Đọc sách giữa Sài Gòn

25/01/2020 - 08:23

PNO - Khi thành phố tạo dựng nhiều không gian trưng bày nguồn tri thức như thế, cùng với ý thức tự thân của mỗi cá nhân thì đọc sách sẽ dần hình thành như một thói quen, nhân lên sẽ là sở thích và là nếp văn hóa của cộng đồng.

Chiều 30 Tết, trời vẫn không hề nhạt bớt nắng. Tối cuối cùng của năm, mặc cho đường sách trải dài qua các góc phố, từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế vòng ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà sách Fahasa - Nguyễn Huệ vẫn sáng đèn, tấp nập người vô ra.

Tôi đến cái góc quen thuộc của mình. Nhìn qua các góc khác, vẫn những mái đầu cắm cúi. Có người đọc để chọn sách, có người đọc miệt mài hết trang này đến trang khác, có người nhẩn nha từng trang, như thể mỗi ngày họ thường đến đây, chiều tối 30 đọc tiếp những trang sách còn dang dở...

Rồi có người mua sách, có người lửng thửng ra về. Bước ra khỏi tiệm sách, gánh bánh nướng thơm phức cả quãng đường, mấy quầy nước giải khát tạm bợ nơi vỉa hè, như thể những con chữ của Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Thị Hậu, Ngữ Yên đang thức dậy trên phố xá...

Không gian văn hóa đọc luôn được TPHCM chú trọng xây dựng cho người dân - Ảnh: Thiên Ân
Không gian văn hóa đọc luôn được TPHCM chú trọng xây dựng cho người dân - Ảnh: Thiên Ân

Nhớ cái thời còn ăn nhờ ở đậu… cha mẹ, đọc sách là cái cớ để được ra khỏi nhà. Ở Huế, nơi đâu cũng dễ là không gian của chữ nên đọc sách là công việc nhàm chán nhất. Nhưng vì là "nhiệm vụ" nên đành. Đọc sách trong thư viện, lên chùa Báo Quốc, Từ Hiếu đọc sách, đi vô lăng ngồi đọc... Đọc sách nơi chốn tĩnh tặng, ấy là sự thường. 

Ở Sài Gòn, tạt qua bất kỳ nhà sách nào, lướt chọn vài cuốn “thấy được”, trên đường về, ngó quán quen, chỗ ngồi mọi bữa còn trống, thế là bước vào. Sáng 29 Tết, quán cà phê Trung Nguyên, góc Đông Du - Đồng Khởi, chậu mai vàng coi bộ nở sớm để kịp khoe màu với họ nhà cúc, có mấy mẹ con áo dài vừa lội từ đường hoa về, cô con gái còn xách cả đôi giày lên, đủ để thấy check-in với hoa, người nhọc cỡ nào! 

Nhốn nháo nhiêu đó, lao xao qua lại rồi… vắng bặt, như thể quanh ta, chỉ còn sách và miên man theo con chữ. Sách chìm trong tiếng phố hay mớ thanh âm kia cứ hồn nhiên lướt qua sách, chẳng biết. Chỉ là ở đây, mọi thứ cứ tự do trong sự lựa chọn, thích nghi của mình. Vẫn lao xao tiếng nhưng đủ để như một thứ "nhạc nền”, không làm giật mình ai, càng không xáo động một nơi chốn chẳng hề tĩnh lặng.

Có phải vì cái quán tính thích ứng trong mọi không gian sinh tồn ấy mà từ mô hình đường sách cho đến hội chợ sách tại thành phố Hồ Chí Minh luôn thành công, cả về quảng bá giá trị thương hiệu lẫn mãi lực thị trường. Trong khi, dù đã ra sức học tập kinh nghiệm nhưng nhiều địa phương bạn, hai mô hình tổ chức đường sách lẫn hội chợ sách đều không dễ bội thu, thậm chí mất mùa, thất bại, điều tiếng.

Tình yêu sách được người dân thành phố ươm mầm, giữ gìn từ thuở nhỏ - Ảnh: Thiên Ân
Tình yêu sách được người dân thành phố ươm mầm, giữ gìn từ thuở nhỏ - Ảnh: Thiên Ân

Tạo dựng và giữ gìn một không gian đường sách văn minh như đường sách Nguyễn Văn Bình là một nếp văn hóa đẹp. Ngay cả khi nhiều người đến đường sách chỉ để… check-in, selfie một tấm ảnh thì việc chọn xuất hiện bên cạnh sách, trong không gian của sách đã là đáng quý. Vấn đề là khi thành phố tạo dựng nhiều không gian trưng bày nguồn tri thức như thế, cùng với ý thức tự thân của mỗi cá nhân thì đọc sách sẽ dần hình thành như một thói quen, nhân lên sẽ là sở thích và là nếp văn hóa của cộng đồng.

Năm 2020 được xác định là Năm Văn hóa, một trong 9 đầu việc đó là phát huy, lan tỏa văn hóa đọc. Tôi thật sự cảm kích; và khi đặt đầu việc này bên cạnh một đầu việc khác là tiếp tục tôn tạo, phục hồi, công nhận các công trình di sản có giá trị văn hóa, lịch sử, tôi xúc động bởi một viễn kiến rất gần về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ lại, vẫn tươi mới “những điều kỳ diệu của sách”, của không gian di sản, của đô thị cảng trù phú, sung túc… Những giá trị văn hóa ấy, tôi vẫn đọc mỗi ngày, luôn tìm thấy nơi mỗi trang sách viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

Chẳng lẽ, sách chỉ để đọc? Mà nếu không giữ gìn và tôn tạo, bảo vệ và kiến tạo các giá trị thì chất liệu nào cho những cuốn sách kế tiếp! 

Tiễn đưa năm cũ, tôi chuẩn bị chào đón năm mới bằng những người-bạn-sách. Ở đấy, bạn luôn dịu dàng lắng nghe, kiên nhẫn thuyết phục và hào phóng trao cho tôi những hiểu biết vô tận. Dù trước bạn, tôi mãi là kẻ nông cạn, võ vẽ đôi ba chữ vỡ lòng…

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI