Đề nghị công khai Quỹ vắc xin và báo cáo lượng vắc xin được hỗ trợ

20/10/2021 - 15:57

PNO - Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ công khai việc sử dụng Quỹ vắc xin, báo cáo cụ thể về số vắc xin được hỗ trợ.

 

Chủ nhiệm
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho phòng chống dịch

Cấp 30.850 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19

Chiều 20/10, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2022-2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay, về chi NSNN cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cho rằng, việc sử dụng nguồn NSNN chi cho phòng chống dịch cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.

Trong đó, việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vắc xin, cần báo cáo cụ thể về số vắc xin được hỗ trợ, viện trợ; dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài. Công khai việc sử dụng Quỹ vắc xin, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện. 

Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Ủy ban TCNS đề nghị làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.

Liên quan tới chi ngân sách cho thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, báo cáo chỉ ra, đến thời điểm hiện nay, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành một số chính sách để tạo nguồn lực ứng phó kịp thời với đại dịch. Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ đã thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại của năm 2020 cho công tác mua vắc xin năm 2021.  

Cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm

Một trong những điểm đáng lưu ý, báo cáo thẩm tra nêu, với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý 3 giảm mạnh. Vì vậy, Ủy ban TCNS cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Do đó cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội. Đề nghị nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động…

Liên quan tới cải cách tiền lương, báo cáo cũng đề nghị cần ưu tiên bố trí đủ nguồn để thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995, điều chỉnh chuẩn nghèo và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, Ủy ban TCNS nhận thấy, việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 là khó khả thi. Theo đó, nhất trí với phương án Chính phủ trình. Để có điều kiện cho việc triển khai trong những năm tiếp theo, đề nghị Chính phủ tính toán, chú trọng hơn nữa việc cân đối nguồn lực để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 27, góp phần bảo đảm đời sống người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Minh Quang

 
TIN MỚI