Hoa hồng không chỉ để tỏ tình

17/08/2019 - 17:00

PNO - Hoa hồng đỏ còn được gọi Mai khôi hoa, Mai quý hoa, tên khoa học là Flos Rosae Rugosae.

Dược liệu Mai khôi hoa là hoa hoặc nụ hoa được thu hái từ tháng 4 - 6, sau đó sao trước khi dùng hoặc khi hái hoa về, bỏ đài, cuống, phơi trong bóng râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.

Mai khôi hoa có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, quy kinh can, tỳ.

Theo y học cổ truyền, hoa hồng tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng màu đỏ giúp huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. 

Chữa lở miệng do nóng: ngâm bột hoa hồng đỏ 5g với 25ml rượu trắng trong 24 giờ. Đun nhỏ lửa cho rượu bay hơi, đến khi sền sệt thì cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều rồi để nguội. Dùng tăm bông sạch thấm thuốc bôi vào chỗ đau, ngày 2-4 lần. Dùng liền 5 ngày.

Hoa hong khong chi de to tinh

Làm đẹp da mặt: lấy 20g hoa hồng đỏ, rửa sạch cho vào chậu nước ấm để khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó rửa mặt mỗi ngày giúp làn da căng mịn, sạch bụi bẩn. 

Tăng cường sức khỏe: trong cánh hoa hồng có chứa rất nhiều các loại chất như vitamin C, carotene, các loại vitamin nhóm B, vitamin K, canxi, kali… Các chất này rất tốt cho các cơ quan trong cơ thể như tim, hệ tiêu hóa, miễn dịch…

Cánh hoa hồng có chứa canxi tác động đến quá trình trao đổi chất và tiêu hóa thức ăn. Tinh dầu hoa hồng rất tốt cho bộ máy tiêu hóa nhờ khả năng hàn gắn các lớp màng, khử khuẩn và bù đắp lượng men thiếu hụt trong dạ dày và ruột.

Kali thành phần vô cùng quan trọng đối với hoạt động của tim, cải thiện tình hình hoạt động của tuyến nội tiết. Tinh dầu hoa hồng làm dịu cơ tim, vì thế những người bị hẹp van tim thường được kê đơn xông bột hoa hồng. Trà cánh hoa hồng vừa là bài thuốc chữa cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi và các chứng loạn thần kinh chức năng, đồng thời cũng là một thứ đồ uống giàu vitamin.

Điều hòa kinh nguyệt: để khắc phục tình trạng kinh nguyệt không đều, bạn có thể dùng 5g hoa hồng cùng 3g hoa quế, 50ml rượu, chưng cách thủy hoặc hấp với cơm. Sau đó để nguội uống. 

Với chứng rong kinh, băng huyết có thể ngâm 20 cánh hoa hồng trong 1 lít nước khoảng 30 phút. Sau khi nước ngả màu đỏ thì thêm khoảng 50g đường. Mỗi lần uống 200ml.

Lưu ý: những người tỳ vị hư yếu hoặc có thai không được dùng. Cần chọn hoa hồng không có thuốc bảo vệ thực vật.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga

Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI