Khi thầy cô đi học làm thí nghiệm

23/08/2023 - 12:42

PNO - Nhiều thầy cô đang tìm cách thay đổi, thích ứng với sự đổi mới của ngành giáo dục để học sinh có thể thụ hưởng sự tích cực của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không ít người đã bỏ tiền túi để đi học thực hành, học cách dùng thiết bị thí nghiệm... để có thể dạy tốt hơn.

Thầy cô cùng săn học bổng

Trung tâm thực hành vật lý của thầy Mai Văn Túc (giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức 1 cuộc thi đặc biệt. Giáo viên THCS và THPT có nhu cầu săn “học bổng vật lý thực hành” của trung tâm cùng vượt qua 2 vòng thi. Vòng lý thuyết diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng Tám, dưới hình thức trực tuyến. Ở vòng thi này, có 11 thầy cô đã vượt qua. Vòng thực hành diễn ra trong tuần thứ hai của tháng Tám. 11 thầy cô làm thí nghiệm bất kỳ, quay video và gửi về để thầy Túc và đội ngũ chuyên môn chấm điểm.

Buổi học kết thúc, nhưng các giáo viên vẫn nán lại vì sự lôi cuốn, thú vị của các thí nghiệm - ẢNH: T.T.
Buổi học kết thúc, nhưng các giáo viên vẫn nán lại vì sự lôi cuốn, thú vị của các thí nghiệm - Ảnh: T.T.

2 ngày trước, trung tâm công bố kết quả, 5 suất “học bổng vật lý thực hành” trị giá 6 triệu đồng/suất đã thuộc về 4 thầy giáo ở Đà Nẵng, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Kạn và 1 cô giáo ở Hà Nội. Thầy Túc khoe: “Xem các video thầy cô gửi về, tôi rất vui. Trung tâm sẽ mời thầy cô đến các phòng thí nghiệm thực hành với mong muốn qua thầy cô, sẽ có hàng ngàn học sinh được học vật lý sáng tạo thông qua thiết bị”.

Thầy Đặng Hữu Tuấn đến từ Đà Nẵng là 1 trong 5 người vừa giành học bổng. Tuy là giáo viên vật lý của 1 trung tâm dạy khoa học nhưng khi đến trung tâm của thầy Túc, thầy mới được học về cân Roberval (loại cân đĩa sử dụng quả cân để cân trọng lượng tương đương của vật ở đĩa cân đối diện) đúng nghĩa từ lý thuyết - thực hành - đạo đức. Với thầy, đó là cột mốc quan trọng nhất của năm 2023. Bởi thầy nhận ra, nếu STEAM (phương pháp giáo dục kết hợp 5 lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học) giúp học sinh sáng tạo, khai phóng tiềm năng của mình, phát triển năng lực; thì thực hành sẽ giúp học sinh có nền tảng vững vàng. Đó chính là khởi nguồn của sáng tạo. 

Thầy Tuấn chia sẻ về 1 bài thực hành mà thầy thực hiện ở trung tâm với học trò của mình rằng: “Rất tiếc, là dù giáo viên dạy thực hành trải nghiệm nhưng thầy đã không vượt qua. Có một số bạn sẽ bảo, bây giờ dùng cân điện tử, cân cơ tiện hơn nhiều - chứ ai lại dùng cân Roberval. Đúng là như vậy. Nhưng qua 30 phút thử thách của thầy Mai Văn Túc, thầy nhận ra, kiến thức và kỹ năng sử dụng cân Roberval thực sự giá trị. Chính điều đó giúp chúng ta hiểu được nhiều vấn đề trong cuộc sống, dạy ta đạo đức làm người chứ không phải những lý thuyết từ sách vở”.

Những tín hiệu vui

“Học bổng vật lý thực hành” không phải là sự kiện duy nhất thu hút các thầy cô đến với trung tâm thực hành vật lý của thầy Mai Văn Túc. Trung tâm đang có lớp tập huấn giáo viên THPT về thí nghiệm - chương trình 2018, lớp thực hành vật lý trong môn khoa học tự nhiên lớp Tám… Có lớp học đa số là cô giáo, chủ động bỏ thời gian và tài chính để đi học - trước hết là để hiểu đúng về tự nhiên, sau là để hiểu giá trị của thực hành. Từ đó có thể tự tin giảng cho các thế hệ học sinh một cách hào hứng. Quan trọng nhất, là để biết cách tự học theo phương pháp sáng tạo.

Sau khi học làm thí nghiệm, học thực hành, có cô giáo chia sẻ: “Đây là những bài tập mà tổ vật lý trường tôi vẫn tranh cãi. Giờ thì tôi đã tự tin để dạy cho học sinh cũng như bảo vệ quan điểm của mình”. Còn cô giáo Vũ Thị Hiền - giáo viên THCS ở Hà Nội - nói: “Tôi chỉ mong đến lịch học để được tới trung tâm học thực hành”.

Làm việc với nhiều thầy cô tìm đến trung tâm để được học làm thí nghiệm, được thực hành, thầy Túc nhận thấy: Hầu hết thầy cô đều trăn trở làm thế nào để học sinh được học theo hướng khám phá tự nhiên, biết đo đạc thực tế chứ không thể chỉ dạy các em thành thợ giải đề mãi được. 

Tất cả thầy cô đều mong muốn được học lại kiến thức, kỹ năng thực hành một cách bài bản. Thầy Túc kể: “Có lớp, khi đã hiểu được gốc rễ vấn đề cũng như mục tiêu bài thực hành và đã quen với thiết bị, tận mắt trải nghiệm các hiện tượng thông qua các thí nghiệm - thì các thầy cô đều không muốn rời phòng học cả khi đã hết giờ. Đặc biệt, một số thầy cô dạy môn sinh học còn tự tin hướng dẫn cho đồng nghiệp dạy môn vật lý và hóa học thực hành được ngay. Có thầy cô còn nhặt được “sạn” trong sách giáo khoa”. 

Nhà giáo cần phải tự đổi mới 

Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và giáo viên tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kỳ vọng việc thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất. Trong bối cảnh những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới, ông nhấn mạnh: “Nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Bộ trưởng thẳng thắn: “Điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là nhà giáo phải tự đổi mới. Cái gì mới chưa biết, chưa hiểu, chưa thuần thục cùng tìm hiểu. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”. Và “vai trò, vị trí của nhà giáo cần thay đổi - từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức” - ông nhấn mạnh.

Minh Tuệ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI