Khi điện ảnh lên tiếng về những vấn đề xã hội

19/04/2022 - 17:28

PNO - Vẫn là những câu chuyện về gia đình, tình yêu, tình bạn, nhưng một số phim Việt gần đây bắt đầu lồng ghép những vấn đề thời sự nóng trong xã hội.

Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, vấn nạn bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, căn bệnh trầm cảm đang được các nhà làm phim lên tiếng, nhằm thức tỉnh nhận thức người xem.

Những thước phim ám ảnh 

Bộ phim Đêm tối rực rỡ (đạo diễn Aaron Toronto) vừa có một cú lội ngược dòng phòng vé, khi số suất chiếu những ngày gần đây tăng gấp đôi so với ngày đầu. Tiếng vang của phim không chỉ nằm ở việc khai thác tốt yếu tố văn hóa ma chay đặc sắc của Việt Nam, mà còn chuyển tải thành công thông điệp về nạn bạo hành gia đình. Thông qua câu chuyện của một gia đình bị đòi nợ trong khi làm đám tang người thân, Đêm tối rực rỡ phơi bày một thực trạng đau lòng trong đời sống xã hội Việt Nam, đó là vấn nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em.

Cảnh bạo hành trong Đêm tối rực rỡ (trên) và Bẫy ngọt ngào (dưới) gây ám ảnh người xem
Cảnh bạo hành trong Đêm tối rực rỡ (trên) và Bẫy ngọt ngào (dưới) gây ám ảnh người xem

Hình ảnh người cha trong gia đình - ông Toàn - lao vào bóp cổ cô con gái thứ hai Kim Bảo, trấn nước vợ là bà Gái, đánh đập không thương tiếc cháu gái Mai Anh; cảnh Xuân Thanh - con gái lớn của ông Toàn - liên tục tự tát vào mặt mình, tự cắt cổ tay vì chứng bệnh trầm cảm hành hạ, chi tiết Tiểu Bảo - cháu đích tôn của ông Toàn bị bọn xã hội đen chặt ngón tay… thực sự gây ám ảnh. Bằng những bi kịch được miêu tả trực diện, trần trụi và đẩy lên đến đỉnh điểm, bộ phim khiến người xem như bị bóp nghẹt trong nỗi đau của nhân vật.

Trước Đêm tối rực rỡ, điện ảnh Việt cũng có hai tác phẩm nói về vấn đề bạo hành gia đình và căn bệnh trầm cảm là Bẫy ngọt ngào (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư) và Người lắng nghe: Lời thì thầm (đạo diễn Khoa Nguyễn). Xem Bẫy ngọt ngào, khán giả bị sốc mạnh trước phân cảnh nhân vật Camy bị người chồng Đăng Minh ghen tuông chất vấn với hàng loạt câu hỏi, thẳng tay đánh đập, và cưỡng bức cô ngay trên bàn ăn. Hình ảnh Camy nhỏ bé, run rẩy cam chịu trước màn tra tấn tình dục, kèm những lời miệt thị cay nghiệt của Đăng Minh khiến người xem bàng hoàng, vì trước giờ chưa từng có phim Việt nào mà cảnh nóng được thể hiện táo bạo như vậy. 

Nối dài thông điệp bằng những hoạt động bên lề
Vượt ra ngoài khuôn khổ bộ phim, những người làm nghệ thuật còn triển khai nhiều hoạt động “ăn theo” khác có ý nghĩa, để lan truyền mạnh mẽ hơn thông điệp muốn gửi gắm.

Theo sau phim Bẫy ngọt ngào là chiến dịch cộng đồng kêu gọi chống bạo lực giới và bảo vệ phụ nữ mang tên It’s not mascara do nữ ca sĩ - diễn viên Bảo Anh (vai Camy) thực hiện. Chiến dịch này gồm ba hoạt động chính là bộ ảnh It’s not mascara thể hiện vấn nạn bạo hành với góc nhìn đậm chất nghệ thuật, chuỗi talk show thực tế It’s not mascara mời các nghệ sĩ chia sẻ về vấn đề bạo hành, và work shop đồng hành cùng phụ nữ It’s not mascara.

Đoàn phim Đêm tối rực rỡ trích 3% doanh thu của phim trao tặng cho Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, nhằm mục đích góp sức cho tương lai tươi sáng của trẻ em như lời Nhã Uyên, biên kịch - nhà sản xuất và nữ diễn viên chính chia sẻ.

 

Người lắng nghe: Lời thì thầm khoác vỏ bọc kinh dị để phác họa nỗi đau, sự u uất của những người bị trầm cảm. Nhìn cách nhân vật nhà văn An Nhiên bị ảo giác đan xen giữa đời thực và giấc mơ, khiến cô sống dở, chết dở, tìm cách tự làm mình tổn thương, nhiều người giật mình nhận ra bất kỳ ai trong cuộc sống cũng có thể mang “tâm bệnh”, cất giấu những nỗi niềm riêng bởi không nhận được sự lắng nghe, chia sẻ từ mọi người xung quanh.

Bắt kịp hơi thở cuộc sống

So với thể loại phim truyền hình, phim tài liệu, điện ảnh có một bước đi chậm hơn trong việc đề cập trực diện những vấn đề nóng này lên màn ảnh. Những bộ phim dài tập như Sống gượng, Phá vỡ im lặng, phim tài liệu Mẹ con Hà, phim ngắn Buông tay đi từng được xem là tiếng nói của những người làm nghệ thuật, nhằm kêu gọi toàn xã hội cùng bảo vệ, đứng về những người phụ nữ đang phải sống trong cảnh bạo hành từ chính những người chồng. Tuy vậy, chỉ đến khi điện ảnh nhập cuộc, thì tiếng nói này mới thực sự được lắng nghe một cách rộng rãi. Điều này được minh chứng qua số liệu doanh thu hơn 80 tỷ đồng của Bẫy ngọt ngào, và 12 tỷ đồng của Đêm tối rực rỡ (chỉ tính trong khoảng thời gian từ ngày 8/4 đến 15/4).

Phim Người lắng nghe: Lời thì thầm
Phim Người lắng nghe: Lời thì thầm

Nói về lý do lựa chọn vấn đề bạo hành đưa vào phim Bẫy ngọt ngào, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cho biết: “Bẫy ngọt ngào được phát triển từ Chiến dịch chống ế - một sitcom mang màu sắc tươi vui, tích cực. Nhưng Bẫy ngọt ngào nếu chỉ nói về tình bạn trơn tru êm đềm như trong sitcom thì rất chán, không có gì để kể, nên tôi chuyển hướng cho câu chuyện có chiều sâu hơn. Tôi mong muốn kể một câu chuyện của những người từ 30 tuổi trở lên, đó là độ tuổi dính dáng đến đời sống tình yêu, tình dục, gia đình. Đã có nhiều phim nước ngoài làm về đề tài gia đình, phụ nữ, bạo lực rất hay, nên tôi cũng có chút áp lực. Nhưng tôi tin khi mình có câu chuyện và tình cảm với chủ đề đó, thì sẽ tìm được cách kể riêng”.

Chia sẻ về khó khi làm phim về chủ đề bạo hành, đạo diễn Aaron Toronto nói: “Khó khăn là bắt buộc phải thể hiện bạo lực đối với trẻ em trên phim, nhưng phải làm sao để những điều đó diễn ra không quá phản cảm. Không ai muốn thấy cảnh hành hạ trẻ em, nhưng chúng ta cần đối diện với sự thật. Người làm phim phải cố gắng tìm cách cân bằng giữa việc thể hiện sao cho khán giả vừa có thể xem những hình ảnh đó, mà vừa cảm nhận được ý nghĩa thông điệp. Tôi khẳng định trong lúc quay, không có diễn viên nhí nào gặp nguy hiểm với những bạo hành, tất cả chỉ là diễn xuất của các em”. 

Phim ảnh là công cụ truyền tải tiếng nói của những người làm nghệ thuật. Tiếng nói đó càng có giá trị khi các nhà làm phim biết sử dụng nó để lên tiếng về những vấn đề trong xã hội. Một tác phẩm làm ra có chất lượng tử tế, đi kèm với mục đích tốt đẹp chính là giá trị mà điện ảnh Việt cần tìm.

Trailer Đêm tối rực rỡ:

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI