Hazel Mai: Lòng tốt của con người bừng sáng mọi nơi

05/02/2022 - 06:54

PNO - Tháng 4/2019, Hazel Mai bắt đầu hành trình vòng quanh châu Phi bằng hình thức hitchhiking (đi nhờ xe). Khi dịch bệnh bùng phát, cô về Việt Nam trên chuyến bay hồi hương. Một chuyến đi không tính trước điều gì ngoài niềm khao khát được khám phá thế giới, được hiểu lòng mình…

"Hạt bụi nhỏ bé" lăn cùng đất trời 

“Chạm tay” vào  Kim tự tháp Ai Cập
“Chạm tay” vào Kim tự tháp Ai Cập

Sân bay Cairo, Ai Cập... 

Cô gái nhỏ đặt chân đến thủ đô Ai Cập khi màn đêm đã buông xuống. Người bạn đón Mai về nhà, trên xe, anh liên tục giới thiệu cho cô gái đến từ Việt Nam về những ngôi nhà hai bên đường được xây cất bằng đất đá nguyên thủy, tuổi đời hàng trăm năm. 

“Một thành phố già cỗi và trầm mặc. Lần đầu nhìn ngắm Cairo, tôi cứ ngỡ vừa lạc bước đến thời cổ đại”, Hazel Mai nhớ lại. Đó cũng là đêm đầu của hành trình châu Phi kéo dài hơn một năm của Mai. Một chuyến đi mơ ước và phiêu lưu khi trong tay chỉ có 1.000 USD, đủ để mua vé máy bay và xin visa, còn nơi lưu trú sẽ là nhà các “host” (những người bạn trong cộng đồng CouchSurfing *), việc di chuyển là những chuyến xe đi nhờ. 

Vậy mà rồi những gì Mai đã làm được và trải qua khiến cộng đồng từ sửng sốt đến ngưỡng mộ, phục lăn sự can đảm và quyết tâm của cô gái 23 tuổi. Từ những ngõ nhỏ qua khu phố cổ Khan El Khalili (Ai Cập), bước chân khám phá của Mai đã đến với những hòn đảo trên biển Ấn Độ Dương, thăm di tích chợ buôn bán nô lệ, chiêm ngưỡng thác nước Victoria - kỳ quan thiên nhiên thế giới; trải qua những ngày nắng nóng đến 50 độ C trên sa mạc trắng, sống trong điều kiện thiếu thốn cả những nhu cầu cơ bản ở Sudan và thậm chí có mặt trong đoàn người biểu tình ở quốc gia này; lặn ngắm san hô ở biển Đỏ, cắm trại bên ngoài kim tự tháp, về với thiên nhiên hoang dã, nhìn thấy Lucy - bộ xương người cổ đại nhất thế giới ở Ethiopia, tình nguyện ở những mái ấm dành cho trẻ em nghèo…

Đi lặn ở biển Đỏ - Ai Cập
Đi lặn ở biển Đỏ - Ai Cập

Đi suốt bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, qua khắp các quốc gia châu Phi để được nhìn ngắm thiên nhiên, nhìn ngắm con người, ôm vào lòng mọi điều đẹp đẽ vĩ đại của thiên nhiên, vạn vật. “Trước chuyến đi, tôi là một cô gái kém tự tin, không biết mình thật sự muốn gì, có điều gì khác biệt và bản sắc của mình ở đâu. Nhưng trải qua những ngày rong ruổi, tôi mới thấy mình đã rộng lượng hơn với chính mình, với cuộc đời và cảm thấy bình yên hơn rất nhiều.

Khoảnh khắc một mình đối diện với những rạn san hô triệu năm tuổi ở biển Đỏ, tôi thấy mình nhỏ bé quá, như một hạt bụi trong vũ trụ này. Khi đứng trên đảo Changuu nhìn mặt nước xanh bao la của biển Ấn Độ Dương, tôi đã dang tay đón cả đất trời vào lòng. Những lúc ngồi trên xe tải đường dài, tôi thấy như mình đang tĩnh lặng với bầu trời, nhìn ngắm thiên nhiên kỳ vĩ trôi qua. Thế giới rộng lớn quá, sao lòng mình có thể chật hẹp” - Mai tâm tình. 

“Hạt bụi nhỏ bé” chọn về với thiên nhiên hoang dã, nhìn ngắm đất trời để được soi tỏ lòng mình. Giấc mộng trưởng thành được đổi bằng những bước chân đi. Mai nói, cô đi còn là để thấy rằng, chỉ cần bạn có khao khát và muốn làm, trong cuộc đời này không có gì là không thể. 

Chúng ta không cần nhiều tiền để hạnh phúc 

Thành phố biển Mombasa, bờ đông Kenya... 

Trong một căn hộ đầy đủ tiện nghi của một người bạn tốt bụng, Mai có hai tuần bị… trầm cảm. Cô nói, cảm giác của cô khi ấy như là đang ở đáy giếng, không tìm thấy lối thoát. Trong thời gian du lịch châu Phi, cô nhận công việc online, mỗi ngày làm một giờ đồng hồ với thu nhập 200 USD/tháng. Số tiền này đủ cho chi phí ăn uống, chi tiêu dè sẻn và quan trọng là “đủ sống để đi tiếp” như lời Mai nói. 

Nhưng làm được vài tháng, cô nghĩ vậy không ổn, cần duy trì nguồn tài chính cho những chuyến đi tiếp theo, xa hơn của mình. Cô nghỉ việc nhưng đồng thời bị stress, cảm thấy mất năng lượng, cũng không biết sẽ phải xoay xở như thế nào khi không còn nguồn thu nhập ổn định hằng tháng. Đó là một trong những thử thách Mai phải đối mặt và vượt qua. Suốt hai tuần, cô ở trong nhà nấu ăn, xem chương trình về động vật hoang dã và lại lao lên mạng tìm việc làm mới.

Cũng trong những ngày nghỉ ngơi ở Kenya, Mai dành nhiều thời gian hơn để viết về những trải nghiệm đã có trước đó trong hành trình đi nhờ tàu, phà, xe bus, xe tải, ô tô… dọc khắp Ai Cập, Sudan và Ethiopia. 

“Mỗi khi ngồi vào bàn viết, tôi cảm giác mình được sống sâu hơn với những nơi chốn đã qua, những điều đã cảm nhận”, Mai tâm sự. Cô viết để lại được một lần nữa đắm chìm trong những kỷ niệm của những miền đất. Ở Sudan, cô trải qua những ngày khó khăn không thể quên, nhưng đó cũng là khoảng thời gian thấm thía giá trị của lòng tốt, tình người. 

Sudan là quốc gia thuộc văn hóa sông Nile, một đất nước rất nghèo khó và bất ổn chính trị. “Nhập gia tùy tục”, Mai mặc áo choàng dài, uống nước sông Nile như người địa phương vì nguồn nước ngọt khan hiếm, thiếu cả những điều kiện sống cơ bản. 

Mai chia sẻ về đất nước mà cô từng có những ngày thiếu thốn nhưng ngọt ngào: “Người ta nói rằng, ở Sudan không có gì ngoài tình người. Tôi mãi nhớ người tài xế chở tôi đi qua sa mạc. Trên xe anh luôn có nước, bánh ngọt để dành tặng cho những đồng nghiệp đi ngược chiều. Họ có thể là những người không quen, nhưng vì trên sa mạc, các điểm dừng chân, đổ xăng cách rất xa nhau.

Lúc đó, tôi cảm giác như việc đối xử tốt với nhau không chỉ là bản tính, mỗi người còn coi đó là trách nhiệm của mình. Như là chuyện bạn phải dừng xe khi thấy một chiếc xe khác bị hư giữa đường. Không chỉ bạn, những người khác cũng sẽ dừng lại. Đối xử tốt với mọi người xung quanh - một trách nhiệm cao đẹp mà mỗi người ở đấy tự nguyện hoàn thành mỗi ngày. Cách người Sudan đối xử với nhau khiến tôi thấy ấm lòng”.  

Chính lòng tốt của con người ở khắp mọi cung đường Mai qua đã giúp cô hoàn thành giấc mơ của mình. Chỉ cần bước ra ngoài, sẽ thấy lòng tốt hiện diện khắp mọi nơi. Đó là điều mà cô nhận ra được sau những ngày “phiêu bạt”. 

Không phải Mai không gặp những người xấu hoặc người từ chối giúp đỡ mình. Nhưng Mai nói, trong thế giới muôn màu ấy, những gam màu sáng như lòng tốt của con người luôn bừng lên ở khắp nơi. 

Yêu bản thân, yêu cuộc sống, yêu con người 

Hazel Mai đã nghe rất nhiều những câu chuyện đời
Hazel Mai đã nghe rất nhiều những câu chuyện đời

Biên giới Tanzania - Mozambique...

Có cô gái Việt ôm ba lô ngồi chờ hàng giờ để khai báo y tế và qua cửa khẩu. Nhiều người nhìn thấy đã chỉ thẳng vào mặt nói “Corona vi-rút” vì tưởng cô đến từ Trung Quốc. Nếu như lúc trước, các ô tô du lịch sẵn sàng cho Mai đi nhờ thì từ khi Mozambique bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm COVID-19, ai nấy đều từ chối cô. Chờ đợi mãi Mai cũng nhờ được một tài xế xe tải tốt bụng cho quá giang về thủ đô Maputo - nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Cô đã ở nhờ trong nhà của người Việt, được cộng đồng người Việt cưu mang giúp đỡ, và được đón về trên chuyến bay hồi hương thấm đẫm tình người…

Những ngày ấy, ba mẹ ở nhà lo lắng bao nhiêu thì cô gái nhỏ nơi xứ người bình tĩnh bấy nhiêu. Mai nói, Mozambique là đất nước cuối cùng trong hành trình châu Phi, cũng vì đã trải qua biết bao chuyện trên đường, tự mình giải quyết mọi vấn đề ổn thỏa kể cả xoay trở tìm việc làm để có tài chính cho chuyến đi, thì việc phải tự lo liệu trong tình hình dịch bệnh cũng… chuyện nhỏ. 

Cô gái trẻ Hazel Mai giữa những người bản xứ
Cô gái trẻ Hazel Mai giữa những người bản xứ

Ở Mozambique, thay vì lo lắng cuống cuồng tìm những chuyến bay về nước, Mai bắt đầu làm quen với người Việt ở đây. Cô hòa nhập được với tất cả mọi người, cho dù họ làm công việc gì, ngành nghề nào. Vì vậy, cô nhanh chóng kết bạn với nhiều chị em, bạn gái. Lắng nghe những tâm tư trong cuộc mưu sinh xa xứ, Mai càng trân quý những lựa chọn của mỗi người. Dù lựa chọn như thế nào, cách mà chúng ta sống và đối đãi với nhau mới thật sự quý giá và làm nên phẩm cách con người. 

Mai thậm chí không buồn khi bị người bản địa gọi mình là “con da màu” hay “vi-rút”. Tự lúc nào, cô trở nên dễ chấp nhận mọi sự đến với mình. Yêu bản thân, yêu cuộc sống và yêu con người - tâm thế này, có lẽ phải khi bước qua tuổi 30, con người ta mới đủ chín chắn để nhận diện và thấm thía. Bây giờ, Mai đang ở tuổi 25 nhưng đã có những góc nhìn đa chiều, cảm nhận sâu sắc về mọi điều, biết chấp nhận và sẻ chia, thấu hiểu và bao dung.  

Ngày ra đi, hành lý Mai mang theo nặng trịch quần áo, vật dụng cá nhân. Ngày trở về ba lô đã vơi đi phân nửa vì Mai gửi tặng lại trên những cung đường, làm từ thiện, tặng lưu niệm cho bạn hữu. 

Kỷ vật cô mang về từ châu Phi cũng không phải là những món quà lưu niệm được bày bán ở các khu du lịch mà đều là những quà tặng của người dân và những em nhỏ bản xứ quý mến cô. Tấm vải dệt bằng loại lụa đặc biệt ở Sudan, chiếc nón của đạo Hồi, vòng tay, dây đeo, cả những vỏ ốc bọn trẻ con nhặt ngoài bãi sông… 

Càng đi, Hazel Mai càng nhận ra chúng ta không cần nhiều tiền để hạnh phúc
Càng đi, Hazel Mai càng nhận ra chúng ta không cần nhiều tiền để hạnh phúc

Ký ức trở về mãi mãi là hình ảnh của một châu Phi xanh biếc và yên bình - nơi con người và muôn loài sống chan hòa, tôn trọng nhau. Trong nỗi nhớ của Mai có cả hình ảnh của đàn voi hiền lành, những chú sư tử oai phong và cả những loài động vật hoang dã xuất hiện trong thành phố. Buổi dừng chân đón xe đi nhờ ở Dahab, cô còn nhìn thấy chú lừa thủng thẳng đi dạo và “ăn vặt” cỏ cây ven đường. Có quá nhiều điều đẹp đẽ và nhớ thương mà Mai nói, cô sẽ viết lại thành sách.

Suốt thời gian dịch bệnh, cô đã đặt cho mình “thử thách 30 ngày”, mỗi ngày đều viết một bài đăng tải trên blog cá nhân. Một nửa bản thảo tác phẩm Châu Phi qua những chuyến đi nhờ đã được hoàn thiện với các bài: Tản mạn ở Kenya, Chuyện Cairo - Khan El Khalili và những khu phố bị lãng quên, Ngắm san hô ở Lighthouse, Bản mantra giữa đại dương, Đi lặn ở biển Đỏ, Đi phà từ Ai Cập qua Sudan, Đón năm mới trên sa mạc…

Điều quan trọng nhất là, ở Kenya, Mai tìm được công việc mới phù hợp và gắn bó với cô cho đến giờ. Không chỉ vậy, công việc trực tuyến và làm xuyên quốc gia cho cô một ấp ủ lớn lao hơn: đưa dự án làm việc trực tuyến về phát triển tại Việt Nam.

Hiện tại, Mai là một Virtual Assistant (trợ lý online). Công việc bao gồm các mảng admin, social media, dịch vụ khách hàng… cho các “coach” ở nước ngoài, với mức lương khá lý tưởng. “Coach” là người làm nghề khai vấn - một hình thức tư vấn rất phổ biến ở các nước phương Tây và gần đây đang phát triển ở Việt Nam. 

Hazel Mai (Nguyễn Thị Thanh Mai, sinh năm 1996) tốt nghiệp Đại học Ngoại thương TPHCM vào đầu năm 2018. Ngay sau đó cô sang Nhật thực tập hai tháng, tiếp tục thực tập sáu tháng ở Ấn Độ và bắt đầu rong ruổi một mình khám phá châu Phi. 

… Gần ba năm Mai vắng nhà (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Cho đến ngày đón con gái về sau 14 ngày cách ly tại Hưng Yên, ba mẹ cô chỉ có thể vui mừng nói câu: “Ơn trời, cuối cùng nó cũng đã về nhà”. 

(*) Couchsurfing International Inc là mạng xã hội dành cho dân du lịch trải nghiệm thực tế bằng cách giao lưu với các thành viên đang sinh sống tại nơi mình đến. 

Bùi Tiểu Quyên

 Ảnh nhân vật cung cấp 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI