Doanh nghiệp chuyển đổi xanh gặp quá nhiều rào cản

06/12/2024 - 20:26

PNO - Đó là chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp tại diễn đàn “TPHCM - gỡ vưỡng cho kinh tế xanh” do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức trong chiều ngày 6/12.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân Thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững.

Quá trình xây dựng được đánh giá là gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện những khó khăn, thách thức, nhất là các vướng mắc liên quan đến các quy định, hành lang pháp lý cho các cơ chế, chính sách.

"Diễn đàn sẽ là nơi để các doanh nghiệp, sở ban ngành gặp nhau thảo luận, tìm ra các giải pháp hữu hiệu", ông Nguyễn Văn Dũng bày tỏ.

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn
Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Giang

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM – cho biết, các doanh nghiệp đang cải tiến mạnh mẽ, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tự động hoá và chuyển đổi xanh để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Hiện các doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn như phải tích hợp ít nhất 20-30% nguyên liệu tái chế để đạt chứng nhận xanh, hưởng ưu đãi thuế và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tái chế phế liệu và sản phẩm đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao giá trị và giảm chi phí sản xuất.

Thực tế các doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi xanh nhưng để làm được điều đó đòi hỏi phải có nguồn lực về vốn để đầu tư máy móc, quy trình sản xuất. Mặt khác, các hoạt động tái chế luôn cần quỹ đất nhưng thực tế nguồn lực này ngày càng ít và đắt đỏ. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, chính những rào cản này đã cản sự quyết tâm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn để chuyển đổi xanh của doanh nghiệp không hề dễ. Tiến sĩ Bùi Duy Tùng - Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam - cho biết, một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ.

Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn phân loại xanh (green taxonomy) thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc xác định, đánh giá, và triển khai các dự án xanh.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hơn 50% các tổ chức tài chính gặp trở ngại trong việc phân định rủi ro và tiềm năng của các dự án xanh, chủ yếu do thiếu hướng dẫn chi tiết. Kết quả dẫn đến rủi ro tín dụng rất cao vì không xác định được dự án nào thực sự xanh.

Các doanh nghiệp cho biết họ muốn chuyển đổi xanh nhưng do gặp nhiều rào cản nên
Các doanh nghiệp cho biết nhiều rào cản đã ngăn quyết tâm chuyển đổi xanh của doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Hiện tại, dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế. Thời gian qua, TPHCM đã có sáng kiến phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án nhưng quy mô này còn nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý chất thải. Hiện nhiều tổ chức tài chính ngần ngại tham gia thị trường tài chính xanh do thiếu nhân lực, kỹ năng. Nhiều ngân hàng vẫn ưu tiên các dự án mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn hơn là đầu tư dài hạn và các dự án xanh do có thời gian hoàn vốn dài, tỉ lệ sinh lời thấp.

Theo tiến sĩ Bùi Duy Tùng, để giải quyết các thách thức của tài chính xanh tại Việt Nam, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần khẩn trương thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn phân loại xanh lấy kinh nghiệm từ các thông lệ quốc tế, như EU Taxonomy, nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả năng ứng dụng thực tế.

Việc thành lập một Hội đồng Tài chính xanh Quốc gia với vai trò điều phối và giám sát các chương trình tài chính xanh là rất cần thiết. Hội đồng này có thể tạo ra nền tảng đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính để giải quyết các vướng mắc trong thực thi chính sách…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI