Để giáo viên không “bơ vơ” trên hành trình đổi mới

27/11/2021 - 07:40

PNO - Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) hiện nay có vai trò quan trọng giúp “tiếp lửa”, tạo điều kiện thúc đẩy đội ngũ, giúp hành trình đổi mới của mỗi giáo viên không bơ vơ.

Vững vàng đổi mới khi được thấu hiểu

Năm học 2021-2022, dù triển khai dạy và học chương trình GDPT 2018, SGK mới ở bậc lớp 1 bằng hình thức trực tuyến song cô Lê Thị Huyền Trân (giáo viên lớp 1T1, Trường TH Trần Hưng Đạo) không gặp quá nhiều khó khăn bởi đã có sự chuẩn bị kỹ càng về cả tinh thần và chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô cho biết, trước khi bước vào năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn trực tuyến cho giáo viên về CNTT, cách thức tổ chức dạy học trực tuyến, chuyển đổi giáo án trực tiếp sang trực tuyến...

Giáo viên vững vàng đổi mới hơn khi được hiệu trưởng thấu hiểu, đồng hành
Giáo viên vững vàng đổi mới hơn khi được hiệu trưởng thấu hiểu, đồng hành

Từ chính những buổi tập huấn này, cô Trân cho hay đã trang bị cho giáo viên không chỉ về kiến thức chuyên môn mà quan trọng hơn cả là giúp giáo viên có sự thay đổi về tư tưởng, tâm lý, nhận thức để thầy cô sẵn sàng, không hụt hẫng, chới với khi TP triển khai dạy và học trực tuyến.

“Lúc đầu tôi rất lo việc dạy và học trực tuyến cho học sinh lớp Một nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ, thấu hiểu từ phía hiệu trưởng nhà trường, mỗi ngày tôi có thêm sự khích lệ và vững vàng hơn. Chính hiệu trưởng nhà trường là người gợi mở cho giáo viên lớp Một tổ chức những buổi họp riêng đầu năm với phụ huynh. Qua đó hướng dẫn phụ huynh cách thức học trực tuyến cùng con, hiểu về cách dạy của giáo viên..., nhờ vậy mà quá trình giảng dạy, đổi mới của giáo viên nhận được sự đồng hành của phụ huynh”, cô Huyền Trân chia sẻ.

Nhìn lại hành trình thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018 và “vượt khó” trong năm học đặc biệt, cô Ngô Nguyễn Thuỳ Anh (Giáo viên Trường TH Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) nhận định, sự sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị chỉ là hỗ trợ. “Chất xúc tác” thực sự làm nên thành công khi triển khai chương trình phải kể đến sự sẵn sàng của mỗi giáo viên, trong đó quan trọng là sự động viên, tiếp lửa của hiệu trưởng nhà trường, dẫn dắt, gỡ khó cho giáo viên trước các nút thắt khi đổi mới. 

“Thực ra, cơ sở vật chất, trang biết bị chỉ là bề nổi trong đổi mới giáo dục, là phương tiện giúp quá trình đổi mới của giáo viên được thuận lợi. Tuy nhiên, để giáo viên thăng hoa trong đổi mới thì vai trò của người cán bộ quản lý, hiệu trưởng lại cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định thành bại của đổi mới, nhất là khi trong năm học này, khi việc dạy và học được triển khai theo hình thức trực tuyến ngay từ đầu năm”, cô Thuỳ Anh nói.

Để giáo viên không “bơ vơ”

Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1) nhìn nhận, để mỗi giáo viên không đơn độc trong hành trình đổi mới thì cần có sự đồng hành, chia lửa, dám nghĩ dám làm của người hiệu trưởng.

Giáo viên này cho rằng, câu chuyện đổi mới không phải là câu chuyện một sớm một chiều, mà là cả một hành trình chuyển đổi từ nhận thức, sự thấu hiểu cho đến hành động. Để mỗi giáo viên chuyển mình từ những thứ quen thuộc, rập khuôn sang bắt tay vào làm những cái mới, những cái lần đầu tiên tiếp xúc thì vai trò “hậu thuẫn” của người thuyền trưởng hiệu trưởng là cực kỳ quan trọng, tạo môi trường để giáo viên mạnh dạn làm những cái mới. 

Tính nêu gương của hiệu trưởng được xem là cú hích tiếp sức giáo viên đổi mới
Tính nêu gương của hiệu trưởng được xem là "cú hích" tiếp sức giáo viên đổi mới

Đặc biệt, theo thầy Bảo, việc hậu thuẫn của người thuyền trưởng còn thể hiện ở sự linh hoạt chuyển đổi môi trường để giáo viên không ngừng được bồi dưỡng, tiếp sức. “Trong dịch COVID-19, nhà trường mời các chuyên gia, tìm các khoá học hay gửi trong group để giáo viên nắm, gợi ý cho giáo viên đi học. Hàng tháng mỗi tổ bộ môn sẽ đề xuất một giáo viên tiêu biểu để nhà trường khen thưởng... Việc này làm giáo viên cảm thấy được ghi nhận, càng nỗ lực, từ đó tạo làn sóng thi đua đổi mới trong toàn trường”, thầy Bảo bày tỏ. 

NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM) đề cao tính nêu gương của người hiệu trưởng- thuyền trưởng mỗi đơn vị trong việc đồng hành, tiếp sức cùng đội ngũ khi đổi mới. Ông cho rằng, khi người hiệu trưởng nêu gương, cùng làm, cùng đổi mới với giáo viên mới nhận ra những cái khó của giáo viên để tìm cách gỡ khó, có những chỉ đạo phù hợp, thậm chí là “thấu tình đạt lý”.

Tính nêu gương còn thể hiện ở việc mạnh dạn, ham học hỏi, chủ động đổi mới, mày mò sáng tạo. Chính điều này sẽ trở thành động lực để đội ngũ giáo viên nhìn vào học hỏi, kéo cả toa tàu đổi mới của nhà trường đi theo.

Én Bông

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc