Từ hôm nay (4/5), giá điện tăng thêm gần 60 đồng/kWh

04/05/2023 - 11:42

PNO - Giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng từ mức khoảng 1.864 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên mức khoảng 1.920 đồng/kWh kể từ ngày 4/5/2023.

Quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký ban hành vào ngày 27/4/2023 và áp dụng điều chỉnh giá từ ngày 4/5/2023.

Giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5 - Ảnh: Đình Tùng
Giá bán lẻ điện bình quân chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5 - Ảnh: Đình Tùng

Với mức giá bán lẻ điện bình quân trước đây là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT), giá điện mới đã tăng lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%), sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất là hồi tháng 3/2019.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện trên cơ sở Bộ Công thương họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.

Cụ thể, năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là 412.243,53 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh.

So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855 tỉ đồng.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 62.543 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.623,41 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đồng/kWh.

Tính chung các chi phí, giá thành sản xuất điện năm 2022 là 2.032,26 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 167,82 đồng (giá điện hiện nay là 1.864,44 đồng), tăng 9,27% so với năm 2021 (năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020).

Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỉ đồng.

Nhờ đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện giảm lỗ còn 26.235,78 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Việc lỗ nặng là nguyên nhân chính EVN đề xuất tăng giá điện.

Đáng chú ý, EVN vẫn còn tới hơn 14.700 tỉ đồng khoản tiền chênh lệch tỉ giá hiện vẫn chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. 

Việc chưa hạch toán khoản lỗ này, theo EVN, là để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không làm cho giá biến động quá lớn.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI