Chuyên đề: Tìm lối đi cho tác phẩm 'Nhà nước đặt hàng'

Tại sao lại là 'sách không bán'?

10/01/2020 - 14:51

PNO - Danh mục sách được đặt hàng hằng năm không ít, nhiều bộ/tựa sách phải nói là khá hay, chất lượng. Tuy nhiên, bạn đọc không dễ tiếp cận với nguồn sách này, vì… “sách không bán”.

Tác phẩm Nhà nước đặt hàng chủ yếu phục vụ yêu cầu chính trị, an ninh quốc phòng, hỗ trợ đối tượng bạn đọc vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo… Đặt hàng xuất bản những công trình/bộ sách đồ sộ, có hàm lượng tri thức cao; đấu thầu sản xuất phim, dàn dựng các vở diễn sân khấu… Thế nhưng, trong nhiều năm qua, công tác triển khai quảng bá tác phẩm “Nhà nước đặt hàng” vẫn mãi là vấn đề chưa được tháo gỡ. 

Thông tư 07/2018/TT-BTTTT ngày 15/5/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước (thay thế Thông tư liên tịch 04/2011/TTLT-BTTTT-BTC ngày 10/1/2011 của liên Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính), có hiệu lực từ năm 2019. Mới đây, một hội thảo về “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước” cũng vừa được tổ chức. Danh mục sách được đặt hàng hằng năm không ít, nhiều bộ/tựa sách phải nói là khá hay, chất lượng. Tuy nhiên, bạn đọc không dễ tiếp cận với nguồn sách này, vì… “sách không bán”.

Nghịch lý in mà không bán

Khi tác phẩm Ở R - Chuyện kể sau 50 năm - di cảo của cố nhà văn Lê Văn Thảo được phát hành (tháng 5/2018, nhà xuất bản Văn hóa dân tộc), tôi viết giới thiệu cuốn sách trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, và nhiều bạn đọc đã hỏi cách mua. Đây là tác phẩm có giá trị, quý về cả mặt tư liệu sử lẫn văn chương. Ở R - Chuyện kể sau 50 năm cũng vừa được trao giải nhất Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM (giai đoạn 2012-2017). Tiếc thay, từ lần in đầu tiên đến đợt tái bản mới đây, sách đều được “dán nhãn”: sách không bán.

Tất cả tác phẩm được trao Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM được nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ tái bản dịp cuối năm 2019 cũng cùng chung số phận: Phượng Hoàng (Văn Lê), Hoa hướng dương (Đồng Đen), Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương)… 

Các tác phẩm được trao Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM (2012-2017) đều là sách không bán
Các tác phẩm được trao Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM (2012-2017) đều là sách không bán

“Bất kỳ nhà văn nào cũng đều mong muốn những gì mình viết phải đến tay bạn đọc. Thế mà… Nghịch lý là sách không bày bán rộng rãi, chỉ được phát cho các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo; hoặc nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch nào đó. Tiếc nhất là người cần đọc lại không thể mua được sách, ngược lại, do sách không in giá bán, nên nhà xuất bản (hoặc đơn vị đặt hàng in sách) cũng không thể đưa vào kênh phát hành chính thức trên thị trường” - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc bày tỏ. 

Các ấn phẩm Nhà nước đặt hàng chủ yếu thuộc mảng đề tài: sách tư liệu tổng hợp về các ngày lễ, sự kiện lớn trong năm; sách về các nhân vật lịch sử, văn hóa các vùng miền, sách biển đảo, sách văn học về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc… Chỉ tính riêng nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, trong năm 2019, đơn vị đã xuất bản được 14 tác phẩm Nhà nước đặt hàng, trong đó có các tựa tiêu biểu: Bài ca người lính quân hàm xanh (nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng), các tập tiểu thuyết và hồi ký, bút ký: Vẫn là binh nhất, Bay về qua lửa đạn, Được sống và kể lại (kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), Đường Trường Sơn - tuyến vận tải huyền thoại, Nhật ký Thanh niên xung phong Trường Sơn 1965-1969 (kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn), Ký ức Điện Biên Phủ (kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ), Hồ Chí Minh - những sự kiện (50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ)…

Riêng nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, tính từ năm 2012 đến nay đã thực hiện tổng cộng 94 tựa sách, với hơn hai trăm ngàn bản in (tổng ngân sách ước tính khoảng 28,7 tỷ đồng). Phần lớn ấn phẩm được phát hành đến hệ thống thư viện, các cơ quan đoàn thể, sở ngành…

Những công trình đồ sộ, quy tụ lực lượng tác giả hùng hậu, tuy nhiên, việc dán nhãn “sách không bán” tự thân nó lại là một rào cản cho khâu quảng bá. 

Tạo sức sống cho sách đặt hàng, tại sao không? 

Phát biểu tại hội thảo “Đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước” mới đây, bà Đinh Phương Thảo - Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ nhìn nhận: “Lựa chọn đề tài là khâu quan trọng nhất. Nếu lựa chọn đề tài hay, hấp dẫn, có bản thảo tốt, điều đó đảm bảo phần lớn sự thành công của sách Nhà nước đặt hàng. Khâu phát hành, quảng bá cũng cực kỳ quan trọng. Các đơn vị thụ hưởng có sử dụng tốt sách Nhà nước đặt hàng được cung cấp hay không thì mới làm nên sức sống của sách Nhà nước đặt hàng”.

Một số tác phẩm Nhà nước đặt hàng cũng có những buổi ra mắt, giới thiệu. Tuy nhiên, nhìn trên mặt bằng chung, so với những đầu sách được PR bài bản thì dòng sách “đặt hàng, không bán” này lại như đi theo một hướng khác. Nhiều trường hợp buổi giới thiệu chỉ có “người trong nhà”. Sách in rồi cất kho là một thất bại. Sách Nhà nước đặt hàng chỉ khác một chút là được… phân phát ra nhiều kho lưu trữ. 

“Đối với các cơ quan truyền bá văn hóa nước ngoài, dù có tài trợ họ cũng nghĩ đến cách phát hành rộng rãi. Chẳng hạn bộ sách Tranh dân gian Việt Nam (do Maurice Durand sưu tầm và nghiên cứu, từng được EFEO xuất bản lần đầu tiên năm 1960). Nay, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ phối hợp tái bản, có ghi giá bán. Mới đây nhất, các bộ sách quý như Thánh Mẫu linh tiêm, Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam (thuộc dự án Vietnamica, công trình của Viện Viễn Đông Bác Cổ, nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) cũng có ghi giá bán cụ thể. Dù có nguồn kinh phí từ dự án, nhưng người làm sách vẫn ghi giá bán, cũng là cách đưa sách đến bạn đọc. Chứ in ra rồi dán mác “Sách Nhà nước đặt hàng” chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp, dẫn đến tình trạng “người cần không có, người có không cần” - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc nêu ý kiến. 

“Tổ chức khai thác có hiệu quả xuất bản phẩm đặt hàng” cũng là một trong những yêu cầu từ điều 10, Thông tư 07/2018/TT-BTTTT về “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xuất bản phẩm đặt hàng”. Ở góc nhìn của người quan sát, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thành Thi cho rằng, “nguồn lực, sản phẩm, mô hình/phương thức hoạt động” là ba yếu tố góp phần tạo thành công cho tác phẩm xã hội hóa văn học nghệ thuật nói riêng. Nhưng có thể thấy đó cũng phù hợp đối với xuất bản phẩm đặt hàng nói chung. Thay vì là “sách không bán”, thì hãy là sách… ghi giá bán, một mặt vẫn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, mặt khác có thể phát hành rộng rãi. Như thế bạn đọc cũng không bị “định kiến” là sách tuyên truyền. Nếu tác phẩm thu hút bạn đọc, khả quan hơn trở thành best seller, thì rõ ràng không uổng phí ngân sách nhà nước đã đặt hàng xuất bản. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI