Hãy cảm ơn khi học trò nêu ý kiến

16/11/2018 - 08:14

PNO - Thầy cô hãy tôn trọng và xem các em như những người bạn, biết ơn học trò ngay cả khi các em chê mình

Tại một trường THPT ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), trong giờ học tiếng Anh, một học sinh không chú ý nghe giảng nên đã bị thầy ném viên  phấn vào người. Nghĩ thầy không tôn trọng mình, học sinh đã tranh cãi quyết liệt với thầy. Nhiều học sinh của lớp đã ký kiến nghị đổi giáo viên. Mong muốn của các em “thành hiện thực” được một ngày thì thầy giáo cũ quay lại. Dù không phục nhưng học sinh cũng chẳng biết làm thế nào, ấm ức kéo dài. 

Rõ ràng, ý kiến của học sinh rất dễ bị lờ đi. Từ đó, học sinh đâm ra lười góp ý công khai mà tìm nơi để xả, như mạng xã hội chẳng hạn.

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, thừa nhận: giáo viên giữ tư thế “độc tôn” khi bước vào lớp, khi đối thoại với học trò. Thời đại công nghệ thông tin, không có chuyện gì giấu được. Nhưng nhiều giáo viên, ban giám hiệu vẫn không chủ động “mở cửa” tiếp thu ý kiến của học sinh, luôn luôn cho là mình đúng. Có nơi còn bao che những sai trái khiến bức xúc lên cao và bùng nổ.

Bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà, thường quán triệt giáo viên rằng: “Dạy giỏi chưa đủ mà khi giảng bài hay trò chuyện, giáo viên cần phải nắm bắt được học sinh có hiểu vấn đề hay không và đánh giá được thái độ, phản ứng của các em. Thầy cô hãy tôn trọng và xem các em như những người bạn, biết ơn học trò ngay cả khi các em chê mình”. Với quan điểm đó, lãnh đạo Trường THCS-THPT Hồng Hà đã công khai số điện thoại của các thành viên ban giám hiệu để tiếp nhận ý kiến phản ánh, góp ý từ học sinh, phụ huynh. 

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều thầy cô, các trường cũng nên có hộp thư để học sinh góp ý. Thỉnh thoảng, cần thực hiện những cuộc khảo sát để nắm bắt tâm tư của học sinh. Mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh thường không xảy ra bất chợt mà kéo dài và có những biểu hiện nhất định. Nếu ban giám hiệu đủ sâu sát vẫn có thể phát hiện kịp thời. Vấn đề là phải biết cách khéo léo để xoa dịu mâu thuẫn thầy - trò nếu có. 

Cách tốt nhất vẫn là mở lòng tiếp nhận và giải quyết những ý kiến của học sinh một cách chân thành, cầu thị, công khai. Được như thế thì khó có cớ để học sinh đi nói xấu, bôi nhọ; ngược lại học sinh sẽ tin tưởng, quý mến thầy cô và nhà trường. Khi đã có sự tin tưởng và quý mến, nếu có lỡ lời thì chuyện lớn cũng thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì. 

Thanh Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI