Ghê sợ với những ông bố, bà mẹ “độc hại” trên phim

22/03/2024 - 14:17

PNO - Nhiều bộ phim truyền hình gần đây đang tô đậm sự xấu tính của các nhân vật là cha, mẹ. Không chỉ cha, mẹ chồng mà cả cha, mẹ ruột cũng đối xử nghiệt ngã với con một cách khó tin.

Những “ác ma”trên màn ảnh

Cùng thời điểm, 3 bộ phim truyền hình đang thu hút người xem là Mình yêu nhau, bình yên thôi; Trạm cứu hộ trái timƯớc mình cùng bay đều xây dựng những chân dung ông bố, bà mẹ là tâm điểm hứng “gạch đá” người xem. Phim Mình yêu nhau, bình yên thôi được ví như phiên bản mới của phim Sống chung với mẹ chồng. Bà Giang là mẫu mẹ chồng tinh quái không khác gì bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng.

Đức Anh - chồng của Hân - vốn là con trai một nên bà Giang soi mói, xét nét con dâu từng chút. Mỗi lần con trai lười ăn, bà liền quở trách con dâu không biết chăm chồng. Lúc ở chung, bà tự tiện vào phòng vợ chồng con không gõ cửa. Khi cả 2 ra riêng, bà thường xuyên “tập kích” bất ngờ, đòi cung cấp mật khẩu cửa nhà để lui tới.

Trong phim Trạm cứu hộ trái tim, Ngân Hà (Hồng Diễm đóng, trái) luôn chịu sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của mẹ - bà Hạ Lan (Nghệ sĩ nhân dân Thu Hà đóng, phải)
Trong phim Trạm cứu hộ trái tim, Ngân Hà (Hồng Diễm đóng, trái) luôn chịu sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của mẹ - bà Hạ Lan (Nghệ sĩ nhân dân Thu Hà đóng, phải)

Trước đó, phim Dưới bóng cây hạnh phúc có nhân vật cha chồng tai quái không kém. Ông Công - ba chồng của Son - là mẫu đàn ông gia trưởng, cổ hủ xưa cũ. Ông đối xử bao dung với các con trai, nhưng với con dâu lại thường xuyên trách móc, chì chiết nặng lời, thậm chí xúc phạm ba mẹ Son không biết dạy con, đòi gọi thông gia đem con gái về dạy lại. Thấy Son giấu bệnh tình, khiến mọi người hiểu lầm rằng cô bị ung thư, ông Công không bênh vực, nói đỡ cho con dâu mà còn đổ thêm dầu vào lửa, mắng Son bằng những từ ngữ cay nghiệt: “Chị khéo bôi tro trát trấu vào mặt chồng chị thế. Nhục ơi là nhục. Dối trá, lừa đảo, bây giờ tôi biết ăn nói với người ta thế nào đây”.

Việc xây dựng hình ảnh mẹ chồng, cha chồng khắt khe với con dâu cũng không khó hiểu bằng việc các biên kịch để cho những ông bố, bà mẹ ruột đối xử cay nghiệt với con như trong Trạm cứu hộ trái tim, Ước mình cùng bay. Bà Hạ Lan - mẹ của nữ chính Ngân Hà - trong Trạm cứu hộ trái tim ghét bỏ Ngân Hà từ nhỏ cho đến khi cô trưởng thành, lấy chồng chỉ vì lúc nhỏ Ngân Hà ngăn cản mẹ đuổi đánh ba và người tình, vô tình làm bà ngã gãy chân.

Suốt mấy tập phim vừa lên sóng, mỗi khi gặp con gái, bà Hạ Lan đều nhìn con bằng ánh mắt hằn học, buông lời cay đắng, cư xử lạnh nhạt. Bất kể Ngân Hà làm gì bà cũng nổi điên thái quá. Lúc nằm viện, bà không cho con lại gần. Khi con tần gà đem biếu, bà vứt luôn xuống đất.

Ông ba tên Hợp trong phim Ước mình cùng bay là nỗi khiếp đảm của vợ con vì sự gia trưởng, vũ phu. Nhà có 2 cô con gái và 1 cậu con trai, ông chỉ dành tình thương cho con gái lớn vì cô xinh đẹp, giúp ông “bán” được cho Đài Loan kiếm tiền ăn nhậu. 2 đứa con còn lại thường xuyên bị ông đối xử nghiệt ngã, không vừa lòng là nhốt con vào chuồng vịt, bỏ đói, đánh đòn, mắng nhiếc không thương tiếc.

Trailer phim Trạm cứu hộ trái tim:

Quá đà đến mức vô lý

Nhiều phim trước đây cũng từng có những bà mẹ ruột quái đản như bà Hoài (phim Hãy nói lời yêu), bà Sa (Hương vị tình thân), bà Ích (Cây táo nở hoa), bà Hiền (phim Thương ngày nắng về). Trong phim Người một nhà sắp lên sóng cũng có một nhân vật bà mẹ đẻ (bà Thư) được dự báo sẽ thành tâm điểm hứng “gạch đá” vì sự đối xử độc dị với 2 đứa con sinh đôi bà dứt ruột sinh ra.

Phim ảnh lấy chất liệu từ đời thực. Ngoài đời, không thiếu những ông bố, bà mẹ đối xử thiên vị, chưa tốt với con cái. Một bộ phim cần những tuyến vai mang mảng màu sáng, tối khác nhau. Việc khai thác những nhân vật chưa hoàn hảo cũng là cách để nhà làm phim cảnh tỉnh cho người xem, nhất là những bậc phụ huynh. Nhưng khi đưa lên phim, cần cân nhắc, chọn lọc để khắc họa chứ không thể tô đậm quá đà, nhiều lúc đến mức vô lý.

Phim Mình yêu nhau bình yên thôi có bà mẹ chồng tai quái là bà Giang (diễn viên Tú Oanh đóng, trái)
Phim Mình yêu nhau bình yên thôi có bà mẹ chồng tai quái là bà Giang (diễn viên Tú Oanh đóng, trái)

Những trường hợp cha mẹ yêu thương con sai cách hay do hoàn cảnh sống như trường hợp nhân vật bà Giang, bà Hoài, ông Hợp có thể chấp nhận được; nhưng phần lớn là những bà mẹ “ác ma” một cách khó hiểu như bà Hạ Lan, bà Sa, bà Ích rất khó khiến người xem cảm thông. Việc cùng lúc có nhiều phim lên sóng khắc họa chân dung những người cha, người mẹ “độc hại” như vậy càng khiến khán giả ngộp thở, ghê sợ, mệt mỏi khi xem.

Nhìn lại, vẫn có những bộ phim ăn khách mà ở đó xây dựng hình tượng các nhân vật người cha, người mẹ đẻ/chồng “quốc dân”, được nhiều người mơ ước như ông Toại và bà Cúc trong phim Gia đình mình vui bất thình lình, ông Lâm (phim Lối về miền hoa), ông Trọng (phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do).

Hiện đang có 2 bà mẹ chồng thương con dâu hết mực trong 2 phim đang phát là bà Xinh (phim Trạm cứu hộ trái tim) và bà Quý (phim Gặp em ngày nắng). Những bộ phim có dạng nhân vật đáng yêu như vậy không chỉ khiến khán giả thấy thư giãn mỗi khi xem mà còn gieo thêm niềm tin vào con người, vào cuộc sống, bớt đi những cái nhìn u ám. Đặt hình ảnh những người cha, người mẹ tốt đẹp làm trung tâm cũng giúp phim trao truyền nhiều cảm xúc tích cực, nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm, giá trị của gia đình.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI