Hành trình hạnh phúc đầy yêu thương

02/11/2022 - 07:48

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến cả nước có hơn 4.400 trẻ mồ côi, hơn 600.000 hộ nghèo càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Chương trình truyền hình thực tế "Hành trình hạnh phúc" đã phác họa phần nào nỗi đau ấy và cùng đó là những tấm lòng vàng, khiến người xem tin hạnh phúc như chiếc boomerang - cho đi yêu thương sẽ nhận về thương yêu.

Lau nước mắt bằng tình thương 

Qua chín số phát sóng, tức nửa chặng đường của Hành trình hạnh phúc (9g30 thứ Bảy hằng tuần trên VTV3), người xem cảm nhận được dịch bệnh đã để lại dư chấn nặng nề cho nhiều gia đình ở TP.HCM như thế nào. Chuyến đi đầu tiên của chương trình đưa người xem đến một con hẻm dài chỉ 100m, nhưng có đến năm người lớn của năm hộ gia đình qua đời vì COVID-19, để lại sáu đứa trẻ mồ côi cha, mẹ.

Chị Lâm Quỳnh Hoa (giữa) trở thành điểm tựa tinh thần của sáu đứa trẻ hàng xóm mồ côi cha, mẹ vì COVID-19 ở P.14, Q.10, TP.HCM - ẢNH: H.N.
Chị Lâm Quỳnh Hoa (giữa) trở thành điểm tựa tinh thần của sáu đứa trẻ hàng xóm mồ côi cha, mẹ vì COVID-19 ở P.14, Q.10, TP.HCM 

Ở những chuyến đi khác, nhiều hoàn cảnh còn ngặt nghèo hơn. Một phụ nữ mắc bệnh ung thư phải quên đi bệnh tật, gồng gánh công việc nặng nhọc ở một cơ sở làm giấy để thay chồng nuôi ba đứa con nhỏ. Một người vợ, người mẹ với đồng lương may thuê không nuôi nổi hai con sau cái chết của chồng, phải đành lòng gửi đứa lớn đi học xa tận miền Trung để tiện chăm đứa nhỏ mắc bệnh thận đa nang bẩm sinh. Một thanh niên chạy xe thuê mới 21 tuổi mắc bệnh tim, xơ phổi, nhưng vẫn phải đảm nhận vai trò làm mẹ làm cha cho cô cháu gái mồ côi từ lúc mới đầy tháng. Những bệnh nhi ở Bệnh viện Ung Bướu càng gặp nhiều khó khăn hơn trong hành trình điều trị, vì kinh tế gia đình kiệt quệ sau đại dịch.

Không còn gia đình trọn vẹn, nhưng những tâm hồn trẻ thơ đang dần được chữa lành bằng tình yêu thương, ở chính nơi đại dịch đã cướp đi người thân của các em. Một phụ nữ sống trong con hẻm tang thương đã nhận đỡ đầu sáu đứa trẻ hàng xóm. Nhìn cảnh sáu em và người thân còn lại trong nhà mỗi cuối tuần tụ tập nấu ăn vui vẻ ở nhà người mẹ nuôi, mới cảm nhận được tình mẫu tử đâu chỉ dành cho những mối quan hệ máu mủ. Những đứa trẻ khác mất cha mà chương trình đề cập cũng được các tổ chức từ thiện dang tay giúp đỡ.

Ngoài những ân nhân mới xuất hiện sau đại dịch, chương trình cũng ghi dấu tình yêu thương của những người làm công tác thiện nguyện từ khi chưa có dịch bệnh quét qua. Bà Dương Thị Kim Dung 30 năm thay nghĩa vụ của người mẹ lẫn người thầy, cưu mang nhiều sinh viên nghèo hiếu học trong và ngoài nước; hướng dẫn viên du lịch 28 tuổi Huỳnh Quang Khải dành 15 năm dạy chữ kiêm lo chuyện ăn uống cho những trẻ em nghèo ở Q.12 nơi anh sống; thầy tu Minh Lâm 13 năm cưu mang hàng trăm trẻ mồ côi, tật nguyền… Họ đang góp phần tiếp thêm động lực sống, vươn lên và nỗ lực, để những người yếu thế hạnh phúc hơn. 

Trailer chương trình Hành trình hạnh phúc:

 

Hành trình hạnh phúc sẽ được mở rộng

Điểm khác biệt ở chương trình Hành trình hạnh phúc là không xoáy vào những nỗi đau đã qua, mà chỉ đề cập đến những khó khăn hiện tại của các trường hợp. Thế nhưng thỉnh thoảng vẫn không tránh được những khoảnh khắc xót xa. Đó là khi các em nhỏ được MC hỏi: “Mong muốn nhất của con hiện nay là gì?”, đã trả lời “Con muốn gặp được ba”.

Đối tượng của chương trình hầu hết là trẻ em nên Hành trình hạnh phúc cũng tinh tế đem đến cho các con niềm vui bằng những món quà ý nghĩa, thay vì chỉ đơn giản trao phần học bổng trị giá 35 triệu đồng. Đó có thể là một buổi đưa các em đi mua sắm dụng cụ học tập, một buổi tiệc Trung thu ấm áp, hoặc những món quà gấu bông, bộ đồ chơi lego...

Biên tập viên Mạnh Hùng - phụ trách sản xuất chương trình - cho biết: “Ê-kíp không muốn chú trọng khai thác sâu thông tin đời tư, nỗi đau của các em, mà chỉ muốn ghi nhận cuộc sống hiện tại và cảm xúc của trẻ khi đón nhận những tấm lòng đến với mình. Mỗi một hoàn cảnh trong chương trình đem đến cho chúng tôi một điểm chạm cảm xúc khác nhau”. 

Mong ước được gặp lại ba của ba chị em Yến Vân, Vân Yến, Vân Tuyết ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM khiến người xem nghẹn lòng - ẢNH: H.N.
Mong ước được gặp lại ba của ba chị em Yến Vân, Vân Yến, Vân Tuyết ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM khiến người xem nghẹn lòng 

Được biết Hành trình hạnh phúc sẽ không chỉ dừng lại ở 18 số, gói gọn những mảnh đời ở khu vực TP.HCM, mà sẽ còn mở rộng ra các tỉnh thành ở miền Trung, miền Bắc. Nói về những khó khăn của chương trình, Biên tập viên Hương Giang chia sẻ: “Để có 15 phút phát sóng mỗi tập, ê-kíp mất 10 ngày xác minh thông tin và hoàn tất thủ tục giấy tờ ghi hình, một ngày rưỡi theo chân các nhân vật ghi hình, và bốn đến năm ngày làm hậu kỳ. Có những trường hợp sắp đến ngày quay, nhân vật từ chối không chịu lên hình khiến ê-kíp phải tính ngay phương án thay thế để kịp tiến độ phát sóng”.

Xem chương trình, ngẫm nghĩ về hai chữ hạnh phúc, mới thấy đôi khi hạnh phúc không thể đo bằng vật chất đủ đầy, mà là những ngày mạnh khỏe, bình yên trong tình yêu của mẹ, cha. Mỗi số phát sóng của chương trình như một phác họa về sự đồng điệu của những tâm hồn bao dung, mang tới sự chở che cho những hạt mầm mong manh trước bão tố, để chúng vươn lên, chiến thắng số phận và có thể sống một cuộc đời hạnh phúc. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI