PNO - Sài Gòn giữa những bâng khuâng trước thềm xuân mới, lòng người dễ thấy một sự đối lập đang tồn tại. Một bên, nơi các con đường lớn, bước đi của thời gian như gấp gáp, vội vã hơn; còn trong từng con ngõ hun hút sâu, mùa xuân cũng đã về dù hãy còn từ tốn.
Thăm lại xóm trọ của anh Khôi tại P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM, thấy nhịp sống tươi vui đã bắt đầu quay trở lại. Ngoài khoảng sân be bé, lũ trẻ con túm tụm chơi nhảy dây. Bên cạnh chúng, một số người lớn mang ghế ra ngồi hóng mát, chuyện trò.
Vài triệu đồng “chở” nặng tình thương
Khu trọ của anh Nguyễn Quang Khôi và vợ - chị Bùi Thị Thanh Mai - nằm rải rác ở nhiều ngõ ngách, dù không cách quá xa. Mặc vội chiếc áo khoác, chị Mai đưa tôi qua thăm từng dãy trọ. Chị nắm khá chi tiết thông tin của mỗi hộ sống tại đây dù vợ chồng chị có tận 92 phòng cho thuê với hơn 300 nhân khẩu. Là bà chủ, nhưng cách chị Mai xuất hiện tại mỗi khu trọ đều không hề có chút nào xa cách. Chị chuyện trò nhỏ nhẹ, thân tình với bà con như thể họ đều là người nhà.
Đợt dịch vừa qua, gia đình anh Khôi chị Mai là một trong những hộ tiêu biểu của P.Tân Tạo, Q.Bình Tân đã miễn phí tiền nhà trọ từ hai đến ba tháng cho bà con khó khăn. Tính ra, số tiền ấy cộng thêm các chi phí, tiền mua lương thực ủng hộ bà con khoảng gần nửa tỷ đồng. Anh chị nghĩ đơn giản: giúp người quan trọng hơn chuyện thiệt hơn của mình nên nghĩ là làm ngay, không đợi đến khi phường hay quận phát động phong trào.
![]() |
Vợ chồng ông Thân Chí Cường - người thuê trọ lâu năm của nhà anh Khôi dọn dẹp hàng quán |
Có lẽ vì sớm hiểu và chia sẻ thiết thực với bà con như thế nên sau đợt cao điểm dịch tại TP.HCM, cả khu trọ của vợ chồng anh Khôi, chỉ có một gia đình chọn trở về quê nhà vì nỗi đau mất người thân quá lớn. Anh Khôi kể, ngày anh ghi bảng thông báo miễn tiền trọ cho tất cả, bà con hay tin ai cũng mừng, vỗ tay hoan hô. Anh nói, thấy mọi người phấn khởi như vậy, anh cũng vui lây, thấy “khoai khoái” trong người.
Bà con trong khu trọ nói tính anh Khôi, chị Mai sống thiệt, có tính toán sao cũng rõ ràng. Chị nói tiền điện tiền nước thì cho bà con ghi nợ rồi trả dần, bởi nếu phải “gánh” thêm hai khoản này thì quá nặng cho anh chị, cho nên mọi người đừng tung hô vì “vợ chồng tôi hổng tốt thiệt tốt đâu”. Hơn nữa, chị Mai nghĩ chuyện hỗ trợ đúng mục đích, đúng thời điểm thì bà con còn quý và cố gắng vươn lên làm việc để trả nợ, không có tâm lý ỷ lại hay phung phí. Nhưng rốt cuộc, số tiền điện, nước ghi nợ, chị Mai cũng chưa đòi, chưa nhắc ai.
“Cho thuê trọ 20 năm qua, đời sống của bà con thế nào, vợ chồng tôi biết khá rõ. Cho nên, khi thấy mọi người khó khăn, nghĩ cảnh đi gõ cửa từng nhà để hỏi tiền phòng, tôi thấy sao khó coi quá. Bà con không đi làm, ăn uống phải chạy lo từng bữa thì lấy đâu ra tiền để đóng trọ” - chị Mai tâm sự.
![]() |
Vợ chồng anh Khôi - chị Mai |
Chuyện trò chưa được bao lâu, anh Khôi tạm biệt để đi làm việc. Từ hơn 30 năm qua, anh được phân về phụ trách khu phố, luôn tất bật với công tác tuyển quân nhập ngũ, hỗ trợ trật tự, lập danh sách người dân khó khăn… Mùa dịch vừa qua, anh mướt mồ hôi lo việc của phường. Anh bảo, cái tính hay lo chuyện người khác như đã ăn vào máu, không phải việc của mình nhưng lại luôn tay, luôn chân. Ấy vậy, anh Khôi bảo mình lo làm nhưng cũng chịu chơi, không để vợ thiệt thòi hay buồn. Đơn cử là lúc nào chị muốn đi du lịch, anh có thể xin nghỉ nhiều ngày liền, đi liền nhiều nơi để vợ chồng được khuây khỏa đầu óc.
Thương thì làm để… không còn kịp nữa!
Rời Sài Gòn hay ở lại thành phố này, lý do chủ yếu hầu như quẩn quanh chữ tiền. Người ta dắt díu nhau đến Sài Gòn tìm kế sinh nhai; nhưng rồi dịch tới, đời sống bấp bênh - thiếu cái ăn nhưng “thừa” những khoản nợ, họ buộc phải rời đi vì không cầm cự nổi. “Mình sống đủ nhưng xung quanh mọi người khó khăn quá thì lòng làm sao dễ chịu?” - chị Mai nói.
Trong đợt dịch vừa qua, chị Mai đã mất mẹ vì bà không chống chọi nổi với COVID-19. Từ sự ra đi đột ngột của mẹ, chị Mai nghiệm ra một điều giản dị: tiền bạc có thể cho con người cuộc sống sung túc nhưng không thể mua được sức khỏe, thời gian, sự chân tình, niềm vui sống… “Đời này, không có gì bù đắp được nỗi đau mất mẹ. Ngày hay tin mẹ qua đời, tôi thấy mình không còn gì cả, chạy ùa về nhà mẹ mà lòng đau không tả được. Tiền cần thật nhưng đôi khi không mua được sự an toàn của người thân” - chị Mai nói.
Rời nhà anh Khôi, tôi chở chị Mai rảo quanh các dãy trọ, ghé thăm vài nhà để hỏi han bà con. Đến hộ anh Nguyễn Văn Cội - gia đình có người mất vì COVID-19, trong góc phòng nhỏ, bé Nguyễn Thị Như (tám tuổi, con gái anh) đang thắp nhang lên bàn thờ mẹ. Chiều muộn nhưng anh Cội vẫn chưa đi làm về. Bà Lê Thị Lượm, mẹ anh (84 tuổi), cùng em gái ruột lồm cồm ngồi dậy khi thấy có người ghé đến. “Cả nhà đều mắc COVID-19, cùng phải đi cách ly nhưng rồi ai cũng được về, còn vợ thằng Cội thì ở mãi trong viện rồi đi luôn.
Ngày mất vợ, thằng Cội khóc nhiều lắm, do không được nhìn mặt vợ lần cuối. Con bé con thì đêm nào cũng ôm tui rồi khóc vì nhớ má. Bà chị tui bị thiếu máu não, đứng lên dễ té, cũng lẫn rồi nên không nhớ được gì. Thằng Cội đợt vợ bệnh, nó mượn bên chủ thầu mấy triệu đồng để lo cho vợ, giờ lo đi làm trả” - em ruột bà Lượm kể. Đối với hộ anh Cội, chị Mai giảm thêm tiền trọ cho đến khi cuộc sống anh ổn định hơn.
Xe chúng tôi rẽ sang con hẻm khác. Ông Thân Chí Cường (64 tuổi), một trong những người thuê lâu năm của chị Mai mời bằng được chị ngồi lại nhà để cảm ơn vì đã giảm hai tháng tiền trọ trong mùa dịch. Ông Cường và vợ, bà Huỳnh Thị Tuyết Trinh (59 tuổi), thuê trọ ở khu mặt tiền để mở thêm một tiệm tạp hóa nhỏ nên tiền thuê cũng cao hơn. Họ đã ở trọ khu này ngót nghét 20 năm, từ khi dãy nhà vừa được xây, còn thơm mùi vôi mới. Ông Cường bảo từ ngày dắt vợ và các con dưới Cần Thơ lên Sài Gòn, cho đến khi các cô con gái của ông có chồng, sinh con rồi giờ cháu lớn vào đại học, vợ chồng ông vẫn chỉ ở một nơi này và xem anh Khôi, chị Mai như người thân trong nhà. “Đợt dịch này, nhiều lao động tứ xứ về quê nhưng dãy trọ này không còn phòng trống. Người ta ở lại vì thấy yên, thấy được quan tâm. Cái tình nó nặng hơn con số nhiều lắm” - ông Cường nói.
Trời nhá nhem tối, chị Mai cầm trên tay chai nước suối ông Cường mời mà nấn ná chưa mở, sợ mở ra thì ông mất chai nước để bán cho khách. Anh Khôi sau vòng dạo quanh lo công tác tuyển quân đi ngang cũng ghé lại nhà ông Cường vì thấy vợ. Họ chuyện trò rổn rảng từ chuyện đứa cháu của ông Cường đậu vào Trường đại học Kinh tế TP.HCM, đến chuyện bà con nay “hổng thèm” cà pháo được tặng hay sao mà ít chịu lấy về ăn… Tiếng cười nói giữa người chủ trọ và vị khách thuê, giữa cặp vợ chồng gốc Sài Gòn đôn hậu và lưu dân Cần Thơ cứ “va” vào nhau, xua tan cái ảm đạm cuối ngày…
Diễm Mi
Ảnh: Tam Nguyên
Chia sẻ bài viết: |
Phó hiệu trưởng M. khẳng định, chưa bao giờ được xem clip. Vị này cho rằng, có ai ác ý, ghép hình ảnh của ông, rồi tung lên mạng xã hội.
Không còn khả năng trả nợ, Nam thuê 6 xe ôtô trị giá trên 3 tỷ rồi thuê người làm giả giấy tờ xe để mang đi cầm hơn 1,7 tỷ đồng.
Theo Dự án luật sửa đổi, phát tán hình ảnh, thông tin riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được đồng ý là hành vi bạo lực.
Vụ nổ trong cơ sở sấy lúa bất ngờ khiến cho một người đàn ông làm thuê chết ngay tại chỗ, rất may có 6 người khác không bị thương...
Ngày 27/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối ông Phạm Tấn Ngoạn.
UBND TP. Đà Nẵng vừa quyết định xử phạt công ty Phú Gia Thịnh 1 tỷ đồng về hành vi huy động vốn tại dự án Khu dân cư Thanh Hoàng.
Trưa 27/5, Công an tỉnh Long An đã khởi tố và bắt tạm giam thêm một đối tượng liên quan đến vụ tịnh thất Bồng Lai.
Cơ quan chức năng đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Giám đốc CDC Đắk Lắk và các đồng phạm.
Sau khi nghe mẹ không được tiếp tục làm do mâu thuẫn với người làm khác, Tân tẩm xăng đốt chủ nhà máy xay xát.
Vợ bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng nhưng Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long không khai trong lý lịch.
Sau tiếng động lớn, một hố sụt lún có đường kính 10m, sâu 6m xuất hiện "dọa" nuốt trọn ngôi nhà khiến cả gia đình phải bật dậy tháo chạy.
Cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh đoạn clip phản cảm đăng trên mạng xã hội, nghi có liên quan đến phó hiệu trưởng một trường tiểu học.
Phó thủ tướng yêu cầu có giải pháp để tăng tỷ lệ phương tiện ô tô dán thẻ ETC, phấn đấu đến tháng 9/ 2022 đạt 80% đến 90%.
Xảy ra mâu thuẫn giành đường khi đang lưu thông và bị tài xế đánh, Trọng đã bực tức nên gọi thêm anh ruột đến chặn đầu xe tải, đập bể kính.
TPHCM đã lắp đặt hơn 23.000 camera để giám sát an ninh, giao thông và môi trường đô thị, nhưng xem ra chưa thể ngăn chặn được nạn xả rác bừa bãi.
Ngày 26/5, Trung tâm Báo chí TPHCM đã phát cảnh báo về thông tin giả mạo “sự kiện tri ân và tôn vinh các nhà báo” nhằm kêu gọi tài trợ.
Còn khá nhiều bất hợp lý trong chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế, nhưng dường như mọi chuyện chỉ được xới lên rồi lại quên đi.
Chiều 26/5, cả gia đình 4 người được phát hiện tử vong tại căn hộ một chung cư cao cấp ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.