạt động, sự đa dạng của các phong cách sáng tạo, phát hiện tài năng và quảng bá một cách hiệu quả nghệ thuật Múa Thành phố Hồ Chí Minh.

NSƯT Thanh Thúy- Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM

Tuy nhiên, Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng lần 6 khép lại không có nghĩa những đau đáu về việc xây dựng liên hoan trở thành một trong những thương hiệu văn hoá của thành phố dừng lại.

Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TPHCM, ông Lê Nguyên Hiều cho biết: “Ngay từ ban đầu, trong định hướng của Hội khi tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM và sau này là Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng đã xác định việc xây dựng sự kiện thành một điểm hẹn của nghệ sĩ múa từ khắp nơi trên đất nước. Đây là cơ hội để các đơn vị cọ xát, giao lưu và phía Hội, các đơn vị nghệ thuật cũng có dịp tìm kiếm những tài năng mới”.

Ông Lê Nguyên Hiều khẳng định qua 6 mùa, Liên hoan phần nào đã khẳng định được vị thế, uy tín của đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển mạnh hơn, trở thành thương hiệu văn hoá của thành phố nổi bật hơn, theo ông, cần được đổi mới, cần có những “màn bắt tay” hợp tác. Cụ thể, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa cho rằng nếu tìm kiếm được những doanh nghiệp quan tâm đến nghệ thuật, đầu tư cho việc tổ chức giải thưởng, tăng mức thưởng thì Liên hoan sẽ thu hút hơn nữa sự tham gia của các cá nhân/đơn vị.

Tác phẩm Miền nhớ
Tác phẩm Miền nhớ, biên đạo Lê Hải, Vũ đoàn Việt Hải, đạt giải A

Ngoài ra, ông cho rằng công tác truyền thông cho giải thưởng cũng cần được đẩy mạnh hơn để người dân thành phố và các tỉnh biết được thông tin về Liên hoan Nghệ thuật Múa TPHCM mở rộng. “Điều chúng tôi mong mỏi là làm sao có thể thông tin về liên hoan lan toả mạnh hơn nữa trên mạng xã hội. Từ lâu nay, Hội hoạt động thuần về chuyên môn, đã có một số hội viên khi biết tâm tư muốn đổi mới của Hội đã đề xuất sẽ hỗ sợ về việc truyền thông trên mạng xã hội, hình ảnh, clip... Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc mà chúng tôi cần ngồi lại sau liên hoan để rút kinh nghiệm, bàn luận với nhau nhiều hơn để tìm ra giải pháp thực hiện”, ông Lê Nguyên Hiều cho biết.

Giải A: Falling Angels (biên đạo Nguyễn Phúc Hùng, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM); Miền nhớ (biên đạo Lê Hải, Vũ đoàn Việt Hải); Sông cạn (biên đạo Hà Thanh Hậu, Công ty SCBC Việt Nam); 28 (biên đạo Tiêu Vĩnh Thịnh); Mẹ kể (biên đạo Hoàng Trọng Khôi).

Giải B: Hồn Khơ mú (biên đạo Bùi Xuân Thương, Công ty Noah De Hola); Lượm ơi! (biên đạo Thế Chung, Trường Trung cấp Múa TPHCM); Noọng ơi! (biên đạo Quốc Anh, Vũ đoàn Mây); Lời của nước (biên đạo Hà Đức Sang); Lệ Chi Viên (biên đạo Pham Minh Tuấn, Vũ đoàn Number One); Độc (biên đạo Nguyễn Thanh Sơn, Gánh hát Lô tô Hương Nam); Sắc tình Tây Bắc (biên đạo Ngọc Xuân, Vũ đoàn Bạch Dương).

Giải C: Đời gánh (biên đạo Pham Minh Tuấn, Vũ đoàn Number One); Cánh hoa Triều Lý (biên đạo Lê Hải, Vũ đoàn Việt Hải); Tiếng lòng (biên đạo Dương Yến Châu); Bạn đời (biên đạo Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng); Mầm ơi! (biên đạo Trần Thanh Tùng); Âm dương (NSƯT Lê Thị Thu Giang); My dream (biên đạo Nguyễn Phúc Hùng); Trường Sa màu biển đỏ (biên đạo Phan Gia Sương, Vũ đoàn Diva); Dây đời (biên đạo Nguyễn Mậu Sơn, Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai).

4 giải biên đạo triển vọng gồm: Gia tài của cha mẹ (biên đạo Thế Chung); Thức (biên đạo Trần Nguyễn Trâm Anh); Đoạn (biên đạo Lâm Thế Vinh, Trần Đức Hồng Duyên); Thanh xuân để lại (biên đạo Nguyễn Thiện Nhất) và 2 diễn viên triển vọng gồm Hà Lộc – tác phẩm Sông cạn và Nguyễn Phương Thuý – Hồn Khơ Mú.

Bài, ảnh: Diễm Mi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI