Khi trung thực là đặc quyền của trẻ con

04/09/2020 - 07:52

PNO - Trẻ con hồn nhiên trung thực. Chỉ có người lớn, càng lớn lên, càng dày dạn lại yếu ớt tới mức ma mãnh mà sống khác mình đi, che lấp, hủy diệt dần cái trung thực trẻ con ấy.

Sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng tải thông tin học sinh A. được nhận vào trường THPT N.D. dù thiếu đến 7,75 điểm, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với đại diện Báo.

Tiếp nhận những thông tin được chia sẻ tường tận hơn, chúng tôi chỉ hỏi thêm mấy điều: Tại sao trong 3 trường mà A. chọn nguyện vọng (đều… rớt), lại không chọn trường có mức điểm trúng tuyển thấp nhất để mức nâng khống điểm ít nhất có thể, lại chọn trường có điểm trúng tuyển cao nhất? Là cháu của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng rất tiếc là cụ đã mất, nay nếu lấy lý do vì quá đau buồn mà sa sút việc học, dẫn đến thiếu điểm, thì liệu có thuyết phục? Bản thân người nằm xuống hẳn cũng không mong con cháu nương cậy vào mình để xao nhãng học hành mà đổi chác điểm số. Nhà neo người, mẹ là giáo viên; nếu học trường tư, vừa xa vừa học phí đắt, nhưng kỳ thực, mẹ là hiệu phó, vậy vị phụ huynh - cũng là một cán bộ quản lý giáo dục, nghĩ gì về chính trường hợp nâng khống điểm cho con mình? 

Dĩ nhiên, chúng tôi không nhận được câu trả lời nào, ngoài sự “mong được chia sẻ”! 

Thôi thì đành cảm thán, anh thấy đấy, vụ việc nâng khống điểm ở các tỉnh phía Bắc vừa qua, không chỉ phụ huynh mà cả con em cũng tỏ tường, không chỉ lôi kéo giáo viên, nhà quản lý giáo dục mà cả quan chức địa phương, nó băng hoại không chỉ nhà trường mà cả gia đình và xã hội.

Vị đại diện sở lập tức nói, vụ này khác mấy vụ đó, ngoài ấy là lấy mất suất đại học của người khác, còn ở đây chúng tôi không làm mất chỗ của ai. Tôi đáp, vậy thưa anh, cái suất trường tư, học phí đắt đỏ kia con em lao động nghèo, nhỡ học lực kém sẽ phải gánh, thì sao?

Đại diện sở lại “chiếu cố”, cháu A. giờ có học lực cũng khá tốt, ngoan. Tôi đáp, nhưng cháu sẽ mang gì để vào đời, lập thân thưa anh, khi bài học về lòng trung thực, sự công bằng cháu đã không được dạy...

Vụ việc chìm lắng từ dạo ấy. Câu trả lời xử lý trách nhiệm của những người lớn vẫn lơ lửng. Thêm một mùa khai trường rộn ràng, những bài học vỡ lòng lại ê a, tôi lơ ngơ vẽ ra cảnh tượng, nét chữ đầu tiên mỗi thầy cô giáo ghi lên bảng, cũng là nét chữ nắn nót tinh khôi đầu đời của mỗi lứa học trò, chỉ cần hai từ: trung thực. 

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM với học sinh (HS) thành phố sáng 23/3 vừa qua, em Phạm Song Toàn, lớp 11 Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè), đã bật khóc khi kể về chuyện ở lớp mình: “Hiện nay lớp con đang gặp vấn đề với giáo viên. Con muốn thầy cô có biện pháp hợp lý trong mối quan hệ giữa HS với giáo viên. Một giáo viên của con lên lớp chỉ viết bài lên bảng và không nói gì. HS thấy cô im lặng nên cũng sợ và không nói gì. Con không hiểu vì sao cô không nói gì với chúng con”.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM với học sinh thành phố sáng 23/3/2018 em Phạm Song Toàn, lớp 11 Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè), đã bật khóc khi kể về chuyện ở lớp mình có một giáo viên chỉ viết bài lên bảng và không nói gì suốt cả một học kỳ

Trung thực trong lớp học - học để hiểu, để tự nhận mình chưa hiểu mà có cách bày tỏ (của trò), đối xử tôn trọng, hỗ trợ (của thầy và bạn); trung thực - để thừa nhận sự chưa hiểu của người khác mà không chê bai, phán xét, phân biệt. Trung thực để chân thành, tự tin mà cất lên tiếng nói của chính mình, lắng nghe tiếng nói của người khác để hiểu rằng, ngay cả trong sự câm lặng, con người vẫn có thể đối thoại. Trung thực để đủ can đảm ứng phó, bảo vệ những điều mà mình tin và cho rằng đúng, dù khó khăn, bị cô lập. Trung thực để “chạm ngõ” những tốt xấu, đúng sai đầu đời mà dần định hình thái độ, sự lựa chọn, hướng đi... để từ đây, ít nhiều là bộ lọc gạn đục khơi trong cho những công dân tương lai có phẩm giá, hoàn thiện nhân cách. 

"Chúng ta chỉ trở nên công chính khi hành động công chính; chúng ta chỉ trở nên dũng cảm khi hành động dũng cảm” (Aristoteles). Sự trung thực nằm ngay trong từng hành động, lời nói - với tư cách diễn đạt hành động.

Một khi cả lời nói cũng thiếu trung thực, sự dối trá ẩn nấp thì trước sau, chẳng có hành động nào che chắn nổi. Và ai đủ tư cách để truyền dạy, khuyên răn, nhắn nhủ cho ai; cái gật gù (ra vẻ) tâm đắc, tràng pháo tay (biểu thị) tán dương lại là sự hô ứng cho thói giả tạo được che đậy theo bầy đàn. 

Tôi nhớ dạo sự việc cô học trò Song Toàn dậy sóng, tôi về Long Thới, huyện Nhà Bè, gặp cậu học trò N.L.A.T., một nạn nhân của cô giáo M.C. 18 năm sau ngày bị cô giáo này trù dập, cô lập, cậu nam sinh ngày ấy, nay đã là người đàn ông xấp xỉ 40, cha của ba đứa con, A.T. đã bật khóc khi lần đầu tiên được nói ra cái sự thật mà cậu đã phải chịu đựng, “không quên được đâu chị, nó sẽ theo mình đến hết đời”.

Một người thầy không đủ sự trung thực để nhận ra mình đã thiếu tình yêu thương, quan tâm, công bằng với học trò, đẩy nó vào sự khốn khổ để cuối cùng, chính nó trả giá cho sự lựa chọn con đường đi vào tương lai - không tự tin thi đại học. 

Trẻ con hồn nhiên trung thực. Chỉ có người lớn, càng lớn lên, càng dày dạn lại yếu ớt tới mức ma mãnh mà sống khác mình đi, che lấp, hủy diệt dần cái trung thực trẻ con ấy. Vì vậy, xét cho cùng, bài học về lòng trung thực, thực chất là dạy cho những trẻ con đã bắt đầu lớn, uốn nắn và răn đe những người lớn đã không còn “trẻ con”, xênh xang chức tước, phẩm hàm, địa vị, gia thế mà gian từ điểm số đến... quốc tịch! 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI