Giá điện sinh hoạt tăng cao: Do nắng nóng

29/06/2020 - 07:00

PNO - Người dân nhiều tỉnh phản ánh giá điện tăng đột biến trong tháng Năm nhưng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hóa đơn tiền điện còn tăng cao hơn trong tháng Sáu.

Trong thông báo mới nhất lý giải nguyên nhân tiền điện tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến hóa đơn tiền điện đồng loạt tăng mạnh. Theo EVN, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện của tháng Năm cao hơn 30% so với tháng 4/2020. Trong số này, có tới gần một triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng Tư. 

Theo bảng tính giá điện theo bậc của EVN, số kWh có thể tăng gấp đôi nhưng giá điện có thể tăng gần gấp ba
Theo bảng tính giá điện theo bậc của EVN, số kWh có thể tăng gấp đôi nhưng giá điện có thể tăng gần gấp ba

EVN dự đoán, hóa đơn điện tháng 6/2020 sẽ còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng Năm. Theo dữ liệu đến ngày 20/6, các chỉ số đều tăng vọt. Cụ thể, hơn 7,22 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% (tăng gấp 2,33 lần) so với tháng 5/2020. Hơn hơn 4,4 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50%, đồng thời có hơn 326.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng Năm.

Tương tự ở TPHCM, hóa đơn tiền điện ở TP. Hà Nội gần đây cũng tăng vọt. EVN tiếp tục viện lý do nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện lạnh tăng, nhất là máy điều hòa nhiệt độ. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình cho rằng, mức tiêu thụ điện so với cùng kỳ các năm trước không tăng nhiều nhưng tiền điện lại tăng gần gấp đôi. 

Anh Phạm Tuấn Thuận (Q.Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) cho biết, anh ở trọ trong căn phòng chưa đầy 20m2, phòng cũng chỉ có các thiết bị như máy điều hòa nhiệt độ, quạt, tủ lạnh, nồi cơm điện. Những tháng trước, mức tiêu thụ điện bình quân chỉ 150-200kWh, nhưng tháng Năm vừa qua, chỉ số công tơ điện lên đến gần 700kWh. Nhìn hóa đơn tiền điện hơn 1,7 triệu đồng, anh không tin nổi. “Ban ngày, tôi vẫn đi làm, tối về mới sử dụng các thiết bị điện, thời gian sử dụng máy điều hòa có nhiều hơn nhưng không thể nhiều đến mức tăng gấp ba lần” - anh Thuận bức xúc.

EVN cho rằng, thời tiết nắng nóng khiến tiêu thụ điện tăng
EVN cho rằng, thời tiết nắng nóng khiến tiêu thụ điện tăng

EVN bác bỏ nghi vấn công tơ đo lường lượng điện năng (điện kế) không chính xác và khẳng định, các công tơ  đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn. Đơn vị này viện dẫn lý giải của các chuyên gia kỹ thuật cho rằng, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C, lượng điện tiêu thụ của máy điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50C, lượng điện tiêu thụ của máy điều hòa tăng thêm 10%.

Do đó, mặc dù thời gian sử dụng máy điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt, làm lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%. Đối với với các hộ có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, việc sử dụng điện tăng lên đột biến dẫn đến chi phí sử dụng điện tăng theo.

Đối với nghi vấn gian lận trong cách ghi chỉ số giá điện như phản ánh của một số khách hàng tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh, EVN cho rằng, những sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện là sai sót cá nhân; hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người. Hiện việc thu thập chỉ số tiêu thụ điện được thực hiện hoàn toàn tự động và từ xa đối với các công tơ điện tử. Việc ghi chỉ số trên công tơ cơ bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số kiểm tra, đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Tuy nhiên, giống như ý kiến của nhiều hộ dùng điện tại TPHCM trước đây, nhiều hộ dân tại miền Bắc, miền Trung khi được hỏi đều cho rằng, cách tính bậc giá điện hiện nay quá bất công cho người dùng, đặc biệt là với những hộ có nhu cầu sử dụng trên 500kWh/tháng. 

Trong một lần trao đổi với chúng tôi gần đây, phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, việc phân giá điện thành sáu bậc như hiện nay đã đẩy thiệt hại về phía người tiêu dùng, vì cách tính lũy tiến các bậc còn quá cao. Chẳng hạn, khoảng cách giá điện từ bậc I và II chênh lệch khoảng 56 đồng/kWh, nhưng bậc II và bậc III chênh lệch 280 đồng/kWh, còn bậc III và IV chênh lệch 522 đồng/kWh. Chỉ cần chỉ số điện bước qua con số 101 kWh (bậc III) hay 201 kWh (bậc IV), giá đã bị tính khác với sự chênh lệch cao. Trong khi đó, bậc III và IV là mức điện được người dân sử dụng phổ biến nhất. 

Hoàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI