Hãy xem cách ly “cô Vy” là thực hiện 14 ngày công ích

25/03/2020 - 07:38

PNO - từ tâm lý so sánh cho đến các hành động thái quá liên quan đến việc cách ly trong đại dịch toàn cầu COVID-19 cần được thay đổi bằng nhận thức một cách trách nhiệm hơn.

Trước tiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, báo chí có hơi “quá tay” khi đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh “tô hồng” đời sống trong những khu cách ly vì dịch COVID-19. Bởi có một thực tế không thể phủ nhận, các khu tập trung người đi - về từ vùng dịch, người F1 (tiếp xúc gần với trường hợp dương tính)… khó mà đồng đều về các điều kiện ăn ở.

Không phải và không thể đâu đâu cũng có sẵn phòng ốc, cơm nước tiêu chuẩn 5 sao hay có hồ nước nên thơ để mà trong lúc chạy bộ, cô siêu mẫu “tức cảnh sinh tình” chụp ảnh tung lên báo để nói rằng “đi cách ly như đi nghỉ dưỡng”… Người dân, nhất là những người từ nước ngoài về, làm sao tránh khỏi “hụt hẫng” với kiểu truyền thông “phản tuyên truyền” này!

Chen nhau gửi hàng tiếp tế cho người thân trong các khu cách ly
Chen nhau gửi hàng tiếp tế cho người thân trong các khu cách ly

Trong lúc các điều kiện, xin nhấn mạnh là còn rất hạn hẹp của đất nước, việc được đưa đến địa điểm cách ly nào là do sự điều phối của cơ quan chức năng. Chúng ta hết sức cảm thông với sự lo lắng của những gia đình có người thân, con cái trong diện buộc phải tập trung cách ly, nhưng cũng phải tôn trọng sự điều phối này. Tuy nhiên, những đòi hỏi kiểu “gửi cả cái tủ lạnh vào cho người thân”, ùn ùn kéo nhau đi tiếp tế, trao quà trong những khu cách ly hay những khu vực tạm thời phong tỏa, thật sự chỉ gây xáo trộn, áp lực không cần thiết cho công tác tổ chức, hậu cần tại những nơi này. Thậm chí, một số hành vi tụ tập đông người xung quanh khu cách ly còn gây nguy hiểm trực tiếp đến mục tiêu phòng chống dịch là hạn chế tối đa ca mắc.

Từ thực tế trong những ngày qua, từ tâm lý so sánh cho đến các hành động thái quá liên quan đến việc cách ly trong đại dịch toàn cầu COVID-19 cần được thay đổi bằng nhận thức một cách trách nhiệm hơn. Chúng ta nên nhớ rằng, việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, trước tiên là trách nhiệm của bản thân mỗi người đối với sức khỏe và tính mạng của chính mình, gia đình và cộng đồng.

Cũng đừng quên, cách ly ở đây là cách ly y tế trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, nên yêu cầu tối thượng là theo dõi sát sao diễn tiến sức khỏe của người phải cách ly và ngăn chặn dịch bệnh lây lan chứ không phải là vấn đề chỗ ăn, chỗ ở phải bảo đảm tiện nghi, dinh dưỡng như trong khách sạn. Tại đây, họ được đo nhiệt độ ít nhất 2 lần/ngày. Ai có các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở… sẽ được kịp thời xử trí, thông báo cho ngành y tế. 

Trong tình hình hiện nay, để không bị COVID-19 “đánh bại” thì mọi người phải tôn trọng nguyên tắc công ích. Trong mọi hoàn cảnh, suy xét ở mọi khía cạnh đời sống xã hội, đều phải liên hệ đến nguyên tắc này. Ý thức tất cả vì lợi ích chung, thống nhất và bình đẳng đó sẽ giúp chúng ta hiểu rằng 14 ngày cách ly chính là mỗi cá nhân, mỗi gia đình đang thực hiện công ích cho đất nước. Hai tuần lễ đó, nếu thức ăn có quá khó nuốt thì ngày ba bữa, nhân lên cũng vỏn vẹn 42 bữa cơm, ngủ “lạ chỗ” 13-14 đêm và có khi đây là thời gian để trải nghiệm nhiều điều thú vị hoặc tập tành thói quen tốt không thức khuya, ăn uống đúng giờ, chăm sóc bản thân nhiều hơn hay vứt bỏ những thói quen xấu như hút thuốc, nhậu nhẹt…

Thực hiện “14 ngày công ích” không những giúp việc chống dịch đạt hiệu quả cao mà đó còn là cơ hội tốt để từ nay, chúng ta thực hành công ích một cách cụ thể. Đơn giản như việc giữ vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, chấp hành tốt các khuyến cáo y tế, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, chia sẻ những thông tin tích cực, phản biện văn minh… Khi Tổ quốc cần, không chỉ ngồi yên, mà cần tự giác hành động vì công ích. Ý nghĩa trọn vẹn nhất khi biết bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng không những giúp chúng ta thắng “ôn dịch” mà còn là những viên gạch để xây dựng ngôi nhà Việt Nam ngày càng vững chắc vào thời hậu COVID-19. 

Quốc Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI