Đền Gôi Vị kêu cứu

12/04/2013 - 10:09

PNO - Di tích đền Gôi Vị (ở xóm Trung Mỹ, xã Sơn Hòa, huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) có niên đại hàng trăm năm. Tuy nhiên, do sự tác động của thiên tai, thời gian và thiếu nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo thường xuyên nên đã...

 Chơ vơ di tích

Có mặt tại đền Gôi Vị, chúng tôi thấy từ phía ngoài cổng chính ngôi đền được gác chắn tạm bợ bởi tấm phên kết bằng tre và những tấm gỗ mỏng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Trên 4 cột trụ cổng cao từ 3 - 6m (2 cột chính, 2 cột phụ), một cổng phụ cổ, dãy bờ tường rào bị sập hẳn nằm lăn lóc dưới mặt đất.

Den Goi Vi keu cuu

Tại nhiều vị trí cổng chính, cột bê tông và bờ tường rào của ngôi đền cổ Gôi Vị đã bị nghiêng hẳn ra phía ngoài đường chờ đổ sập bất cứ lúc nào.

Bên trong đền, 2 ngôi nhà tả, hữu cấp 4 và nhà chính diện bị hư hỏng, nhiều lớp ngói cổ bong tróc, nứt bể, trên đỉnh mái nhà bị trổ nóc đứng dưới là nhìn thấu trời, nhiều mảng bức tường của ngôi nhà mục nát, nứt toác ngang dọc, có điểm đã bị sập đổ. Một số thanh, xà bằng gỗ bị mối mọt đục khoét, đặc biệt do bị ngấm nước mưa dột từ nóc xuống trong thời gian dài khiến gỗ mục, gãy đổ, nhiều lớp tường trát xi măng, vôi vữa, bong tróc rơi rụng xuống nền nhà, trên sàn nhà chằng chịt lưới nhện, nhiều cột nhà cổ xiêu vẹo, ở phía sau nhà cỏ dại, khóm chuối mọc um tùm, thậm chí đến cả am thờ xây bằng gạch cũng bị cỏ che phủ… Những cảnh tượng này càng khiến ngôi đền Gôi Vị trở nên hiu quạnh, nhếch nhác và làm mất đi vẻ tôn nghiêm cổ kính của đền.

Theo tìm hiểu được biết, đền Gôi Vị thờ bà Phan Thị Viên (vợ thứ của ông Đinh Nho Hoàn) - bà là 1 trong 6 thánh mẫu được nhân dân tôn thờ ở Hà Tĩnh. Đền còn thờ tiến sĩ Đinh Nho Công (cha Đinh Nho Hoàn), Đinh Nho Hoàn và Hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (em Đinh Nho Hoàn). Ngày 10/8/2005, đền Gôi Vị được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định số 1592 QĐ/UB công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Sắp thành phế tích!

Hiện việc trông coi, bảo vệ ngôi đền Gôi Vị được giao cho gia đình bà Nguyễn Thị Phương cùng với người con trai là anh Nguyễn Khắc Vinh (42 tuổi) và dâu Lê Thị Nữ (40 tuổi) nhà ở liền bên cạnh đền. Chị Lê Thị Nữ cho biết, do thời gian qua phải đối mặt với bão, lũ thường xuyên khiến đền xuống cấp trầm trọng. Gia đình, dòng tộc và bà con ở đây cũng mong muốn đền trùng tu lại khang trang, vững chắc hơn, nhưng không biết tìm kinh phí ở đâu ra. Trước mắt tại những vị trí bị nứt, mục nguy cơ sập thì chúng tôi mới chằng chống tạm thời.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, cho biết để di tích đền Gôi Vị bị xuống cấp như vậy trước tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương vì chưa thực sự ý thức, quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn di tích ở địa bàn. Chưa kịp thời có kế hoạch đánh giá, báo cáo thực trạng của di tích lên cấp trên để tìm phương án khắc phục, sửa chữa.

Hà Tĩnh hiện có 322 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong lúc đó nguồn kinh phí chi cho việc trùng tu, sửa chữa hàng năm quá ít khiến gặp rất nhiều khó khăn. Vừa rồi HĐND tỉnh lại còn cắt đi một phần kinh phí này nữa…

Tại tỉnh Hà Tĩnh, chịu chung “số phận” xuống cấp nghiêm trọng tương tự đền Gôi Vị còn có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Trung, ở thôn Châu Trung, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Đình Trung có niên đại thời Nguyễn, nằm trong tổng thể hệ thống di tích như mộ Phan Đình Phùng, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú.

Đây là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Cột đền, xà, kèo nhà vẫn giữ được hoa văn chạm khắc tinh tế của nghệ thuật điêu khắc cổ, với 3 gian 2 chái, mái ngói âm dương… Trong chiến tranh, đình là cơ sở hoạt động cách mạng của cán bộ địa phương, nơi cất giấu vũ khí của quân đội phục vụ kháng chiến.

Hiện đình Trung xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều lúc đình còn bị biến thành nơi trú tạm của trâu, bò, phóng uế bừa bãi, bãi phơi rơm rạ…

Theo SGGP

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI