Làm phim ngắn cần bước qua lằn ranh nghiệp dư, tại sao không?

29/10/2019 - 18:32

PNO - Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 2010 với chỉ vỏn vẹn 40 phim ngắn, đến nay, con số này đã 100 phim.

Tối 26/10, tại TP.HCM, dự án làm phim 48 giờ Việt Nam năm 2019 đã khép lại 3 tháng tranh tài với giải Phim xuất sắc nhất thuộc về Bi, không sợ nữa của nhóm FGS.

Sân chơi phim ngắn ở Việt Nam không thiếu, nhưng để đi được đường dài qua 10 năm thì chỉ dự án làm phim 48 giờ Việt Nam làm được. Dẫu cho sự khắc nghiệt thể hiện ngay từ tên gọi của cuộc thi, nhưng từ sân chơi này, nỗi ác mộng phải xong phim chỉ trong hai ngày cũng đã hô biến thành giấc mơ ngọt ngào cho những người làm phim trẻ, bởi rất nhiều người trong số họ đã tiến thẳng đến màn ảnh rộng, và gặt hái thành công.

Lan tỏa niềm vui cuối tuần

Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào năm 2010 với chỉ vỏn vẹn 40 phim ngắn, đến nay, con số này đã là 100 phim. Và nếu tính trong khoảng thời gian mười năm qua, dự án đã sản xuất hơn 1.000 bộ phim ngắn từ các nhà làm phim trẻ trên khắp Việt Nam.

Lam phim ngan can buoc qua lan ranh nghiep du, tai sao khong?
Nhóm FGS làm phim Bi, không sợ nữa lần thứ hai đoạt giải quán quân tại dự án làm phim 48 giờ Việt Nam

Khác với các sân chơi phim ngắn trong nước mới lẫn cũ như YxineFF, 321 Action, Liên hoan phim ngắn FY, dự án phim ngắn CJ, Phim ngắn HTV… dự án làm phim 48 giờ thách thức tay nghề người chơi hơn cả, khi mỗi đội chỉ có hai ngày cuối tuần để thực hiện trọn gói quy trình làm phim, từ việc lên ý tưởng kịch bản, quay phim cho đến hậu kỳ, và nộp sản phẩm kể từ thời điểm nhận đề bài.

Độ khó không chỉ nằm ở sức ép thời gian, mà còn ở yêu cầu “ngặt nghèo” là phim phải có tên nhân vật, một đạo cụ, một câu thoại bắt buộc mà ban tổ chức đưa ra, và thể loại phim được bốc thăm ngẫu nhiên. Với thời lượng chỉ 4 đến 7 phút, và thời gian thực hiện rơi vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật, mỗi bộ phim không chỉ là niềm vui cuối tuần, mà còn là dịp thể hiện tinh thần đồng đội của những bạn trẻ mê làm phim. 

Cũng bởi quy định làm phim thú vị: thúc đẩy các bạn trẻ thực hiện đam mê của mình thay vì chỉ nói về chúng, mà dự án làm phim 48 giờ tồn tại suốt mười năm qua - một quãng đường không hề ngắn, nếu đặt cạnh sân chơi lâu năm tương tự YxineFF - đã “chết” sau 5 năm tổ chức. Không khó để nhận ra rất nhiều đội nhóm quen thuộc qua các mùa thi, như nhóm FGS làm Bi, không sợ nữa đã tham gia bốn năm liền, và năm nay là lần thứ hai họ đoạt giải cao nhất.

Đạo diễn Chung Chí Công của nhóm 30 pictures of moonlight - đơn vị đoạt ba giải năm nay nhờ phim Độc, chia sẻ: “Tôi đã tham gia cuộc thi từ năm 2012, và sẽ còn tham gia tiếp nếu sân chơi này vẫn còn. Tôi yêu thích không khí làm phim khẩn trương, thích cảm giác cùng mọi người chiến đấu để hoàn thành một bộ phim”.

Có thể nói, thay vì ban tổ chức truyền cảm hứng làm phim cho người chơi, thì ở cuộc thi này, sự nhiệt tình của những người chơi đã truyền cảm hứng ngược lại cho những đơn vị, cá nhân sẵn sàng đồng hành với cuộc thi. Sự có mặt của những tên tuổi nổi tiếng trong và ngoài nước như đạo diễn Phillip Noyce, Jordan Vogt-Roberts, Ken Ochiai, Nguyễn Vinh Sơn, Charlie Nguyễn, Victor Vũ… trong vai trò giám khảo là minh chứng cho thấy sức hút lẫn uy tín, quy mô của cuộc thi. 

Bước qua lằn ranh nghiệp dư

Dự án làm phim 48 giờ được thành lập từ năm 2001 tại Mỹ, và được mang đến Việt Nam bởi nhà tổ chức sự kiện người Úc Ross Stewart. Dự án làm phim 48 giờ Việt Nam (thuộc khuôn khổ cuộc thi Làm phim 48 giờ quốc tế) không chỉ tạo ra sân chơi cho những nhà làm phim trẻ, mà còn khuyến khích họ bước ra và tiến lên màn ảnh rộng. Ít ai biết, trước khi ba lần làm giám khảo dự án làm phim 48 giờ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng nhiều lần tham gia với vai trò thí sinh, hay đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy - tác giả bộ phim Ròm vừa thắng giải New Currents tại liên hoan phim Busan vừa qua cũng từng góp mặt ở sân chơi này. 

Chia sẻ tại đêm trao giải, cũng là dịp nói lời chào tạm biệt với dự án làm phim 48 giờ, ông Ross Stewart cho biết: “Mười năm qua, đã có nhiều nhà làm phim tham gia dự án trong các năm trước đã bước thêm những bước đi lớn trong sự nghiệp của họ, như đạo diễn Luk Vân, Lê Bình Giang, Vũ Ngọc Phượng, Tô Gia Tuấn, Trần Hữu Tấn, Chung Chí Công”. Trong số những cái tên ông Ross Stewart vừa nêu, ngoại trừ Tô Gia Tuấn và Lê Bình Giang, còn lại đều đã có sản phẩm ngoài rạp, trong đó mới nhất là phim Bắc kim thang của Trần Hữu Tấn, và Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi của Chung Chí Công. 

Trong đêm trao giải 26/10, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đưa ra lời khuyên với các đội nhóm chiến thắng năm nay: “Tôi mong đội đoạt giải nhất và nhì sẽ sớm làm phim dài, bởi đã đến lúc những nhà làm phim cần tìm cách dừng cuộc chơi nhỏ để đi đến cuộc chơi lớn hơn”. Diễn viên Trấn Thành - một trong những cá nhân đồng hành cùng dự án làm phim 48 giờ Việt Nam năm nay đồng tình: “Cuộc thi không chỉ là nơi để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi, mà còn là cơ hội để giới chuyên nghiệp gọi tên các bạn, và giúp các bạn vượt qua lằn ranh bán chuyên để tiến vào con đường chuyên nghiệp”. 

Không chỉ tạo cơ hội tiến lên chuyên nghiệp, dự án làm phim 48 giờ Việt Nam còn mang tên tuổi người chơi vượt ra khỏi biên giới quê nhà để đến với các sân chơi quốc tế. Bằng cách hợp tác với liên hoan phim Cannes, hằng năm, một số phim xuất sắc nhất dự án này sẽ được chiếu tại Góc phim ngắn thuộc Liên hoan phim Cannes. Năm ngoái, phim Đường Mật thắng dự án làm phim 48 giờ Việt Nam còn vinh dự nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, và top 4 phim xuất sắc nhất vòng chung kết Làm phim 48 giờ quốc tế.

Mười năm tồn tại của dự án làm phim 48 giờ Việt Nam có lẽ sẽ chỉ là một con số vô nghĩa, nếu sân chơi này không tạo được bệ phóng, chắp cánh nhiều tên tuổi đạo diễn trẻ bay cao. Rất may, dự án làm phim 48 giờ Việt Nam đã làm được điều đó. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI