Dùng cơ chế đặc thù dẹp nạn hát karaoke ầm ĩ

24/01/2024 - 06:18

PNO - Không thể chậm trễ hơn được nữa, Nhà nước cần ban hành ngay những điều luật riêng đối với các hoạt động liên quan đến karaoke.

Năm 1971, ông Inoue Daisuke (người Nhật) phát minh ra karaoke (máy hát không cần ban nhạc) nhằm giúp mọi người có thể thỏa mãn niềm yêu thích ca hát mà không cần phải đến hàng quán, vũ trường để hát với ban nhạc.

Tổ phản ứng nhanh của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng lập biên bản xử lý một điểm hát karaoke gây ồn ào - Ảnh: Đình Dũng
Tổ phản ứng nhanh của phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng lập biên bản xử lý một điểm hát karaoke gây ồn ào - Ảnh: Đình Dũng

Vào khoảng đầu những năm 1990, karaoke đến Việt Nam, nhanh chóng đi vào đời sống xã hội nhưng cũng biến tướng rất nhanh. Ngày nay, karaoke có ở khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp trong nhà ra ngoài phố. Người ta có thể gặp nó, hưởng thụ và cả chịu đựng nó ở bất cứ đâu. Ban đầu, nó có mặt ở nhà hàng, quán karaoke nhưng rồi dần dần vào trong mỗi nhà, tràn ra đường phố, công viên, bờ kè. 

Thời gian đầu, dàn karaoke cồng kềnh và đắt tiền, muốn hát thì phải có đầu phát, máy tăng âm, bộ loa, mic nhưng dần dần, nó được tích hợp thành một cục như cái vali có bánh xe kéo đi, và đến giờ này nó chỉ to bằng hộp sữa, có thể cắp nách đi tung tẩy khắp nơi. Chính vì cái sự thuận tiện này, dàn karaoke vô tình trở thành công cụ để tự thỏa mãn mình và có lúc, có nơi… hành hạ người khác. 

Việc hát karaoke là thú vị, lành mạnh nếu được gói gọn trong khuôn viên mỗi gia đình, câu lạc bộ, nhà hàng với lượng âm thanh vừa phải, thời gian sử dụng hợp lý, nội dung được chọn lọc. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, karaoke được sử dụng tràn lan, bừa bãi, bất chấp. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người dân chỉ mong có được không gian yên tĩnh để tái tạo sức lao động nhưng cứ bị buộc phải chịu đựng những âm thanh chát chúa, quá cỡ, những giọng ca thảm họa… Điều kỳ cục là có nhiều người vui cũng karaoke, buồn cũng karaoke, không vui không buồn cũng karaoke. 

Hát karaoke đã trở thành một vấn nạn xã hội và hệ lụy cũng thật khủng khiếp. Đã có nhiều người chết chỉ vì tranh nhau micro, tranh nhau thể hiện “tài năng”, chọn bài trùng nhau, vì nhắc hàng xóm mở âm thanh vừa phải khi hát karaoke.

Với những ảnh hưởng tích cực do karaoke mang lại, năm 1999, Tạp chí Time châu Á đã xếp Inoue Daisuke - người phát minh ra karaoke - vào tốp 100 người ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Năm 2004, Inoue Daisuke được nhận giải Ig Nobel về hòa bình do phát minh của ông “giúp con người học cách bao dung, yêu thương lẫn nhau”. 

Karaoke tự thân nó không xấu, thậm chí còn mang lại nhiều điều tích cực, trong đó đáng ghi nhận nhất là giúp con người xích lại gần nhau hơn. Nhưng khi bị lạm dụng quá mức và sự quá mức này không được kiểm soát, nó lại trở thành công cụ tra tấn xã hội. 

Người Nhật, người Hàn và người ở các nước khác cũng thích hát karaoke nhưng họ hát một cách văn minh, không để sở thích của mình ảnh hưởng đến người khác. Họ hát trong phòng cách âm của nhà mình. Chính phủ các nước cũng quy định rất chặt chẽ về độ ồn được phép trong khu dân cư và biện pháp xử lý. 

Ở Việt Nam, việc hát karaoke chỉ bị hạn chế sau 22g đêm; cá nhân hoặc tổ chức có hành vi gây ồn ào sau 22g chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng và không dễ để xử phạt (phải thành lập tổ liên ngành gồm nhiều ban bệ, phải có máy đo chuyên dụng). Ngay thời gian quy định cũng không hợp lý, bởi không có đứa trẻ nào đợi đến sau 22g để học bài cho yên tĩnh cả.

Không thể chậm trễ hơn được nữa, Nhà nước cần ban hành ngay những điều luật riêng đối với các hoạt động liên quan đến karaoke. Với Nghị quyết 98/2023/QH15 (thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), chính quyền TPHCM có quyền ban hành các quy định chế tài để điều chỉnh loại hình giải trí này. Nếu tiếp tục chậm trễ, nhiều mối quan hệ xã hội như làng xóm, láng giềng sẽ tan vỡ vì “con quái vật” này, và có thể sẽ còn nhiều người bị tổn thương sức khỏe tâm thần, thể chất và thậm chí có cả cái chết khi mâu thuẫn trở thành xung đột. Đừng để “cái sảy nảy cái ung” vì khi sự bừa bãi, bất chấp đã thành nếp thì rất khó dẹp và gây tốn kém lớn cho ngân sách. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI