Điểm tựa và niềm tin

17/08/2018 - 14:38

PNO - Có điểm chung nơi những “đứa con” của chương trình học bổng trong một, hai năm đầu khi chúng tôi đến thăm, là câu chuyện của nỗi buồn.

Trong danh sách nhận học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” của Báo Phụ Nữ TP.HCM năm nay, có rất nhiều gương mặt quen thuộc: em Lê Nguyễn Thái Uyên (Q.3) lần thứ 6 nhận học bổng; em Lai Trần Trúc Linh (Q.6) lần 7; em Trần Thị Phương Thùy (Q.7) lần 8; em Quan Bảo Vy (Q.11) lần 9…

Diem tua va niem tin
 

Học giỏi song cái nghèo khiến phải đối diện với nguy cơ nghỉ học, các em được báo chọn để trao học bổng. Nhưng có trở thành “đứa con” của chương trình hay không (ở sự liên tục, “thâm niên”) đồng nghĩa với việc các em phải nỗ lực hết mình.

1.

Có lần, tôi được chị đồng nghiệp kể rằng, trong cuộc tiếp xúc với Q. - một nữ sinh lần đầu nhận học bổng - chị chợt cảm thấy bất an khi nghe em quả quyết: “Con phải thành công để mẹ thấy bỏ rơi con là một sai lầm”. Mẹ bỏ theo người đàn ông giàu có khi Q. mới tròn hai tháng tuổi, bấy nhiêu năm qua em sống với cha trong nghèo túng bủa vây. Khát vọng học giỏi để thoát nghèo của Q. sẽ vô cùng chính đáng nếu khát vọng ấy không mang theo nỗi day dứt, hằn học về người đã sinh ra mình.

Đồng nghiệp tôi lo lắng, liệu rằng sự nặng lòng về hoàn cảnh chất chứa nơi Q. có dẫn đến những ứng xử và nhận thức không ổn về sau? Nỗi bất an khiến chị quyết tâm âm thầm đồng hành cùng cô bé. Chị thường xuyên đến thăm Q., động viên, trò chuyện, tìm cách giải tỏa những ẩn ức cho em. Năm nay, xem danh sách hàng trăm gương mặt nhận học bổng, chị vui mừng thấy có tên Q., lần thứ ba liên tiếp được báo chọn trao học bổng.

Chị rưng rưng, khoe rằng cô nữ sinh năm nào còn trách mẹ, nay… già dặn lắm. Q. tâm sự với chị: “Mẹ bỏ con có lẽ vì mẹ có những khổ tâm của mình, con không nghĩ xấu về mẹ nữa”. Cảnh ngộ là động lực để cố gắng, cảnh ngộ không phải và không nên là đối tượng để đổ lỗi, oán hờn. Chị nhìn thấy sự trưởng thành của Q. mà vui và hy vọng. Biết chấp nhận hoàn cảnh để mở lòng, cho yêu thương lên tiếng sẽ giúp Q. tìm lại được sự an nhiên trong đời. 

Diem tua va niem tin
 

2.

Có điểm chung nơi những “đứa con” của chương trình học bổng trong một, hai năm đầu khi chúng tôi đến thăm, là câu chuyện của nỗi buồn. Nỗi u uất cứ chấp chới, phảng phất từ ánh mắt, qua giọng nói đến dáng điệu của các em - thứ… “thần thái” khởi phát từ hoàn cảnh không may cùng lộ trình học vấn đầy nhọc nhằn, khúc khuỷu.

Thế rồi, câu chuyện phảng phất nỗi buồn dần tan đi theo “thâm niên” được báo trao học bổng. Niềm vui ấy, không phải câu chuyện của cảnh ngộ gia đình các em được cải thiện, cũng không hề đến từ sự hỗ trợ của báo nhờ thành tích học giỏi, tiếp tục nhận học bổng. Hơn thế, đó còn là câu chuyện của niềm tin và điểm tựa, mà các em đã tìm được qua chương trình theo thời gian. Tôi nhớ nụ cười trong veo của Thảo - cô học trò năm nay là năm thứ tư liên tiếp nhận được học bổng: “Mẹ cai nghiện không biết khi nào về, ba bỏ con, sống gần đó nhưng đến nay không nhìn. Con sống với ông bà ngoại già yếu nhưng không thấy mình bất hạnh, vì con có Báo Phụ Nữ TP.HCM làm chỗ dựa cho mình, là động lực để con cố gắng nhiều hơn…”.

***

Bởi thế, học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” không chỉ mang sứ mệnh chăm lo con đường học hành cho các em mà còn là cuộc đồng hành lặng lẽ: là sự lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nỗi lòng để kịp động viên, khích lệ. Và quả ngọt, do đó không dừng ở những bước chân được tiếp tục đến trường, mà còn ở sự trưởng thành của những gương mặt hoàn toàn xứng đáng. Sự trưởng thành ấy đi theo một vòng quay bất tận: tiếp nối, lan tỏa và truyền trao - bao “đứa con” lớn lên, thành công, để lại quay về trong vai người chị cả, hỗ trợ, thương yêu những gương mặt thành viên dưới mái nhà học bổng. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu