Làm gì có chuyện "việc nhẹ lương cao"

05/06/2022 - 14:10

PNO - Vừa qua báo chí đưa tin một nhóm thanh niên bị lừa qua Campuchia với chiêu bài “làm việc nhẹ, lương cao”. Chuyện bị lừa bán tương tự thường xuyên xảy ra.

Nhiều nhất là các cô gái bị bán sang Trung quốc. Có vụ bị bán lên tàu đánh cá, lao động như nô lệ. Cũng có những trường hợp rơi vào “bẫy việc làm”: người tìm việc bị người môi giới đưa vào cơ sở cần người làm, khi hiểu ra mới biết họ đã lấy tiền môi giới, muốn thoát ra thì phải tốn tiền chuộc (trả lại tiền mà người môi giới đã nhận). Các vụ việc lừa đảo đều là phạm pháp. Nhưng lừa đảo người lao động đang cần việc làm thật quá bất nhân.

Trong quý I năm 2022, số người lao động đang thiếu việc làm khoảng 1,3 triệu người
Trong quý I năm 2022, số người lao động đang thiếu việc làm khoảng 1,3 triệu người

Theo số liệu của Tổng cục thống kê , lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người.  Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người. Số người lao động đang thiếu việc làm khoảng 1,3 triệu người. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2022 là 3,01%. Những số liệu cho thấy tình trạng thất nghiệp cũng không quá gay gắt.

Cũng theo số liệu của Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng. Trong khi lương tối thiểu vùng theo quy định hiện nay, cao nhất (vùng I) là 4.420.000 đ/người/tháng.

Từ những số liệu trên, người lao động có thể tự đánh giá để biết khả năng của mình nhận được tiền công bao nhiêu. Việc được xem là nhẹ nhàng đó có thể rơi vào các tình huống: không có thật (họ đưa ra để dễ dàng chiêu dụ), phải đánh đổi bằng thân xác, làm công việc phạm pháp…

Thật ra, nhiều người mới bước vào thị trường lao động thiếu hẳn những kiến thức tìm việc. Xưa kia người thanh niên lớn lên theo truyền thống sẽ theo cha, chú học nghề và hành nghề. Hoặc được gia đình gửi vào các cơ sở để lao động không ăn lương (gọi là làm thí công) để dần dần được dạy nghề. Ngày nay các khu công nghiệp tuyển dụng lao động rộng rãi. Khổ nỗi không phải nơi nào cũng có đầy đủ việc làm. Nhiều thanh niên muốn có việc làm phải rời bỏ quê hương, thiếu chỗ dựa gia đình, chỉ biết cậy nhờ những người mới quen xung quanh. Do thiếu kỹ năng nên phải làm việc nặng, lương thấp. Vì muốn nhanh chóng thay đổi nên dễ bị lừa đảo.

Để không còn xảy ra các vụ lừa đảo thương tâm cần có nhiều biện pháp thiết thực. Trước hết là điều tra, xử lý những tội phạm và đồng lõa của chúng. Sau đó là có chương trình tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông các vụ việc lừa đảo để mọi người cảnh giác. Các cơ sở giới thiệu việc làm cần tiếp cận gần gũi hơn với người cần tìm việc. Nhà trường cần đưa vào chương trình giáo dục về thị trường lao động, pháp luật lao động, về bảo hiểm các loại liên quan đến người lao động và quyền lợi chính đáng của người lao động. Đặc biệt, bản thân người lao động phải tự biết không ai trả lương cao vượt bậc cho người chỉ có năng lực thông thường. Huống chi còn hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”. 

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    Sao còn đòi giấy xác nhận chuyển đổi CMND sang CCCD?

    03-04-2024 18:46

    Việc chuyển đổi số chưa hiệu quả khi người ta không biết (hoặc cố tình không muốn) vận dụng công nghệ vào công cuộc cải cách hành chính.

  • Tự hào dân tộc

    Tự hào dân tộc

    31-03-2024 07:26

    Chỉ khi lạc lõng, bơ vơ nơi xứ người, mấy tiếng "tự hào dân tộc" mới trỗi dậy, nhắc tôi thêm mạnh mẽ, vững vàng mà không thấy mặc cảm, tự ti.