Đúng là rẻ thật!

06/05/2016 - 18:14

PNO - Festival Huế 2016 khép lại với một hạt sạn không đáng có, liên quan đến bản quyền tác giả.

Tấm ảnh cầu Trường Tiền trong sương của Lê Huy Hoàng Hải đã được dùng để chiếu trên màn hình nền chương trình lễ hội áo dài Nơi huyền thoại bắt đầu mà không xin phép tác giả (ảnh).

Dung la re that!

Theo tường thuật của anh Hoàng Hải, Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Trẻ cố đô Huế - người tham gia chụp ảnh trong dịp festival này, khi nhìn thấy hình ảnh chiếu trên màn hình LED “quen quen”, anh đã chụp một loạt ảnh để đối chiếu và ngã ngửa khi biết đó chính là ảnh của mình, từng được gửi đăng báo, đăng trên facebook cá nhân và BTC lễ hội áo dài đã tự ý sử dụng mà không hề được anh đồng ý.

Trả lời truyền thông, đạo diễn Đinh Anh Dũng - người chịu trách nhiệm phần video trong chương trình - xác nhận đây là lỗi của nhân viên của ông và ông đã xin lỗi tác giả Hoàng Hải nhưng không được Hải chấp nhận. Theo ông Dũng, “một cái hình thì đáng mấy” mà Hoàng Hải làm lớn chuyện, đòi phải xin lỗi công khai, bồi thường bằng tiền và tuyên bố nếu Hoàng Hải kiện ông sẽ đi hầu.

Phát ngôn của ông Dũng lập tức bị dư luận phản ứng, nhất là dân nhiếp ảnh và giới nhạc sĩ, bởi đây không phải lần đầu quyền tác giả bị xâm phạm công khai và cũng không phải lần đầu người vi phạm thách thức nạn nhân đi kiện. Cái lập luận rằng nhiếp ảnh gia Hoàng Hải lẽ ra phải cảm ơn mình (vì đã dùng hình ảnh cầu Trường Tiền để làm đẹp cho Huế - quê hương của Hải) của ông Dũng cũng tương tự nhiều đơn vị khác từng bị tố vi phạm bản quyền - cho rằng mình có công quảng bá tác phẩm giùm tác giả, tác giả nên cảm thấy mừng và biết ơn thay vì chỉ trích họ.

Mới đây, trong vụ VTV bị tác giả Bùi Minh Tuấn tố vi phạm bản quyền nhiều lần, cũng đã có không ít ý kiến từ các nhân viên của VTV cho rằng, Tuấn “nên tự hào” vì hình ảnh của mình có đẹp thì mới “được” nhà đài chọn sử dụng. Bà Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Hạnh Phúc Việt Nam, đơn vị tổ chức lễ hội áo dài Nơi huyền thoại bắt đầu, cũng phát biểu với giọng điệu đó: “Hoàng Hải sống tại Huế, có một bức hình chụp ở Huế và được chiếu lên cho mọi người xem thì nên cống hiến cho Huế, sao lại đi đòi tiền”. Chưa hết, bà Phương còn hỏi ngược tác giả Hoàng Hải, liệu anh đã đăng ký bản quyền hình ảnh chưa mà đòi bồi thường?

Tất nhiên, bất kỳ ai có chút am hiểu về Luật Sở hữu trí tuệ, về quyền tác giả hoặc thậm chí đơn giản là biết phải quấy, biết lẽ ứng xử tự nhiên đều hiểu phát ngôn của ông Dũng, bà Phương là cách nói coi thường tác giả, coi thường pháp luật. Luật đã quy định rất rõ, ngay khi tác phẩm được tạo ra thì tác giả đã mặc nhiên có quyền đối với đứa con tinh thần của mình. Bất kỳ ai muốn khai thác, sử dụng tác phẩm đều phải xin phép và được sự đồng ý của tác giả (trừ một số trường hợp ngoại lệ được quy định trong luật).

Việc đăng ký tác phẩm với cơ quan quản lý nhà nước không phải là việc bắt buộc phải làm mà chỉ là để có thêm cơ sở pháp lý nếu có xảy ra tranh chấp. Ở đây, tác phẩm của anh Hải có cả chữ ký của anh trên ảnh, đã được đăng báo. Ngay cả ông Chế Công Chung - Giám đốc Trung tâm Festival Huế - cũng đã phải nhận khuyết điểm và trực tiếp gọi điện xin lỗi anh Hải, thì thái độ thách thức của ông Dũng, bà Phương càng trở nên lạc lõ ng trong thế giới văn minh.

Đối với tài sản trí tuệ, với tác phẩm văn học nghệ thuật thì câu hỏi tác phẩm đáng giá bao nhiêu là không thể đặt ra, vì bao nhiêu cũng có thể là nhiều, có thể là ít. Câu hỏi đúng phải là sự ứng xử tử tế, hay nói rộng hơn là nhân cách đáng giá bao nhiêu mà người ta lại có thể bỏ qua để thản nhiên “cầm nhầm” sản phẩm trí tuệ của người khác?

Sự cầu thị, tôn trọng pháp luật đáng giá bao nhiêu mà khi bị phát hiện thì kẻ cắp lại muốn nạn nhân phải cảm ơn mình thay vì nhận lỗi và chịu chế tài? Nếu tạm lấy mức nhuận ảnh mà các tòa soạn báo hiện trả cho tác giả thì lẽ nào khả năng nhận thức, tầm văn hóa của những người làm văn hóa này chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng thôi sao? Nếu thế thì đúng là rẻ thật!

Nhân Sư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI