Đề xuất nhiều giải pháp quản lý, khai thác di sản

11/06/2013 - 22:28

PNO - PNO - Nhiều đề xuất và giải pháp hữu ích đã được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến Nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại ba đầu cầu Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM hôm 11/6.

Sau nhiều vụ xâm hại, xuống cấp di tích nghiêm trọng được phát hiện gần đây (như vụ chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, hòn đá ở đền Hùng), PGS-TS Lưu Trần Tiêu đề nghị cần nâng cao thẩm quyền của Cục Di sản văn hóa - cơ quan chuyên môn gần nhất quản lý hệ thống di tích trên địa bàn cả nước, bằng cách lập văn phòng đại diện của đơn vị này ở ba miền để có sự giám sát chặt chẽ hơn. “Nếu công tác thanh kiểm tra của nhiều ngành khác hầu hết là hậu kiểm, thì công việc này trong ngành di sản lại là tiền kiểm để phát hiện sớm các vụ việc xâm hại, xuống cấp, chứ không phải là đi giải quyết sau khi việc đã xảy ra”, PGS-TS Lưu Trần Tiêu nói.

De xuat nhieu giai phap quan ly, khai thac di san

Khai quật di chỉ Đàn Xã Tắc. Ảnh Hạnh Phương  (VTC.vn)

PGS-TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, không nên áp đặt mô hình quản lý chung cho cả hệ thống di tích trên toàn quốc, mà tùy tình hình từng địa phương mà có cách làm phù hợp: “Bộ VH-TT-DL nên nghiên cứu xây dựng giải pháp theo hướng đa dạng hình thức quản lý, lấy hiệu quả làm trọng”. Ông nhấn mạnh: “Trả lại cho người dân ý thức tôn giáo tín ngưỡng thì mới có ứng xử với lễ hội một cách có văn hóa. Nên huy động người dân tham gia công tác quản lý, đầu tư, phát huy giá trị di tích vì thực tế cho thấy, khi nhân dân cùng góp sức, hiệu quả khai thác giá trị di sản tăng lên rỏ rệt”.

Đại diện một số tỉnh thành cũng kiến nghị những cách làm phù hợp trong công tác quản lý di tích giai đoạn hiện nay. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị có mô hình hoạt động khá đặc biệt trong ngành, khi vừa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng trong nước, vừa nằm trong tầm giám sát của tổ chức quốc tế về di sản, đề xuất “trở thành cơ quan quản lý di sản đa năng, từ bảo tồn, trùng tu đến khai thác, phát huy giá trị di tích”.

Cần nói thêm, di tích cố đô Huế đã đóng góp không ít cho ngân sách, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương, khi chỉ tính riêng tiền bán vé tại đây đã lên đến 100 tỷ đồng/năm. Tỉnh An Giang với di tích Bà Chúa Xứ nổi tiếng, hằng năm thu hút đông đảo khách thập phương, cũng đưa ra một số đề xuất như: cần điều chỉnh, bổ sung luật theo hướng cụ thể hơn nữa để có những mức phạt, chế tài đối với các hành vi như “chặt chém” du khách, chèo kéo bán đồ lễ, hàng rong..., thành lập cảnh sát du lịch có thẩm quyền chuyên biệt thay vì phải liên kết nhiều ngành như hiện nay...

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết công tác quản lý di tích hiện còn nhiều bất cập, bộ máy quản lý chưa được củng cố, kiện toàn đúng nhiệm vụ, vấn đề bảo tồn di tích với xây dựng công trình mới vẫn là câu chuyện hết sức phức tạp, nhạy cảm, gây lúng túng. Trong khi người dân vẫn còn kém ý thức trong việc tham gia các lễ hội, xâm phạm di tích, thì nhà quản lý cũng phải thừa nhận công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực này của mình chưa được làm thường xuyên, triệt để.

V.T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI