Nhiều công trình tri ân mang dấu ấn phụ nữ

01/05/2025 - 06:45

PNO - Trong những ngày tháng Tư, hành trình tri ân không chỉ dừng lại ở các hoạt động chăm lo, tưởng nhớ, thăm hỏi, mà còn gắn với các công trình ý nghĩa, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của thế hệ hôm nay dành cho những người đi trước.

Lưu lại khoảnh khắc đẹp nhất cho các mẹ việt nam anh hùng

Mấy ngày qua, căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Phiền (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TPHCM) rộn ràng hơn. Chị Nguyễn Thị Thắm - con gái mẹ Phiền - mắt lấp lánh niềm hạnh phúc khi nhắc đến buổi chụp hình lưu niệm cho mẹ và cả gia đình được thực hiện bởi Hội LHPN TPHCM và các đơn vị phối hợp.

Chị cho biết: “Cứ có khách đến nhà là mẹ khỏe và tươi tỉnh hẳn lên. Thấy nhà đông vui, mẹ ngồi xe lăn ra sân gặp gỡ, nói chuyện với mọi người. Gặp ai, mẹ cũng níu tay, kêu mọi người ở lại chơi. Những lời thăm hỏi đã mang đến niềm vui cho mẹ”.

Các đoàn thể xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đến thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng
Các đoàn thể xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) đến thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng

Để lưu lại cho mẹ những khoảnh khắc đẹp, đội ngũ làm đẹp đã tỉ mỉ trang điểm, cẩn thận chải lại mái tóc và lựa cho mẹ bộ áo dài đẹp nhất… Chị Thắm tin, đây là những bức ảnh đẹp nhất của mẹ và gia đình. Đây là một món quà vô giá, kỷ niệm khó quên của cả gia đình.

Chị Thắm cho biết, những mất mát to lớn của gia đình xảy ra khi chị còn rất nhỏ. Chị chỉ biết, ba mình hy sinh năm 1968, anh trai hy sinh năm 1978 khi tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Ký ức về những năm tháng đau thương ấy dường như đã phai nhạt theo thời gian trong tâm trí của mẹ Phiền. Ở tuổi gần 90, mẹ sống bình dị bên các con.

Tương tự, tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ba (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) cũng vừa diễn ra buổi chụp hình. Anh Trần Văn Nhanh - con trai út của mẹ Ba - kể, để mẹ có những bức ảnh đẹp nhất, đoàn đã đến nhà chuẩn bị mọi thứ từ trang điểm, chọn trang phục, dựng phông nền... rồi mới chụp ảnh cho mẹ. Anh Nhanh nói: “Thật đáng quý khi các đơn vị đã đến nhà chụp ảnh cho mẹ, nhất là khi mẹ tuổi đã cao, sức đã yếu, đi lại khó khăn. Sự quan tâm giúp mẹ có thêm những ký ức đẹp trong những năm tháng tuổi già”.

Mẹ Nguyễn Thị Ba có chồng và con trai là liệt sĩ. Hiện mẹ sống hạnh phúc với các con, các cháu gần nhà.

Theo thông tin từ Hội LHPN TPHCM, để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, trong những ngày tháng Tư này, hội đã tổ chức chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất cho 37 Mẹ Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, hội cũng đến thăm hỏi, tri ân 57 mẹ.

Phục dựng di ảnh liệt sĩ

Thắp nén hương rồi nhìn ngắm di ảnh ba mình trên bàn thờ ấm cúng, bà Đoàn Thị Kim Cúc (phường 13, quận Phú Nhuận, TPHCM) xúc động: “Đây là bức ảnh thờ mới được các đoàn thể quận vừa phục dựng lại. Với tôi, đây là một gia tài vô giá”.

Ba của bà Cúc là liệt sĩ Đoàn Văn Ri, hy sinh năm 1950, trong một lần bị địch tập kích ở Bến Lức, Long An. Ngày ông hy sinh, bà Cúc còn trong bụng mẹ. Vậy nên, ký ức của bà về ba mình chỉ là những mảnh ghép qua lời kể của mẹ và các chú. Bà tự hào khi biết ba mình là một chiến sĩ cách mạng kiên cường trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Gia đình bà cũng là cơ sở vững chắc, từng nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng. Mẹ bà từng bị bắt khi tham gia các đợt biểu tình.

Tiếp nối truyền thống gia đình, từ khi 12-13 tuổi, bà Cúc tham gia các hoạt động ca hát, tải đạn. 16 tuổi, bà thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Trong cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân, bà được giao nhiệm vụ treo cờ, vận chuyển tài liệu, in ấn và phát truyền đơn.

Năm 1969, 19 tuổi, bà bị địch bắt. Trải qua 13 tháng tù đày, đòn roi, bà vẫn giữ vững khí tiết cho đến ngày được trả tự do. Đến năm 1975, bà được đưa về phân khu 1, hoạt động tại khu vực Bảy Hiền với nhiệm vụ dẫn đường và vận động quần chúng treo cờ, biểu ngữ.

Nói về tấm ảnh của ba mình, bà nói: “Với tôi, trong những năm tháng bom đạn khốc liệt, việc giữ được tấm ảnh nhỏ xíu của ba, dù có phai màu theo thời gian, là một tài sản vô giá. Và tấm ảnh thờ được họa lại từ bức ảnh cũ, có màu sắc tươi mới, được đặt trân trọng trong khung gỗ, vì thế, càng trở nên quý giá”.

Cùng với gia đình bà Cúc, gia đình bà Lê Minh Huệ (phường 11, quận Phú Nhuận) cũng được các đơn vị giúp phục dựng lại 3 tấm ảnh thờ của mẹ ruột và ba mẹ chồng - những người con ưu tú đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc.

Mất đi người thân là nỗi đau không thể phai mờ trong ký ức của bà Huệ. Mẹ bà tham gia du kích, hy sinh năm 1962, khi bà Huệ đã tập kết ra Bắc. Bà Huệ chia sẻ, ngày trước, bà cứ để tấm hình nhỏ xíu mà thờ vì không biết phải làm thế nào. Rồi bà chỉ cho chúng tôi xem những bức di ảnh mới trên bàn thờ và nói: “Các bạn ấy nhiệt tình lắm, đến tận nhà chụp lại ảnh và dùng các kỹ thuật mới để phục dựng lại ảnh rất đẹp”.

Bà Lê Thị Thanh Thảo - Phó chủ tịch Hội LHPN quận Phú Nhuận - cho biết: “Công trình phục dựng ảnh liệt sĩ được các đoàn thể phối hợp thực hiện từ đầu năm 2025, đến nay đã hoàn thành 13 ảnh thờ cho các gia đình liệt sĩ trên địa bàn quận. Sau khi phục dựng xong, chúng tôi tổ chức trao di ảnh cho các gia đình và chỉnh trang lại bàn thờ”.

Trang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI