Đề huề quà tết cho gia đình nội ngoại hai bên

18/01/2023 - 21:23

PNO - Hãy cố gắng không làm tổn thương cảm xúc của cha mẹ hai bên vì như vậy chúng ta cũng sẽ tự động làm thương tổn người bạn đời của mình.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Chúng em cưới nhau đã hơn 9 năm. Tết năm nào em cũng lo mọi thứ cho nhà nội chu đáo. Thông thường cứ từ 23 tết trở đi là em cùng chồng chuẩn bị đồ ăn thức uống các kiểu, quà bánh, hoa trái và gửi ông bà tiền để nếu cần thì sắm sửa thêm.

Năm nay cũng không ngoại lệ, nhưng có hơi khác là vì phía nhà em có nhiều Việt kiều về chơi. Ông bà ngoại muốn mọi thứ tươm tất hơn. Thế là chúng em phải về bên ấy thường xuyên. Mọi thứ mua sắm cũng có vẻ nhiều hơn. Mai, cúc, vạn thọ đã bầy rợp hàng hiên. Bàn thờ gia tiên cũng đầy bánh mứt, bia rượu…

Thế nhưng đâu có phải cứ hoành tráng là do bọn em chi ra đâu ạ? Đa số các thứ xúng xính cho tết này ở nhà ngoại là tiền của các cậu, dì từ bên Úc bỏ ra, để anh chị em, các cháu, các con có cái tết thật vui, sung túc. Sau hơn hai năm vướng dịch COVID-19, ai cũng trong tâm trạng “xả láng” như thế.

Nhưng mẹ chồng em thì hoàn toàn không hiểu. Kể từ hôm đưa ông Táo về trời, mỗi lần vợ chồng em từ nhà ngoại về là y như rằng bà tỏ ra khó chịu. “Ở bển mới về đó hả, sao không ở bển luôn đi?”, nghe mà buồn quá chừng.

Em và ảnh cũng đã gây gổ mấy lần vì mẹ chồng cứ chê trách chúng em không có hiếu với nhà chồng. Năm nay bà dỗi, bảo rằng chẳng thèm đón ông bà về ăn tết, không Tết nhất gì hết.

Mấy lần em định ôm 2 đứa nhỏ về ngoại “lánh nạn” đến ra Giêng luôn, nhưng không đành, vì thấy tự dưng tết mà vợ chồng lại chia tách hai nơi vì những chuyện không đâu.

Em phải làm sao đây? Thú thật, làm dâu trong gần chục năm qua, mẹ chồng em lúc nào cũng xem em như con người ta, buồn lắm, và giờ thì lại càng buồn hơn chị Hạnh Dung ạ.

Văn Thị Trúc (Bình Dương)

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Bạn Trúc thân mến,

Tâm lý người lớn tuổi rất dễ tủi thân như trong hoàn cảnh của mẹ chồng bạn. Chuyện mua sắm Tết cho gia đình nội ngoại hai bên luôn là câu chuyện rất tế nhị, đòi hỏi các đôi vợ chồng cần hết sức cẩn trọng.

Có lẽ trường hợp của nhà bạn năm nay quá đặc biệt. Có khi khung cảnh sum họp, tiếng nói cười rộn ràng, tấp nập khách khứa ở bên ngoại mới làm bên nội chạnh lòng hơn là vấn đề vật chất bạn ạ.

Cách cân bằng hay nhất là chúng ta nên tạo ra cơ hội tham gia, chung vui. Cụ thể, vợ chồng bạn có thể theo chiều hướng nhờ các cụ giúp đỡ ngay chính trong những công việc, hoạt động chuẩn bị tết của cả hai bên. Bên này giúp bên kia nồi thịt kho tàu truyền thống, bên kia phụ bên này chuẩn bị những buổi chiêu đãi mừng xuân…

Tuy nhiên, đó mới chỉ là chuyện trước mắt. Đọc câu cuối trong thư bạn, Hạnh Dung thấy một vấn đề đáng quan tâm hơn và những mong mọi thứ sẽ thay đổi sau tết Quý Mão này.

Không ai hoàn hảo. Nhất là với những người đang làm dâu, điều này càng được khẳng định nơi cha mẹ chồng. Nhưng không thể phủ nhận rằng cha mẹ chồng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hôn nhân của bạn. Việc tạo ra môi trường hòa thuận với mẹ chồng thực sự sẽ không quá khó khăn nếu các nỗ lực đến từ cả hai, nghĩa là không chỉ từ bạn thôi, mà còn phải từ chồng nữa.

Đúng như vậy, điều kiện tiên quyết là bạn và chồng phải là “một đội”. Nhiều phụ nữ rất sai lầm khi cứ ép chồng phải lựa chọn giữa mình hoặc mẹ anh ấy. Tại sao không thấu hiểu mối ràng buộc giữa người bạn đời của bạn với mẹ chồng?

Nếu cảm thấy không được mẹ chồng tôn trọng, bạn đừng bao giờ “khắc cốt ghi tâm” những lời nói có vẻ cay nghiệt của bà. Mặc dù lấy “lửa chữa cháy” nghe có vẻ rất kịch tính, nhưng đừng làm vậy, vì điều đó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Điều tốt nhất nên làm để chống lại sự tiêu cực mà mẹ chồng thường áp đặt lên bạn, là hãy tăng cường trò chuyện với chồng mình. Ví dụ như chuyện bà đang càm ràm về cái tết này nhà ngoại hơn nhà nội. Hãy cùng anh ấy nhận thức rõ những gì đang xảy ra. Bởi kinh nghiệm cho thấy, hầu hết các xung đột, mâu thuẫn là do chồng không biết đầy đủ những gì đã thực sự xảy ra, khi chỉ có bạn với mẹ anh ấy.

Đừng chỉ trích mẹ chồng gay gắt trước mặt anh ấy, mà hãy làm cho anh hiểu rằng mình phải có trách nhiệm bảo vệ, bên cạnh bạn, và chỉ cần nói về những điều đã làm bạn tổn thương.

Cũng như ngay trong lời khuyên đầu tiên, Hạnh Dung đã đề cập, “tâm lý người lớn tuổi rất dễ tủi thân như trong hoàn cảnh của mẹ chồng bạn”. Hãy cố nhìn mọi thứ từ góc độ của mẹ chồng. Ở đây, đòi hỏi một mức độ trưởng thành nhất định để chấp nhận sự thật rằng mẹ chồng sẽ ít bao giờ cảm thông hay chia sẻ 100% mọi cách cư xử hay quan điểm sống của bạn.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Cuối cùng, khi mọi thứ với mẹ chồng trở nên quá căng thẳng và chồng dường như cũng không làm tốt công việc trung gian của anh ấy nữa, lựa chọn duy nhất của bạn là nói ra suy nghĩ của mình trước mặt mẹ trong sự lễ độ. Ở đây, sự quyết đoán là yếu tố then chốt để bạn có thể thuyết phục mẹ chồng nhìn nhận quan điểm, hoặc ít nhất là một phần quan điểm của bạn.

Hãy cố gắng không làm tổn thương cảm xúc của mẹ chồng, vì như vậy chúng ta cũng sẽ tự động làm tổn thương cảm xúc của người bạn đời. Chúc bạn và gia đình đón mùa xuân thật tươi vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI