Đồng bào dân tộc thiểu số ở TP.HCM đang sống ra sao?

11/12/2019 - 11:39

PNO - Theo các đại biểu, cuộc sống của người dân tộc thiểu số trú đóng tại địa bàn TP.HCM hiện còn khá bấp bênh, thiếu sự hòa nhập. Họ cần sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền thông qua những chính sách cụ thể, sát thực.

Sáng 11/12, tại TP.HCM đã diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần III-2019, chủ đề “Đồng bào các dân tộc TP.HCM bình đẳng đoàn kết, phát huy nội lực cùng nhau xây dựng thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, với sự tham dự của gần 300 đại biểu là đại diện cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

Dong bao dan toc thieu so o TP.HCM dang song ra sao?
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP.HCM lần III-2019 khai mạc sáng 11/12

Tại đại hội, thúc đẩy công tác chăm lo cho đời sống người dân tộc thiểu số, thông qua các chính sách cụ thể, sát thực là một trong các nội dung được các lãnh đạo quận, huyện cùng đại biểu quan tâm thảo luận.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho rằng UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQVN TP.HCM cần quan tâm nhiều hơn đến lực lượng lao động, người nhập cư là dân tộc thiểu số.

“Hầu hết họ đều có trình độ thấp, không công việc làm ổn định dẫn đến những biến động ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Họ cũng dễ bị các thế lực đối nghịch tiếp cận, lôi kéo chống phá” - bà Thúy cho hay.

Theo bà Thúy, tại quận Thủ Đức nói riêng, tình trạng người dân tộc thiểu số sống dựng nhà ven kênh rạch còn diễn biến phức tạp. Chính quyền cần có những chính sách di dời, giúp đỡ họ được ổn định cuộc sống của mình.

Đồng tình, ông Võ Thành Minh - Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận kiến nghị, việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số cần lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền TP.HCM.

Dong bao dan toc thieu so o TP.HCM dang song ra sao?
Ông Võ Thành Minh - Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận phát biểu tại đại hội

“Khó khăn lâu nay là tạo việc làm, khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với chương trình chung của thành phố. Vì họ chủ yếu kinh doanh mua bán nhỏ lẻ, một bộ phận vẫn sống bằng sản xuất các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của dân tộc mình rồi bán cho người của dân tộc mình sử dụng” - ông Minh nói.

Theo ông Minh, việc sản xuất sản phẩm đặc trưng, truyền thống này cũng là một lợi thế của người dân tộc thiểu số. Chuyện còn lại là của chính quyền ở trách nhiệm tổ chức đầu ra, có sự quảng bá, giới thiệu sản phẩm của đồng bào thiểu số. 

Kết quả của sự tương hỗ này, ông Minh cho rằng, chẳng những hướng đến tạo việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững, hình thành các làng nghề, sự hòa nhập của người dân tộc thiểu số mà còn thúc đẩy du lịch đặc trưng cho thành phố nói riêng…

Tại đại hội, các đại biểu còn tập trung thảo luận các nội dung quan trọng như: tổng kết thực hiện chính sách dân tộc và công tác tôn giáo dân tộc (giai đoạn 2014-2019); công tác chăm lo giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc; kết quả phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào dân tộc tại địa phương.

Theo lịch trình, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP.HCM lần III-2019 sẽ diễn ra trong 2 ngày.

Dong bao dan toc thieu so o TP.HCM dang song ra sao?
Đại hội quy tụ gần 300 đại biểu là đại diện các dân tộc thiểu số tại TP.HCM

Ngày mai, 12/12, đại hội tiếp tục với các nội dung: xây dựng mục tiêu, phương hướng các nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2019-2024 để đưa vào nội dung Quyết tâm thư và Chương trình hành động thông qua tại đại hội; báo cáo điển hình của các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực; chọn cử 41 đại biểu dân tộc thiểu số dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần II năm 2020 tại Hà Nội.

Tuyết Dân

 
TIN MỚI