Doanh nghiệp gặp khó vì COVID-19, lời khuyên từ chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

28/02/2020 - 18:32

PNO - Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, dệt may, điện tử… là những ngành đang phải trả giá đắt vì lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Chia sẻ tại tọa đàm: “Tác động của dịch bệnh COVID-19 lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt” diễn ra ngày 28/2 tại TPHCM, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, dịch bệnh COVID-19 trở thành tai họa đối với nền kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam cũng bị thiệt hại nhiều mặt: xuất nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, vận tải… Chuỗi giá trị bị đứt gẫy, vật tư, nguyên liệu từ TQ bị gián đoạn.

Thực tế đáng lo ngại hiện nay là rất nhiều ngành hàng của Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc như dệt may, điện tử… vì nguồn hàng Trung Quốc vừa rẻ, giao dịch nhanh, linh hoạt. Đến nay, dệt may là một trong những ngành đang phải trả giá đắt vì lệ thuộc đó, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ cạn nguyên liệu trong tháng 3 này.

Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng “trong họa có phúc, trong nguy có cơ”, một số ngành như du lịch bị đòn mạnh, ngược lại dịch vụ y tế phát triển. DN cần tận dụng thời điểm này đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh bỏ trứng vào một giỏ, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác.

Bên cạnh tái cơ cấu sản xuất, thị trường, tìm đối tác mới, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới từ Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản... DN cần vận dụng mạnh công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử... 

Đặc biệt, DN phải liên kết lại với nhau, nhận chung một đơn hàng và cùng đáp ứng đơn hàng đó. Đây là lúc DN phải liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng để tự cứu mình. DN chấp nhận thử thách, tìm cách vươn lên, tìm thêm cộng sự, đối tác để cùng hợp tác. Đối với hàng không cần đẩy mạnh khai thông đường bay mới, giảm giá vé hơn nữa.

“Trong họa có phúc, trong nguy có cơ, DN cần tận dụng thời điểm này đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, Tiến sĩ Doanh nhấn mạnh
“Trong họa có phúc, trong nguy có cơ, DN cần tận dụng thời điểm này đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường", Tiến sĩ Doanh nhấn mạnh

Theo TS Doanh thì thời điểm này rất khó để có được những biện pháp hỗ trợ hữu hiệu từ Chính phủ. Mặc dù Chính phủ cũng đang tìm phương án để đưa ra giải pháp hỗ trợ các DN, nhưng cái khó là “tiền đâu?” khi ngân sách không còn dồi dào. Hiện chi thường xuyên cho ngân sách từ 64 – 70% là con sốquá lớn, cộng thêm các khoản nợ nước ngoài phải trả, số còn lại chưa tới 5% cho đầu tư là con số quá ít ỏi. Muốn đẩy mạnh đầu tư thì chính phủ sẽ phải vay thêm.

“Đến nay, Chính phủ vẫn giữ mức chỉ tiêu tăng trưởng 6,9 - 7% nhưng tôi cho rằng không khả thi, sẽ phải sớm có gói kích cầu, cắt giảm thuế, tạo điều kiện cấp vốn cho DN, thúc đẩy tiêu dùng trong nước; giảm mức chỉ tiêu tăng trưởng... Nên vận dụng Chính phủ điện tử để giảm bớt chi phí in giấy tờ.... Thụy Điển là một trong những nước giàu nhất thế giới nhưng chi tiêu công của họ rất ít, chúng ta cần học hỏi. Vua Thụy Điển không có chế độ chuyên cơ riêng mà di chuyển bằng máy bay thương mại, chúng ta cần học hỏi. Việt Nam hãy xem dịp này là thử thách để vượt lên, tái cơ cấu để bảo vệ nền kinh tế VN…”, Tiến sĩ Doanh khuyến nghị.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI