La vie en rose - Dù bão giông, hoa hồng vẫn nở…

16/03/2020 - 15:32

PNO - La vie en rose được viết một cách chân phương và giản dị, với nội dung miêu tả những xúc cảm chân thành và dịu dàng nhất của một cô gái dành cho chàng trai mà cô yêu:

Giữa những ngày dịch bệnh bao trùm như những đám mây đen che phủ bầu trời, thông tin tiêu cực xuất hiện ở khắp mọi nơi, hãy cùng nghe lại những giai điệu dịu dàng ấm áp của La vie en rose, để thêm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người, tin vào một ngày mai sẽ khác.Bão giông rồi sẽ qua và hoa hồng vẫn nở!

Từ một tình yêu sét đánh

Trải qua gần một thế kỷ, kể từ ngày được vang lên lần đầu tiên tại thủ đô Paris nước Pháp năm 1946, La vie en rose (Cuộc đời màu hồng) vẫn là một trong những bản tình ca bất hủ về tình yêu ngọt ngào và đắm say nhất trên toàn thế giới, vượt qua thời gian, không gian và ngôn ngữ, bất chấp chiến tranh, dịch bệnh, đói khổ hay những đau thương, chia lìa.

Được hoàn thiện năm 1945, La vie en rose được viết nên bởi phần lời vô cùng lãng mạn của nữ danh ca huyền thoại người Pháp Edith Piaf cùng phần nhạc của Marguerite Monnot và Louis Guglielmi. 

Những ca từ của La vie en rose đã đến với Edith Piaf vào năm 1944, khi bà tình cờ gặp một người đàn ông người Mỹ trong một quán cà phê. Tình yêu “sét đánh” bất ngờ ập đến, những cảm xúc như những cơn bão trào dâng trong trái tim nữ ca sĩ, thôi thúc bà bắt tay viết những câu đầu tiên của bài hát: “Quand il me prend dans ses bras..." (Khi chàng ôm tôi trong vòng tay...). 

Không có quá nhiều ẩn dụ xa xôi bóng gió, La vie en rose được viết một cách chân phương và giản dị, với nội dung miêu tả những xúc cảm chân thành và dịu dàng nhất của một cô gái dành cho chàng trai mà cô yêu: “Quand il me prend dans ses bras, Il me parle tout bas. Je vois la vie en rose…” (Khi chàng ôm tôi trong vòng tay, chàng nói với tôi những lời thì thầm. Tôi thấy cuộc đời màu hồng…).

Bản nhạc được hoàn tất một thời gian ngắn sau đó. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng nó quá “đơn giản” để được công chúng đón nhận, Edith Piaf gần như đã lãng quên ca khúc trong suốt gần hai năm.

Và phải đến tháng 10/1946, Edith Piaf mới quyết định ghi âm phiên bản đầu tiên của ca khúc này dưới cái tên La vie en rose. Nhưng bất ngờ thay, gần như ngay lập tức, ca khúc trở nên phổ biến rộng rãi trong công chúng thủ đô Paris. Mọi người truyền tai nhau và ngân nga theo những giai điệu du dương của La vie en rose như một bản “thánh ca” của tình yêu. Đĩa đơn La vie en rose được Edith Piaf phát hành sau đó vào năm 1947, đạt ngưỡng 1 triệu bản tại Hoa Kỳ ngay trong năm đầu tiên, trở thành đĩa đơn bán chạy nhất năm 1948 tại Ý và bán chạy thứ 9 tại Brazil trong năm 1949.

Ca khúc La vie en rose

 

Và cũng từ đó, ca khúc gần như gắn liền với số phận của nữ danh ca. La vie en rose đã một bước đưa Edith Piaf, khi đó mới chỉ là một ca sĩ bình thường trong một nhà hát tại thủ đô Paris, trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. 

Cũng từ La vie en rose, giọng ca như chuông ngân của Edith Piaf được bay cao, bay xa hơn, vượt qua nhiều lãnh thổ, ngày càng nhiều người biết đến bà hơn để rồi Edith Piaf đã trở thành một trong những giọng ca kinh điển của thế kỷ XX. Ngay cả sau khi qua đời, Edith Piaf vẫn được tôn vinh như một nữ thần âm nhạc của mọi thời đại.

Trong suốt những năm tháng cuộc đời mình, nữ danh ca Edith Piaf đã đưa La vie en rose đi khắp thế giới. Dù không mang quá nhiều những học thuật cao siêu trong giai điệu, chỉ bằng chất giọng vừa bay bổng nữ tính, có chút uể oải chậm rãi, vừa dày dặn ngân vang, Edith Piaf đã thổi hồn vào La vie en rose, khiến ca khúc có thể lay động trái tim hàng triệu khán giả.

La vie en rose phổ biến nhất vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Ca khúc được hàng trăm nghệ sĩ trên khắp thế giới như Tony Martin, Paul Weston, Bing Crosby, Ralph Flanagan, Victor Young, Dean Martin và Frank Sinatra... trình bày lại dưới những phiên bản khác nhau. Nổi bật nhất có thể kể đến màn thể hiện đầy nam tính của Louis Armstrong với tiếng kèn trumpet hào sảng cùng giọng ca trầm khàn đặc trưng hay những phần thể hiện mang hơi hướm nhạc Jazz đầy nữ tính của Aretha Franklin, Audrey Hepburn.

Năm 1977, nữ ca sĩ người Mỹ gốc Jamaica Grace Jones cũng thể hiện lại ca khúc này theo âm hưởng Rock & Roll đầy ấn tượng. Đây cũng là một trong những phiên bản thành công nhất của La vie en rose, mà sau này nữ ca sĩ Grace Jones cũng chia sẻ rằng: “Đó là một ca khúc vô cùng đặc biệt với tôi. Tôi đã khóc mỗi lần hát bài hát ấy”. Năm 1993, một La vie en rose khác của nữ danh ca người Mỹ Donna Summer trong album Tribute to Edith Piaf để tưởng nhớ Edith Piaf cũng là một trong những phiên bản nổi tiếng được nhiều người đón nhận.

Nhưng tất nhiên, dù thế nào, phiên bản gốc của “họa mi nước Pháp” vẫn được yêu thích hơn tất cả. Với vóc dáng nhỏ nhắn trong chiếc váy đen, khuôn miệng chúm chím, La vie en rose của Edith Piaf đã trở thành hình tượng kinh điển không thể thay thế trong lòng những người mến mộ nữ danh ca cũng như yêu mến ca khúc này.

La vie en rose và Edith Piaf

 

Vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc, La vie en rose cũng trở thành linh hồn của rất nhiều tác phẩm điện ảnh. 
Trong bộ phim hoạt hình Wall-E năm 2008, giây phút đầu tiên anh chàng người máy Wall-E gặp cô nàng Eve kiêu kỳ, những giai điệu của La vie en rose đã minh chứng cho tình yêu của hai người.

Trong bộ phim A Star is born năm 2018, cô ca sĩ kiêm nhạc sĩ Ally Maine do Lady Gaga thủ vai đã có phần thể hiện ca khúc La Vie en Rose trong một quán bar và anh chàng rocker Jackson Maine (Bradley Cooper) gần như đã yêu cô ngay lập tức sau phần thể hiện đầy quyến rũ ấy.

Hay mới đây nhất, trong bộ phim đình đám The Irishman của đạo diễn Martin Scorsese, giữa thập niên 60, 70 của nước Mỹ đầy hỗn loạn và u tối, những giai điệu của La vie en rose vẫn ngân lên đầy tươi vui và hy vọng, khiến người xem không khỏi bồi hồi, xao xuyến.

Ngoài ra, hai bộ phim về cuộc đời Edith Piaf được đặt tên theo tựa đề của bài hát cũng đã được phát hành. Bộ phim đầu tiên được công chiếu năm 1998. Bộ phim thứ hai phát hành năm 2007, nhận được 11 đề cử cho giải thưởng điện ảnh Cesar danh giá, vốn được xem như “giải Oscar của nước Pháp” và nữ diễn viên người Pháp Marion Cotillard trong vai Edith Piaf đã giành giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Bức tranh màu hồng sau những ngày u ám

Qua đời năm 47 tuổi, không giống như những gì thể hiện trong âm nhạc, trong suốt cuộc đời mình, Edith Piaf đã gặp rất nhiều đau khổ và bất hạnh. Tuổi thơ không có cha mẹ bên cạnh, nữ ca sĩ lớn lên với bà nội là chủ một nhà chứa. Ngay từ nhỏ, bà đã là đứa trẻ ốm yếu và bệnh tật. Lớn lên, Edith Piaf phải chật vật kiếm sống bằng nghề hát dạo trên đường phố mỗi ngày. Bà cũng trải qua nhiều mối tình đau thương với nhiều nước mắt. Mối tình hạnh phúc nhất của bà là với Marcel Cerdan, một võ sĩ quyền Anh vô địch thế giới nhưng chưa được một năm thì Marcel qua đời trong một tai nạn máy bay trên đường sang thăm bà.

Những năm cuối đời, Edith Piaf liên tiếp gặp tai nạn, bà ngập chìm trong thuốc giảm đau, rượu và qua đời vì bệnh ung thư gan ở tuổi 47.

Nhưng trên tất cả, trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, người ta vẫn nhìn thấy ở bà một nghị lực phi thường, một tình yêu mãnh liệt với âm nhạc và cuộc sống để vượt qua mọi nghịch cảnh của số phận.

Hơn ai hết, Edith Piaf nếm trải và hiểu mọi sắc màu của cuộc sống nhưng bà vẫn chọn để vẽ nên một bức tranh tươi đẹp của sắc hồng, của tình yêu bằng âm nhạc. Một bức tranh của niềm vui và những yên bình, mà dường như chỉ trải qua hết những bão giông, người ta mới càng thêm trân trọng.

Mang đặc trưng của âm nhạc Pháp, ra đời khi nước Pháp vừa kết thúc chuỗi ngày đau thương của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, La vie en rose dường như đã trở thành một thông điệp mang ý nghĩa của niềm tin và hạnh phúc đến tất cả những người dân vừa trải qua chiến tranh. 

Bằng âm nhạc, Edith Piaf đã mang đến một thứ ánh sáng tươi đẹp như sắc hồng của những đóa hồng nhung rực rỡ buổi sớm mai, xua tan đi những ảm đạm và tăm tối của cuộc chiến khốc liệt vừa đi qua, cả những đổ vỡ mất mát trong tâm hồn, với những hy vọng mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng, ấm áp hơn. 

Lan Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI