Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM: Tăng tiếp dân, gỡ điểm nghẽn, giám sát đến cùng

15/07/2025 - 12:13

PNO - Sáng 15/7, Hội nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV TPHCM đã diễn ra tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Dương (cũ).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM - cho biết, sau 15 ngày thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tiễn tại các phường Phú Mỹ và Đông Hưng Thuận về hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TPHCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TPHCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm

Đồng thời, Đoàn đã tổ chức tiếp công dân định kỳ, tiếp nhận và theo dõi các văn bản trả lời đơn thư, kiến nghị cử tri từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Hội nghị cũng thảo luận về chương trình giám sát từ nay đến tháng 3/2026, trong đó tập trung vào các chuyên đề lớn như việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020; cải cách thủ tục hành chính toàn trình, mô hình trực tuyến, phi địa giới hành chính; xây dựng chính quyền số…

Một trong những nội dung trọng tâm là tăng cường phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và các cơ quan báo chí nhằm đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động của Quốc hội, hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên TPHCM - đánh giá, Quốc hội khóa XV là một nhiệm kỳ lịch sử khi vừa đảm bảo các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng, vừa thích ứng linh hoạt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đặc biệt, việc thông qua sửa đổi Hiến pháp và kiện toàn mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một dấu mốc quan trọng.

Ông cho biết, thời gian tới, Đoàn ĐBQH TPHCM cần tập trung giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết vừa được thông qua, đồng thời kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý, đặc biệt là trong Luật Đất đai để thúc đẩy phát triển thành phố.

Ông Trần Hoàng Ngân – Thành ủy viên TP.HCM – phát biểu tại hội nghị, đề xuất tiếp tục giám sát triển khai các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Trần Hoàng Ngân - Thành ủy viên TPHCM - phát biểu tại hội nghị, đề xuất tiếp tục giám sát triển khai các luật và nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua - Ảnh: Thanh Tâm

Bà Tô Thị Bích Châu - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, sau sáp nhập địa giới hành chính, mô hình tổ chức chính quyền mới đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Bà đề xuất cần có sự phân công hợp lý giữa các đại biểu mới và cũ trong tổ chức tiếp công dân tại các trụ sở, nhằm bảo đảm tính kế thừa và nâng cao chất lượng phản hồi kiến nghị cử tri. Theo bà, cùng một nội dung nhưng ở từng địa phương sẽ có cách phản ánh và kỳ vọng khác nhau, nên việc bố trí đại biểu theo nhóm - trong đó có người am hiểu địa bàn - sẽ giúp xử lý vấn đề hiệu quả hơn.

Ngoài ra, bà Châu đề nghị tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp trả lời kiến nghị cử tri, đẩy nhanh tiến độ xử lý phản ánh, kiến nghị, đồng thời nâng cao chất lượng giám sát tại địa bàn ứng cử. Việc tổ chức tiếp công dân cũng cần thực hiện một cách nghiêm túc, có lịch phân công cụ thể để cử tri biết và dễ dàng tiếp cận đại biểu. Lãnh đạo Đoàn ĐBQH cần tạo điều kiện và hỗ trợ đại biểu hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa người dân và các cơ quan công quyền.

Bà Tô Thị Bích Châu – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – đề xuất bố trí đại biểu Quốc hội theo vùng để nâng cao chất lượng tiếp dân sau sáp nhập - Ảnh: Thanh Tâm
Bà Tô Thị Bích Châu - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - đề xuất bố trí đại biểu Quốc hội theo vùng để nâng cao chất lượng tiếp dân sau sáp nhập - Ảnh: Thanh Tâm

Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV - nêu rõ: người dân hiện rất quan tâm đến 2 vấn đề là hiệu quả phục vụ tại phường, xã sau sáp nhập và hoạt động của công an cơ sở. Ông đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến người dân về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, xử lý phản ánh, giữ gìn an ninh trật tự, những nội dung gắn liền với đời sống thường nhật.

Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức lễ tri ân các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đoàn đã nghỉ hưu và chuyển công tác, ghi nhận những đóng góp trong suốt quá trình công tác - Ảnh: Thanh Tâm
Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức lễ tri ân các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đoàn đã nghỉ hưu và chuyển công tác, ghi nhận những đóng góp trong suốt quá trình công tác - Ảnh: Thanh Tâm

Tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Đó là tăng cường giám sát việc triển khai các nghị quyết, nhất là Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TPHCM và các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Dân số, những điểm nghẽn cần được tháo gỡ. Ông đề nghị các đại biểu chủ động chuẩn bị nội dung phát biểu tại nghị trường, mời chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia góp ý nhằm nâng cao chất lượng lập pháp.

Về công tác tiếp dân, ông khẳng định: “Đã là đại biểu Quốc hội thì phải tiếp công dân”, không chỉ tiếp xúc cử tri định kỳ mà cần theo dõi sát các kiến nghị, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc. Các hoạt động giám sát, khảo sát cũng sẽ mở rộng sang lĩnh vực chính quyền số, chuyển đổi số sau sáp nhập. Đoàn sẽ có sự phân công cụ thể, nâng cao hiệu quả điều phối để đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của người dân thành phố.

Thanh Tâm

 
TIN MỚI