Giúp chị em thoát khỏi vòng xoáy “tín dụng đen”

28/10/2020 - 06:46

PNO - Không dùng vũ lực nhưng một khi các chị em cán bộ, hội viên phụ nữ ra tay thì tín dụng đen khó mà tồn tại.

Hội giúp chị em thoát khỏi vòng xoáy “tín dụng đen”, chị em quay lại làm tai mắt cho Hội để giúp nhiều gia đình không bị nuốt chửng. 

Người quen đưa mình vào “bẫy” 

Chị N., 56 tuổi, sống tại một chung cư thuộc P.3, Q.4, kể: năm 2018, chồng chị bị xuất huyết não. Trong lúc ngặt nghèo, chị được người quen giới thiệu vay 5 triệu đồng để lo chữa bệnh cho chồng. 

Sau một tuần điều trị, chồng chị được cho về, nên chị quay lại bán vé số để mỗi ngày có 50.000 đồng trả lãi vay. Sau gần một năm, 5 triệu đồng tiền gốc vẫn còn nguyên thì gia đình chị bị một nhóm người lạ mặt đến gây áp lực để đòi nợ. Nguyên do: vợ chồng người em trai sống cùng cũng rơi vào bẫy “tín dụng đen”.

Sự việc được trình báo lên công an phường. Chi hội Phụ nữ chung cư và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường đã đến nắm bắt sự việc tìm cách giúp đỡ. Ngoài việc cho chị vay tiền trả nợ, Hội còn giới thiệu chị vay thêm vốn mua tủ kính, lấy thêm vé số và hỗ trợ địa điểm bán. Ngoài ra, chồng chị còn được tặng xe lăn. Đến nay, gia đình chị N. đã có cuộc sống tạm ổn định.

Ra mắt mô hình “Chi hội không có tín dụng đen” tại P.3, Q.4 và tổ chức tuyên truyền cảnh giác với tín dụng đen
Ra mắt mô hình “Chi hội không có tín dụng đen” tại P.3, Q.4 và tổ chức tuyên truyền cảnh giác với tín dụng đen

Từng luẩn quẩn trong vòng xoáy tín dụng đen, chị V., ở P.6, Q.4, nói: “Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy lạnh người. Chỉ có ai đã từng vay nóng mới hiểu, ngày nào cũng lo chạy để có đủ tiền góp”.

Chị V. là giáo viên mầm non về hưu, sống cùng người chị gái lớn tuổi, thường xuyên đau bệnh. Để có thêm thu nhập, chị nhận giữ trẻ tại nhà. Giữ được vài hôm thì mẹ đứa bé không đến đón nữa. Chị nuôi đứa trẻ đến nay đã học lớp Năm. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ biết gói ghém nên gia đình họ vẫn tạm ổn. 

Rồi một cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến, chị V. bị bệnh ung thư, của cải trong nhà phải bán dần để chữa bệnh. Sức khỏe của chị dần hồi phục, chị thuê lại điểm giữ xe chung cư và bán thêm nước giải khát, nhưng cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Nghe người quen giới thiệu, chị vay tạm một triệu đồng để xoay xở. Theo quy định của chủ nợ, mượn một triệu thì chỉ được nhận 800.000 đồng và năm ngày sau bắt đầu trả góp 40.000 đồng/ngày. Nếu góp đều đặn thì một tháng sẽ trả hết cả gốc và lãi.

Trả xong một triệu, chị V. tiếp tục vay thêm 3 triệu đồng nữa và mỗi ngày góp 120.000 đồng. Số tiền phải góp quá nhiều khiến chị không kham nổi, trong khi chủ nợ thúc ép. Chị như muốn ngã quỵ. Đúng lúc này, chị được mời tham dự buổi tuyên truyền “Nói không với tín dụng đen” và giới thiệu các nguồn vốn vay của Hội LHPN. Nhờ đó, chị trả dứt được số tiền vay nóng với lãi suất 20% rồi được Hội giới thiệu vay thêm 30 triệu đồng để sửa sang lại khu vực giữ xe…

Chị V. bây giờ là tai mắt cho Hội. Thấy có người lạ mặt lân la hoặc có người đến thu tiền góp, chị để ý và báo ngay với Hội. 

Hội ra tay

Chị Lê Thị Diễm Huỳnh - Chủ tịch Hội LHPN Q.4 - cho biết từ năm 2018, khi nghe dư luận hội viên và các chi tổ Hội nói về tín dụng đen khiến nhiều gia đình lao đao, Hội LHPN quận đã triển khai mô hình “Chi hội không có tín dụng đen”. Đến nay đã có 100% chi hội ở Q.4 thực hiện mô hình này. Tại P.6, Hội tổ chức các buổi tuyên truyền, mời báo cáo viên về nói chuyện giúp dân cảnh giác với các hình thức, thủ đoạn tinh vi của tín dụng đen trong các cụm dân cư và giới thiệu các nguồn vốn vay lãi suất thấp, cách tiếp cận. 

Cô Võ Thị Cẩm Vân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, P.6, Q.4 - nói: “Chị em vay tiền nóng, vay lãi suất cao bên ngoài thường ngại chia sẻ với mình. Để tiếp cận, mình phải tỉ tê, lâu ngày chị em mới tin tưởng. Khi tin họ mới tìm đến Hội”. 

Cô Cẩm Vân cho biết thêm về thực trạng tín dụng đen trên địa bàn: “Trước đây, các nhóm cho vay thường tiếp cận, tìm kiếm “con mồi” từ các quán nước, dán tờ rơi, phát quảng cáo giới thiệu vay tiền nhanh không cần thế chấp. Nhưng hai năm trở lại đây, nhờ chị em làm tai mắt, các nhóm này không còn xuất hiện. Tuy nhiên, tín dụng đen biến tướng sang cho vay qua app điện thoại, vay qua Zalo… nên chúng tôi vẫn tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác”. 

Chi hội đến tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ thoát khỏi vòng xoáy tín dụng đen
Chi hội đến tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ thoát khỏi vòng xoáy tín dụng đen

Tại P.3, Q.4, Hội Phụ nữ cũng tổ chức các buổi tuyên truyền “Nói không với tín dụng đen”. Biết gia đình hội viên nào khó khăn, Hội LHPN sẽ tìm cách hỗ trợ vốn vay, phương tiện làm ăn, giới thiệu việc làm… giúp chị em và gia đình ổn định cuộc sống. Cô Trần Thị Đông - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3 - cho biết từ năm 2018, ngay khi có mô mình “Chi hội không có tín dụng đen”, các cô đã kết hợp tuyên truyền miệng, dán thông tin cảnh giác với tín dụng đen tại các khu dân cư, chung cư. Chị em nào lỡ vay lãi suất cao thì Hội tìm cách giúp thoát ra. Tại chi hội, cô Đông thành lập nguồn vốn tiết kiệm ngay trong chi hội. Tùy điều kiện, mỗi chị em đóng góp vào quỹ vài trăm ngàn đồng. Chị em khó khăn, cần tiền chữa bệnh, đóng tiền học cho con hay làm vốn buôn bán nhỏ… thì chi hội cho mượn không tính lãi. Mức hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng, góp mỗi tuần 50.000 đồng cho đến khi trả hết. Những chị em quá khó khăn thì chi hội tặng luôn số vốn vay ban đầu. 

Với sự gần gũi, gắn bó, Hội được chị em tin tưởng, mạnh dạn tìm đến khi gặp khó, rồi trở thành tai mắt giúp Hội kịp thời nắm bắt tình hình để đưa ra các biện pháp hỗ trợ, nhất là giúp chị em cảnh giác và thoát khỏi vòng xoáy tín dụng đen, hạn chế chuyện vay nóng dẫn đến tan cửa nát nhà. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI