Hạnh phúc của mình & hạnh phúc cho người

24/06/2019 - 06:30

PNO - Từ trong nhà cho đến khi bước ra xã hội, các thành viên của những gia đình ba thế hệ ấy luôn hành động để vun vén hạnh phúc cho mình, cho người.

Lây tình yêu với bếp nhà của má

Sáng 22/6, trong bếp nhà mình, chị Vạn Ngọc Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.24, Q.Bình Thạnh - lúi húi nhào bột làm bánh mì nhân phô mai cho khách. Đang nằm võng, bà Trần Ngọc Yến, 82 tuổi, ngồi dậy, chống nạng bước đến phụ con. Bà quở, đợt này cao điểm cháu gái thi cử mà không chịu nghỉ ngơi cứ bày ra chi cho cực. Chị Thủy cười: “Càng làm con càng thấy vui và khỏe ra đó má”. 

Hanh phuc cua minh & hanh phuc cho nguoi
Chị Thủy và má ruột cùng làm bánh trong căn bếp nhỏ

Bà Yến bị thoái hóa hai khớp gối hơn 5 năm nay, đi lại rất khó khăn, nhưng vẫn luôn góp mặt trong căn bếp của gia đình với việc lặt rau, cắt củ quả, lau lá... Chị Thủy nói mình lây tình yêu với bếp nhà của má. Chị chăm bẵm những bữa cơm có các món canh chua, cá kho tộ, mắm chưng, tập tành học làm các món bánh ngọt mà cả nhà đều thích. Và, cũng ở đây, chị đang kiếm được tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, đồng thời trích một phần lợi nhuận tham gia hoạt động thiện nguyện. 

Anh Khưu Văn Lượng, chồng chị Thủy, lái xe. Trước đây, chị chỉ lo nội trợ, kinh tế dựa vào chồng nên khá chật vật. Trong các năm 2015 - 2016, chị bắt đầu học làm bánh, khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tổ chức, rồi sau đó học nâng cao. Đam mê cộng khéo tay, năm 2017 chị bước vào con đường kinh doanh với sản phẩm bánh cookie, bánh su kem, bánh dừa, bánh mì nướng bơ tỏi, xôi… 

Để hướng các con đến lối sống bảo vệ môi trường, chị luôn dùng túi giấy, lá chuối để gói sản phẩm; chỉ con cách phân loại rác, tận dụng rau, vỏ chuối, bã cà phê, xơ dừa làm phân bón cho vườn rau nhà mình. Người dân trong khu phố hay đùa gia đình chị “sống xanh điển hình”. 

Ngày 25/6 tới, con gái út của chị Thủy bước vào kỳ thi THPT quốc gia, trong khi con trai vừa tốt nghiệp đại học đã có việc làm. Không chỉ nỗ lực học tập, hai con chị còn đồng hành cùng ba má và các đoàn y, bác sĩ đi làm công tác thiện nguyện khắp các tỉnh Tây nguyên và miền Tây Nam bộ. 

Hỏi bí quyết vun vén hạnh phúc, chị Thủy tình thiệt: “Là một phụ nữ yêu chuyện bếp núc, nhưng tôi vẫn ý thức: khi mình làm ra tiền, dù nhiều hay ít, thì cũng góp phần làm nên hạnh phúc. Chính vì thế, tôi rất biết ơn Hội đã trao cơ hội học và làm nghề cho mình. Trong mỗi gia đình, không tránh khỏi những lúc hục hặc, mâu thuẫn. Để dung hòa, chúng tôi chọn sống đơn giản, rõ ràng, các thành viên bảo bọc nhau, cha mẹ nỗ lực chắp cánh ước mơ học hành của con và sẵn sàng cho đi những gì mình có”. 

Cả nhà rất hăng hái tham gia việc Hội

Ở khu phố 1, P.Cát Lái, Q.2, câu chuyện vượt khó, nuôi con ăn học thành tài của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và ông Nguyễn Văn Quang luôn được người dân nhắc đến như tấm gương về nỗ lực, trách nhiệm và nghĩa tình. Con trai lớn của ông bà - thiếu tá Nguyễn Chí Trực, 36 tuổi, hiện công tác tại Công an Q.2, con út Nguyễn Thị Thanh Thảo, 31 tuổi, làm việc trong khu công nghệ cao TP.HCM. Dâu, rể cũng đều là những người tử tế. Về gia đình mình, bà Lan xem như “những nhọc nhằn đã sinh trái ngọt, mình sống một cuộc đời không có gì phải nuối tiếc”. 

Hanh phuc cua minh & hanh phuc cho nguoi
Vợ chồng bà Lan và con, cháu

Ông Quang chồng bà lái xe đưa rước công nhân cho Công ty xi măng Hà Tiên 1 từ năm 1988. “Thời điểm đó, tôi nuôi mười mấy con heo, giá cả vô chừng, lời chẳng bao nhiêu nên tiền gạo, tiền mắm muối, tập sách, cho con học hành… trông hết vào đồng lương của ổng, nhiều khi vợ chồng cãi vã cũng vì túng thiếu” - bà Lan kể. 

Thế nhưng, bà lại rất thích hoạt động Hội, cứ rảnh ra là chạy đi dự các buổi sinh hoạt chia sẻ về làm ăn, nuôi dạy con. “Nhiều bữa mải theo chị em mà quên mất cơm nước, chồng cằn nhằn lo chuyện gì đâu” - bà nhớ lại. Về sau, nhờ nỗ lực và uy tín, bà được bầu làm phó rồi Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Ban thường vụ Hội LHPN P.Cát Lái. Bà Lan nói: “Có lẽ bởi mình cũng đi lên từ nghèo khó nên khi xuống cơ sở tiếp xúc chị em rất dễ nắm bắt, thấu hiểu, chia sẻ và có hướng hỗ trợ kịp thời”. 

Ngoài việc giới thiệu chị em nghèo tiếp cận các nguồn vốn của Hội, bà còn bỏ tiền túi cho chị em mượn đầu tư bán tạp hóa, quán ăn trong đợt cao điểm cận tết hằng năm. “Tết mà cụt vốn là tiếc lắm, tôi nói chị em cứ lấy về mua nhiều đồ bán, ra tết gửi lại, không tính lãi gì hết”, bà Lan chia sẻ.  

Từ chỗ hay càm ràm vợ lo chuyện bao đồng, giờ ông Quang như “cánh tay nối dài” của vợ trong công tác Hội. Ông phụ bà lo cơm nước, chăm cháu, thỉnh thoảng gặp các chị đến vay, trả tiền đều chuyện trò vui vẻ. 

Nhắc đến đại gia đình này, chị Nguyễn Thị Giao Chi - Chủ tịch Hội LHPN P.Cát Lái - cho biết: “Năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, bên cạnh đóng góp riêng, cô Lan còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ gần 30 triệu đồng cho các hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn. Vợ chồng cô hiện sống cùng vợ chồng con trai lớn và cháu nội ba tuổi. Cả nhà rất hăng hái tham gia các chương trình sinh hoạt, nấu ăn, cắm hoa và làm xanh sạch môi trường”. 

Tuổi già nhưng trái tim vẫn trẻ

Chiều muộn, bà Nguyễn Thị Đào cùng chồng là ông Lê Thanh Sơn dắt xe đạp ra đường Tam Đa, khu phố Tam Đa, P.Long Trường, Q.9 chạy một vòng, chuyện trò rôm rả.  

Hanh phuc cua minh & hanh phuc cho nguoi
Đạp xe là môn thể thao ưa thích của vợ chồng bà Đào

Ở tuổi U70, vợ chồng bà Đào vẫn rất khỏe,ưa thích các môn cầu lông, tập gym, đi xe đạp và… phượt.

100 gian bếp đỏ lửa tại ngày hội gia đình hạnh phúc 2019

Sáng hôm qua, Chủ nhật, 23/6, tại công viên 23/9, 200 gia đình tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM đã đến tham gia ngày hội Gia đình hạnh phúc năm 2019 do Hội LHPN, Hội Liên hiệp Thanh niên và Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức. Trong đó có 100 gia đình được tuyên dương “Gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu” là các gia đình trẻ, gia đình 3 - 4 thế hệ sống hòa thuận, nền nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới; thực hiện bình đẳng giới, chuyên cần lao động, đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 

Với thông điệp “Thắp lửa cho gian bếp chính là sưởi ấm hạnh phúc gia đình”, 100 gia đình, mỗi gia đình có từ 2 - 3 thành viên bao gồn ba thế hệ ông bà - cha mẹ - con cháu, đã dự thi nấu bữa cơm gia đình cho bốn người trong 75 phút. 

Ngày hội đã tạo ra sân chơi giúp các gia đình giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nuôi dạy con tốt, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. 

THIÊN ÂN

Ông bà đã cùng leo lên - xuống 1.678 bậc đá cột cờ Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nóc nhà Đông Dương Fansipan, ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), về mũi Cà Mau, biên giới Tịnh Biên (An Giang)… “Tôi chở bả bằng xe máy qua các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, xuống miền Tây hoài chớ gì. Mỗi năm, tôi đi 10 bận thì bả “tháp tùng” hết bảy, những bận kia tôi thỏa sức lang thang chụp ảnh chơi”, ông Sơn hào hứng. 

Trải qua nhiều cơ cực, hết trồng lúa đến nuôi heo, bán hàng bách hóa, rồi công tác tại địa phương trong lĩnh vực quản lý đô thị, xóa đói giảm nghèo, đến năm 2011 khi đã về hưu, vợ chồng bà Đào tham gia Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Họ đi không biết mệt với tâm nguyện chiêm ngưỡng, khám phá và ghi lại bằng hình ảnh những nét đẹp quê hương. Trên hành trình đó, ông bà còn ghé thăm các mái ấm, nhà mở, thôn bản xa xôi để tặng khăn, mền, tiền, xây hai căn nhà tình thương ở Bình Phước và Trà Vinh cho phụ nữ, trẻ em nghèo. 

Tại địa phương, hễ Hội Phụ nữ tổ chức nấu cơm cho người già, tặng học bổng - tập sách khích lệ học trò là bà Đào luôn vui vẻ hỗ trợ, mỗi đợt 2 - 3 triệu đồng. Bà thổ lộ: “Hai con gái lập gia đình ra riêng, còn vợ chồng con trai kề cận chúng tôi. Các cháu nội đều ngoan. Sau những chuyến đi, tôi lại về giữ cháu và tham gia các hội thao, văn nghệ ở phường. Mình già tuổi tác thôi chớ trái tim thì vẫn trẻ”. 

Cả ba gia đình chị Thủy, bà Lan, bà Đào là ba trong số 100 gia đình được biểu dương tại ngày hội Gia đình hạnh phúc năm nay. 

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI