Lại rối chuyện quản lý dạy thêm, học thêm

23/12/2019 - 07:55

PNO - Với những giấy phép cấp cho các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm sau khi quy định cấp phép theo Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT hết hiệu lực, có địa phương thu hồi, có địa phương không...

Với những giấy phép cấp cho các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm sau khi quy định cấp phép theo Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT hết hiệu lực, có địa phương thu hồi, có địa phương không và đang chờ Bộ GD-ĐT có hướng dẫn mới. 

Vẫn cấp phép dù hết hiệu lực

8/22 điều trong Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT quy định dạy thêm, học thêm hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nhưng mãi đến ngày 26/8/2019, Bộ GD-ĐT mới ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực. Điều này có nghĩa là ba năm qua, các sở GD-ĐT vẫn tiếp tục cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm. 

Lai roi chuyen quan ly day them, hoc them
Bộ GD-ĐT cần ban hành quy định về dạy thêm học thêm để hoạt động này nằm trong sự quản lý, tránh biến tướng, tiêu cực - Ảnh: Tiêu Hà

Ông Lê Duy Định, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết ba năm qua sở vẫn cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm. Khi Bộ GD-ĐT có quyết định công bố hết hiệu lực các điều của Thông tư 17 liên quan đến cấp phép thì sở đã có văn bản thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm. 

Tại tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cũng đưa ra thông tin: ba năm qua sở vẫn cấp phép tổ chức dạy hêm, học thêm cho đến khi bộ có quyết định công bố hết hiệu lực một số điều liên quan đến cấp phép.

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: theo quy định tại điều 157 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực được tiến hành định kỳ hằng năm; trường hợp văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc đối tượng của kỳ công bố trước nhưng chưa được công bố thì cơ quan rà soát đưa văn bản đó vào danh mục văn bản để công bố.

Việc chậm công bố văn bản pháp luật hết hiệu lực như trên ảnh hưởng đến hoạt động những cá nhân, tổ chức đã được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cũng như ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với hoạt động này.

“Vì vậy, các cơ quan nhà nước liên quan cần nhanh chóng có phương án, văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT để đảm bảo quyền lợi của người dân và sự đồng bộ trong quản lý của Nhà nước; đồng thời, rút kinh nghiệm trong công tác tự kiểm tra, rà soát và xử lý các văn bản hết hiệu lực hoặc trái quy định pháp luật để công bố kịp thời theo quy định”, luật sư Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.

Nơi thu hồi, nơi không

Xử lý thế nào với những giấy phép cấp sau ngày 1/7/2016? Có sở GD-ĐT thu hồi giấy phép, sở khác lại không. Ông Lê Duy Định cho rằng, quyết định cấp phép sau khi quy định cấp phép trong Thông tư 17 hết hiệu lực thì không có giá trị. Tuy nhiên, vì sở đã cấp phép rồi nên không có chủ trương thu hồi mà sẽ quản lý theo những điều còn hiệu lực trong Thông tư 17. 

Ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, thông tin: đối với những giấy phép được cấp sau thời điểm 1/7/2016, sở không thu hồi mà để cho hoạt động đến khi hết hạn trong giấy phép vì cũng không có quy định nào cấm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Oanh cho hay, những giấy phép cấp sau ngày 1/7/2016 là sai, không có giá trị nên tới đây sở sẽ thu hồi. 

Còn tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho biết quy định tổ chức dạy thêm, học thêm phải được cấp phép đã hết hiệu lực thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu tổ chức dạy thêm, học thêm không phải xin phép. Sở sẽ quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm được quy định trong những điều còn hiệu lực của Thông tư 17. 

Trương Mẫn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI