Khán giả phát mệt vì tên bài hát

12/09/2022 - 18:20

PNO - Gần đây, nhiều ca khúc mới bị công chúng phản ứng vì cách đặt tên. Sự dài dòng, thiếu chất thơ, tính thẩm mỹ làm mất đi vẻ đẹp cần có của tên ca khúc.

Quá dài dòng

Không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này là ca khúc nằm trong album mới nhất của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Với 15 từ, bài hát “gia nhập” hội những ca khúc có tên dài nhất làng nhạc Việt. Dù nội dung ca khúc cũng có sự kết nối với tên, nhưng đây không phải là tên bài hát hay, đẹp. DTAP (tác giả ca khúc) và Hoàng Thùy Linh (người thể hiện, quyết định phát hành) hoàn toàn có một lựa chọn tốt hơn. Cách đặt tên bài hát cũng khiến nhiều khán giả cảm thấy không thoải mái: “Không hiểu vì sao tên bài hát có thể dài như thế”, “Tên bài hát đọc muốn  hụt hơi”…  

Trịnh Thăng Bình gây tranh cãi với tên bài hát Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn, ra mắt hồi tháng Sáu
Trịnh Thăng Bình gây tranh cãi với tên bài hát Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn, ra mắt hồi tháng Sáu

Không riêng Hoàng Thùy Linh, hồi tháng Sáu, dư luận từng nổ ra cuộc bàn luận sôi nổi khi Trịnh Thăng Bình kết hợp Liz Kim Cương ra mắt ca khúc Khác biệt này thậm chí còn to lớn hơn. Trước đó, cả hai từng hợp tác trong Khác biệt to lớn. Trịnh Thăng Bình giải thích ca khúc sau có sự liên kết với ca khúc trước nên mới đặt tên như vậy, nhưng nhiều khán giả vẫn không tán thành. Họ cho rằng đây là chiêu trò để gây chú ý, thậm chí chỉ trích tác giả lười biếng trong việc đặt tên bài hát. 

Sản phẩm mới của Phúc Du và Hoàng Dũng dù được đánh giá cao về chuyên môn, nhưng tên bài hát cũng khiến người nghe khó chịu: Đứa nào làm em buồn. Dạo một vòng quanh các bảng xếp hạng âm nhạc gần đây, dễ thấy không ít những ca khúc có tên thiếu tính nghệ thuật như: Thú vị hơn vậy (Trọng Hiếu), Yêu đừng có nhây (Hana Cẩm Tiên), Vài câu nói có khiến người thay đổi (Grey D, Tlinh), Sinh ra đã là thứ đối lập nhau (Emcee L, Badbies), Quên đặt tên (Phạm Nguyên Ngọc)…

Trước đây, làng nhạc từng có những ca khúc có tên dài dòng, thiếu tính nghệ thuật, thậm chí nhảm nhí, dung tục như: Em không muốn mình cao thêm tí nào nữa đâu nhé (Phan Ngân, Hải Sâm), Em bỏ hút thuốc chưa? (Bích Phương), Cắm sừng ai đừng cắm sừng em (Phí Phương Anh), Em sai rồi anh xin lỗi em đi (Chi Pu), Mẩy thật mẩy (Big Daddy, Emily)… Nhưng bất chấp sự phản ứng của khán giả, thực trạng này vẫn đang tái diễn.

Tên bài hát Không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này không thể hiển thị hết trên một nền tảng nghe nhạc số, gây khó cho việc ghi nhớ, tìm kiếm.
Tên bài hát Không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em lúc này không thể hiển thị hết trên một nền tảng nghe nhạc số, gây khó cho việc ghi nhớ, tìm kiếm.

Không thể thiếu yếu tố thẩm mỹ

Trong một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Giao Tiên từng chia sẻ ông có ba bài tạo thành một chuỗi Nhớ người yêu, Thương nhớ người yêu Lại nhớ người yêu. Ca khúc nào ông cũng dành thời gian rất nhiều để đặt tên sao cho vừa có chất thơ, súc tích, vừa thể hiện đúng tâm tư, tình cảm mình mong muốn. Chỉ một chữ “lại” ở ca khúc thứ ba, cũng khiến ông phân vân, lựa chọn sau một thời gian mới chốt cái tên cuối cùng. Theo nhạc sĩ Thế Hiển: “Tên bài hát như một sự đúc kết nội dung, thường cũng có tác động rất lớn đến nội dung. Yếu tố tượng thanh, tượng hình cao, giúp tên bài hát dễ dàng được ghi nhớ, sống động. Và hơn hết, chúng phải đẹp”.

Không phủ nhận làng nhạc luôn vận động, thay đổi. Yếu tố hội nhập, văn hóa, cá tính đã ảnh hưởng nhiều đến tư duy sáng tạo của người trẻ hiện tại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ê-kíp lại cố tình chiêu trò, gây chú ý. Chuyện ca khúc ban đầu có tên ngắn gọn, nhưng sau đó ca sĩ lại muốn đổi dài hơn nhằm gây chú ý, và tác giả chấp nhận sửa theo mong muốn của ca sĩ không phải là chuyện cá biệt.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nêu quan điểm: “Với những nhạc sĩ ngày xưa, việc chọn ca từ, tựa đề phải có chất thơ, tính tượng trưng. Họ xem đó là một nghệ thuật. Điều này cho thấy sự chỉn chu của nghệ sĩ với tác phẩm. Họ trân trọng bài hát của mình, và muốn khán giả nghe nhạc cũng có sự trân trọng, quý mến như vậy. Là người ở giai đoạn giao thời, ít nhiều tôi cũng hiểu được sự lựa chọn của các bạn trẻ. Gần đây, có nhiều bài hát tên gọi kỳ lạ, nhưng tôi vẫn thấy thú vị, vì nghệ thuật cần sự mới mẻ, hợp thời. Tôi chỉ không chấp nhận nếu tựa đề quá nhảm nhí, phản cảm, dung tục, mang ý nghĩa tiêu cực”. 

Tên ca khúc Vài câu nói có khiến người thay đổi của Grey D, Tlinh được viết là vaicaunoicokhienngoithaydoi trên một ứng dụng nghe nhạc
Tên ca khúc Vài câu nói có khiến người thay đổi của Grey D, Tlinh được viết là vaicaunoicokhienngoithaydoi trên một ứng dụng nghe nhạc

Nhạc sĩ Hoài Sa phân tích thêm, tên bài hát quá dài đôi khi gây khó khăn cho việc ghi nhớ, tìm kiếm của khán giả, khó thể hiện hết trên các nền tảng nghe nhạc, đồng thời dễ bị khán giả phản ứng. Theo anh, sản phẩm nghệ thuật là để phục vụ công chúng. Khi họ phản ứng, lên tiếng, thì người làm nghề cần nghiêm túc nhìn nhận, tiếp thu. Hơn hết, nghệ thuật cần hướng đến cái đẹp trọn vẹn, chỉn chu.

Nhạc sĩ Thế Hiển cho biết ông vẫn giữ thói quen đặt tựa đề bài hát từ ba đến bảy chữ, vì đây là khoảng khán giả dễ ghi nhớ nhất. Ông đồng ý mỗi thời tư duy mỗi khác, nhưng việc một số tác giả trẻ hơi thiếu yếu tố “mỹ học” trong việc đặt tên tác phẩm, là vấn đề cần được nghiêm túc thay đổi. 

“Tổng thể bài hát phải là cái đẹp. Chúng phải nâng tâm hồn người nghe, hướng họ đến cái đẹp. Một khi tác phẩm khiến công chúng lăn tăn về một điều gì đó chưa hay, chưa đẹp thì e rằng nhiệm vụ của chúng chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, việc đặt tên này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sáng tác, vốn từ, kiến thức và tầm nhìn lẫn trách nhiệm của tác giả, ca sĩ. Âm nhạc luôn phải qua một quá trình sàng lọc, cái gì hay, đẹp tất nhiên sẽ được giữ lại và tồn tại”, nhạc sĩ Thế Hiển nhận định. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI