Đời cói, mây tỏa sáng

23/11/2020 - 07:04

PNO - “Khoảng 5-6 tuổi, tôi đã biết cuộc đời mình sẽ gắn liền với cái nghề thủ công. Gia đình tôi có mấy đời làm nghề dệt chiếu ở Ninh Bình. Nhà tôi thuở ấy quanh năm ngát thơm mùi cói và tiếng dập con thoi, bàn cửi”.

Nhắc đến nghề, nữ công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà rưng rưng. Bởi với chị, có công việc yêu thích, có môi trường làm việc, cống hiến, đã là một điều quá may mắn trong đời.

Chị Hà sinh năm 1982 trong một gia đình chuyên nghề chiếu cói ở Kim Sơn, Ninh Bình. Như bao thôn nữ ở Kim Sơn, nơi nổi danh nghề chiếu cói truyền thống, 10 tuổi Thúy Hà đã thuần thục công việc dệt chiếu. Chị kể, cứ đi học về là chị lại lao vào cắt, phơi, vuốt cói, rồi đưa cói vào khung dệt… “Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ biết cói, mây như chính cuộc đời mình, tương lai mình. Biết bao thế hệ cha ông của tôi đã sống với nghề như vậy” - chị Hà nói.

15 tuổi, vừa học hết cấp II, Thúy Hà được một công ty sản xuất thủ công của địa phương tuyển dụng vào làm công nhân đan giỏ xách bằng cói, mây, tre, lá. Với tính tình hoạt bát, lại yêu nghề, nên cô bé nhỏ nhất xưởng nhanh chóng trở thành tay thợ lành nghề với năng suất luôn cao hơn nhiều đồng nghiệp. Vì vậy, khi Hợp tác xã Ba Nhất (169-171 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ra Ninh Bình ký kết hợp tác, ngỏ ý muốn tuyển lao động lành nghề, công ty đã dứt ruột giới thiệu Hà vào nhóm công nhân lành nghề đi trao đổi nghiệp vụ. Thế là Thúy Hà cùng ba đồng nghiệp khác từ Kim Sơn vào TP.HCM làm việc.

Đến nay đã 20 năm trôi qua, chị vẫn làm đúng vị trí năm xưa: công nhân đan lát, tạo mẫu và đảm nhận việc đào tạo nghề cho người mới. Điểm khác là hôm nay chị đã trở thành nghệ nhân thật sự trong làng nghề đan lát. 20 năm gắn bó cùng Hợp tác xã Ba Nhất, chị đoạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tay nghề, thợ giỏi; là gương mặt tiêu biểu trong phong trào Lao động giỏi - lao động sáng tạo, được Q.Bình Thạnh và thành phố khen thưởng nhiều năm liền. Nhắc đến chuyến đi từ quê hương Kim Sơn, Ninh Bình vào TP.HCM 20 năm trước, chị nói: “Khi ấy, công ty cử thì đi, chứ tôi không nghĩ mình sẽ vào và gắn bó với TP.HCM lâu như vậy”.

Chị Thúy Hà (bên trái) với công việc hằng ngày tại hợp tác xã ba Nhất
Chị Thúy Hà (bên trái) với công việc hằng ngày tại hợp tác xã ba Nhất

 Thị trường xuất khẩu hàng mây tre lá đòi hỏi luôn phải có những mẫu mã mới để giới thiệu đến khách hàng. Sau một thời gian tìm tòi, thấy trong nước có nhiều nguyên liệu thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, như cói ở các tỉnh phía Bắc và lục bình ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, chị Hà nghĩ, nếu kết hợp hai thứ nguyên liệu này để tạo ra các sản phẩm đặc trưng Việt Nam thì chắc chắn khách nước ngoài sẽ thích.

Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, chị đã thực hiện thành công chiếc bồ đựng trái cây đan từ sợi cói và sợi lục bình. Sản phẩm của chị được Ban giám đốc Hợp tác xã Ba Nhất đón nhận, đưa đi chào hàng và nhanh chóng được khách hàng đón nhận, đánh giá cao. Kết quả, hợp tác xã sản xuất và xuất được lô hàng 60.000 sản phẩm với giá trị lợi nhuận lên đến hơn 400 triệu đồng. Đây cũng là sản phẩm được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019. 

Ông Phạm Như Huỳnh, Chủ tịch Công đoàn Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất, cho biết: “Người làm ngành thủ công mỹ nghệ, ngoài năng khiếu, nhìn qua mẫu làm theo được ngay, thì phải có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, yêu nghề, ham học hỏi mới sáng tạo ra nhiều kiểu mẫu mới. Chị Thúy Hà là một người như vậy, liên tục có sáng kiến giúp tăng lợi nhuận cho hợp tác xã. Ngoài ra, với vai trò tổ trưởng, chị Hà luôn hòa đồng, chia sẻ, giúp đỡ, động viên anh chị em cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao và tích cực tham gia các phong trào thi đua do công đoàn phát động”.

Nói đến nghề, mắt chị Hà lại sáng rực: “Càng làm càng hăng say hơn. Đừng nghĩ làm công nhân là chỉ biết cặm cụi với sản phẩm và tìm cách tăng năng suất lao động. Chủ doanh nghiệp bao giờ cũng mong công nhân có nhiều ý tưởng cho công việc, ví dụ như làm cách nào để tăng năng suất, làm cách nào để sản phẩm được bền màu, đẹp 
mắt hơn…”.

Không chỉ chăm chút cho công việc sáng tạo hàng mẫu, chị Hà còn kèm cặp, huấn luyện đào tạo cho khoảng 180 công nhân, trong đó có 75 người và 5 phụ nữ dân tộc Chăm ở ngay P.17, Q.Bình Thạnh trở thành thợ giỏi. Nhắc chuyện đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc, chị kể: “Vui lắm. Các chị không nhanh, nhưng rất cần mẫn, siêng năng. Mình kiên trì, các chị nhẫn nại, lâu ngày rồi nghề cũng thuần thục. Có khi đan xong chiếc giỏ đựng trái cây, các chị ôm chầm lấy mình cảm ơn rối rít”. 

Nhờ việc nhận dạy nghề mà chị Hà đã đến gần với công tác Hội địa phương, tham gia nhiều hội thi về sáng tạo đồ dùng mỹ nghệ, sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa và đạt nhiều giải thưởng. 

Với chị Thúy Hà, nghề công nhân đan mây tre lá đã trở thành sự nghiệp của chị. Chị nói: “Năm 2019 vừa qua, sau khi đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng, tôi được đi Côn Đảo cùng những người lao động giỏi nghề của quận. Lúc đó tôi càng thấm thía lời của mẹ, của ba và biết bao đồng nghiệp đi trước, làm công nhân thì đã sao, được sống và vui với nghề nghiệp mà mình lựa chọn, phù hợp là hạnh phúc. Tôi gọi về nhà báo tin, cả nhà đều vui và nói: đấy, đời cói mây vẫn tỏa sáng như ai. Ông bà mình từng nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, chắc cũng đến như vầy thôi!”. 

Hạnh Chi 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI