Báo chí đồng hành với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để lan tỏa tiếng nói cử tri

14/07/2025 - 18:13

PNO - Chiều 14/7, Hội nghị trao đổi thông tin về công tác phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM với các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền hoạt động của Đoàn khóa XV diễn ra tại TPHCM.

Đẩy mạnh kết nối cùng báo chí

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TPHCM - cho biết, sau nửa tháng vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, Đoàn ĐBQH TPHCM đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế làm việc theo hướng gần dân, sát dân.

Ông Nguyễn Văn Lợi – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV TPHCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TPHCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm

Ông ghi nhận sự đồng hành tích cực của báo chí trong việc kịp thời lan tỏa thông tin đến cử tri, tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Thời gian tới, Đoàn sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp công dân thường xuyên 3 ngày mỗi tuần tại trụ sở và mở thêm 2 điểm tiếp công dân, phối hợp xây dựng quy chế làm việc linh hoạt cùng HĐND và các cơ quan lãnh đạo thành phố, đồng thời tổ chức khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương về xây dựng chính quyền số, cải cách hành chính và liên thông dữ liệu địa chính toàn trình.

Bà Huỳnh Thị Phúc – Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV - nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và báo chí để nâng cao hiệu quả truyền thông tới cử tri - Ảnh: Thanh Tâm
Bà Huỳnh Thị Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm

Tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Phúc - Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và báo chí để nâng cao hiệu quả thông tin đến cử tri.

Bà đánh giá, dù đã có nhiều đổi mới trong tuyên truyền, công tác phối hợp vẫn còn hạn chế như thiếu chủ động cung cấp thông tin, chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng, và một số đại biểu còn e ngại tiếp xúc truyền thông. Để khắc phục, Đoàn đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, tăng cường chia sẻ thông tin, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng truyền thông cho đại biểu.

Trong thời gian tới, Đoàn sẽ tập trung giám sát việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại - tố cáo, và tổ chức các sự kiện trọng điểm với sự đồng hành chặt chẽ của báo chí để thông tin đến người dân một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm

Cần đổi mới tư duy truyền thông cho các hoạt động Quốc hội

Tại hội nghị, nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò then chốt của báo chí trong việc lan tỏa tiếng nói của cử tri, phản ánh trung thực hơi thở đời sống và đồng hành hiệu quả cùng hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Ông Mai Ngọc Phước - Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM - nhấn mạnh, báo chí không chỉ thực hiện chức năng truyền tải thông tin về hoạt động của Đoàn ĐBQH hội mà còn là cầu nối quan trọng giữa người dân và nghị trường. Các cơ quan báo chí luôn tuân thủ quy trình xác minh chặt chẽ trước khi đăng tải để đảm bảo tính khách quan, trung thực, và từ đó góp phần tạo sự tin tưởng trong xã hội.

Ông đặc biệt đề cao vai trò phản biện của báo chí, đồng thời kiến nghị Đoàn ĐBQH nên lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp từ báo chí như một nguồn dữ liệu tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách. Ông đề xuất cần có đầu mối thông tin rõ ràng, thường xuyên giữa hai bên, nhất là trước các kỳ họp hay sự kiện lớn, nhằm xử lý nhanh tình huống phát sinh và đảm bảo dòng chảy thông tin không bị đứt gãy.

Ông Mai Ngọc Phước – Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TPHCM - chia sẻ tại nghị - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Mai Ngọc Phước chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: Thanh Tâm

Đại tá Phan Tùng Sơn (Báo Quân đội Nhân dân) cho rằng, công tác truyền thông về hoạt động của Đoàn ĐBQH cần được nâng lên tầm cao mới, chuyển từ tư duy phản ánh sang tư duy kiến tạo. Theo ông, thông tin hiện tại vẫn chủ yếu dừng ở việc tường thuật, phản ánh bề mặt, trong khi xu thế truyền thông hiện đại đòi hỏi sâu sắc hơn, có góc nhìn phản biện và hàm lượng khoa học rõ rệt. Ông đề xuất mỗi phát biểu của đại biểu cần được xây dựng như một đề tài có giá trị lan tỏa trên truyền thông.

Ông kiến nghị thành lập nhóm kết nối trực tiếp, chẳng hạn như nhóm Zalo giữa lãnh đạo Đoàn ĐBQH và các cơ quan báo chí, để đảm bảo việc chia sẻ thông tin nhanh, chính xác. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc lượng hóa các hoạt động của Đoàn, giúp cử tri và báo chí theo dõi tiến độ giải quyết các kiến nghị, đồng thời tạo điều kiện để truyền thông phản ánh trúng và đúng những bức xúc từ cơ sở. “Tiếng nói của Quốc hội là tiếng nói của nhân dân, mỗi nội dung được nêu ra cần có hồi đáp rõ ràng, nếu chưa giải quyết được thì phải chỉ ra vướng mắc ở đâu để nhân dân đồng hành” - ông nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Vân Anh chia sẻ về tầm quan trọng của mối quan hệ phối hợp giữa báo chí và Đoàn ĐBQH TPHCM - Ảnh: Thanh Tâm
Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - chia sẻ về tầm quan trọng của mối quan hệ phối hợp giữa báo chí và Đoàn ĐBQH TPHCM - Ảnh: Thanh Tâm

Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa báo chí và Đoàn ĐBQH, đồng thời nhấn mạnh đây không đơn thuần là mối quan hệ cung cấp - nhận thông tin, mà là quan hệ cộng sinh, cùng đồng hành để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và góp phần hoạch định chính sách từ thực tiễn. Bà cho rằng báo chí cần được tạo điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm, những nội dung cần góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng.

Bà đề xuất, bên cạnh việc tổ chức họp báo định kỳ, cần mở rộng hình thức tiếp xúc chuyên đề, tọa đàm, hội thảo với từng nhóm đối tượng như phụ nữ, doanh nhân, nhà khoa học để thu nhận tiếng nói đa chiều từ xã hội. “Việc thiết lập đầu mối thông tin rõ ràng, tạo cơ chế linh hoạt cho báo chí tiếp cận sẽ giúp nâng cao chất lượng nội dung, bảo vệ uy tín của đại biểu và cơ quan báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại đòi hỏi sự chính xác, khách quan và kịp thời” - bà Vân Anh nói.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TP.HCM, ông Tăng Hữu Phong, nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí trong tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước - Ảnh: Thanh Tâm
Ông Tăng Hữu Phong - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí trong tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước - Ảnh: Thanh Tâm

Ông Tăng Hữu Phong - Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM - ghi nhận vai trò đồng hành tích cực của báo chí trong hoạt động của Đoàn ĐBQH, đặc biệt trong công tác tuyên truyền chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và phản ánh sinh động đời sống chính trị, kinh tế, xã hội tại TPHCM.

Ông đánh giá cao việc nhiều cơ quan báo chí đã phân công phóng viên chuyên trách theo dõi hoạt động Quốc hội, không chỉ cung cấp thông tin cho người dân mà còn là nguồn tư liệu quan trọng cho ĐBQH nắm bắt vấn đề từ cơ sở. Để đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền, ông đề xuất Đoàn ĐBQH nên chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin trước mỗi kỳ họp, đồng thời khuyến khích sự tương tác hai chiều giữa đại biểu và báo chí, xem đây là cách nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động dân cử.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM - khẳng định báo chí là kênh dẫn truyền quan trọng tiếng nói của cử tri, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của Đoàn trong việc giám sát, tiếp công dân, khảo sát thực tế và đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM. Ông đề nghị báo chí không chỉ phản ánh đúng, đủ mà còn phải phản ánh đa chiều, khách quan, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của Quốc hội và chính quyền thành phố.

“Chúng tôi mong muốn báo chí tiếp tục đồng hành, chia sẻ và cùng Đoàn ĐBQH lan tỏa tiếng nói thiết thực từ thực tiễn đời sống, góp phần hoàn thiện chính sách, phục vụ nhân dân” - ông nhấn mạnh.

Thanh Tâm

 
TIN MỚI