Đất không lạnh từ hôm qua…

18/02/2021 - 07:32

PNO - Nhà có mảnh vườn nhỏ, với đủ loại cau, chanh, ổi, chuối cùng một ít rau trồng trong hộp, không ít người hỏi: “Nhập cư Sài Gòn rồi, sao lắm đất dữ vậy?”. Thì có nhiều nhặn gì đâu. Ngoài đất ở, còn thêm khoảng chục thước, vượt đất bùn từ ụ tàu lên trồng cây ăn trái ngay bên sông Sài Gòn.

 

Trong một khu vườn ven sông

Chắc “có lộc giời”, đều đặn cứ ba tháng rưỡi, trên mảnh vườn nhỏ, lại cho ra một buồng chuối tiêu cỡ tám tới chín nải chín cây, quả to đều, bụ bẫm, sáng rỡ màu nắng. Mỗi lần hạ buồng, tôi đều chia cho bạn bè mỗi người một nải bự, nặng từ ba đến bốn ký, ăn lấy thảo. Nhiều người cứ mắt tròn, mắt dẹt vì không nghĩ ở cái xứ ồn ào này lại được ăn chuối vườn đúng điệu. Rồi gốc chanh hoàng niên, cất công mang từ dải phù sa sông Lam vào trồng, cho trái quanh năm, vỏ mỏng và mọng nước. Mỗi lần làm các món ăn liên quan đến gà, lá chanh thái chỉ rắc đều, thơm và không đắng như các giống chanh khác.

Mảnh vườn nhỏ nhưng cây cối tốt tươi, gọi chim chóc về làm tổ. Trên cao, chỗ cây cau lùn trổ nhiều buồng hoa hương ngan ngát, đám chim sẻ đã tìm được ngôi nhà của mình. Nơi những tàu cau nhỏ, đám chim non mở mắt đòi ăn kêu chiếp chiếp. Cũng không biết có bao lứa chim non đủ lông đủ cánh đã bay đi từ cái tàu cau ngả màu đó; nhưng có một lần, tàu cau rụng sớm, kéo theo cả một tổ chim sẻ với hai quả trứng tim tím chấm bi rớt xuống đất. Kỳ diệu thay, trứng vẫn nguyên lành trong chiếc tổ xinh xắn. Chim mẹ hớt hải, dáo dác lượn vòng quanh. Thương quá, tôi bèn mang cái tổ cẩn thận đem cài vào chỗ cành me ngang thân người. 

Rồi có lần, chẳng hiểu sao một con chim cu đất cổ cườm bị con mèo đực vồ được. Gã “thợ săn” kẹp chặt chú chim béo mẫm, vặt trụi lông đầu, nhưng hãy còn chưa “xé” thịt. Phát hiện ra, tôi vội vàng giải thoát cho chú chim tội nghiệp. Phải mười lăm phút sau, chim cu đất mới hoàn hồn và lập cập vút đi. Ba tháng sau, nó về đậu trên bờ tường sau nhà, nơi tôi cứu sống nó, cùng với một chú chim nhỏ. Nghe tiếng gù rộn rã, tôi chạy ra ngó, nhận ra vòng cườm thật đẹp trên cổ. Hóa ra đó là con chim mẹ, dẫn chim non về báo tin vui như để hàm ơn cứu mạng. Tôi vui suốt một ngày.

Trong mảnh vườn con con đủ âm thanh và sắc màu đó, tôi vẫn thường kê bàn ngồi cùng bạn bè nhâm nhi ly rượu quê. Hứng lên thì khều giun dưới gốc chanh móc câu thả xuống ụ tàu giật vài con cá lóc cỡ bắp tay đem quấn lá chuối rồi nướng than nhậu chơi. Cà kê nói chuyện vùng đất mình đang cư ngụ. 

Được hình thành từ hơn 300 năm trước, cùng với những biến thiên của lịch sử, địa giới hành chính cũng nhiều lần đổi thay. Trước năm 1975, huyện Thủ Đức có 15 xã. Đến năm 1997, huyện được tách thành ba quận mới, gồm quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Hơn 20 năm chia tách, mỗi đơn vị hành chính đều có sự phát triển riêng. Tới khi TPHCM đề xuất ý tưởng lập thành phố phía Đông, lúc đầu, không ít người tỏ vẻ lạ lẫm. Ngày bỏ phiếu lập thành phố Thủ Đức, dẫu có rất nhiều tờ bướm truyền thông được in khá đẹp, song không phải ai cũng nhận thức được; thậm chí có người chép miệng, rằng “trở lại huyện Thủ Đức chứ mới mẻ gì đâu”… 

Nhưng đây đâu phải là một sáp nhập cơ học, theo kiểu tách ra rồi nhập vào một cách tùy tiện? Có lẽ, chính quyền TPHCM và người dân Thủ Đức, trong đó có tôi - một dân nhập cư trú ngụ nơi này, thì thành phố Thủ Đức phải là một điều gì hơn nữa.

Cô bạn nhà văn ở quận 9 bảo cô ủng hộ thành phố Thủ Đức hai tay. Ông bạn họa sĩ ở phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) thì nói, nguồn cảm hứng về thành phố mới sẽ giúp anh có thêm một phòng tranh mới. Bữa ghé thăm cô em họ làm thủ thư tại một trường học, nhà ở gần đình Phong Phú (quận 9), cô bảo: “Bây giờ thì em hiểu rồi, thành phố này sẽ khác xa và vượt tầm của huyện Thủ Đức hơn 20 năm trước, anh nhỉ?”. Tôi gật. Còn đứa cháu kiến trúc sư, chỉ mong sao người ta không dựng bê tông chắn dọc bờ sông… Tất cả chúng tôi, ngày 1/3/2021, đều là những công dân của thành phố mới.

Những “thức quà” trong khu vườn nhà bên sông Sài Gòn - ảnh: N.M.N.
Những “thức quà” trong khu vườn nhà bên sông Sài Gòn - Ảnh: N.M.N.

Quay về uống trà cùng mấy ông bạn già ngay cạnh chân cầu Bình Triệu 1, ai nấy sôi nổi tranh luận về cái được, cái hơn của thành phố mới. Một ông đại tá trầm ngâm, chỉ mong chính quyền quan tâm giải quyết rốt ráo, công khai, minh bạch những tồn đọng về đất đai cho dân nhờ. Rà soát lại tất cả quy hoạch treo để dân được xây cất nhà cửa, ai đời bị vướng vào “công viên cây xanh” đã 16, 17 năm nay vẫn “án binh bất động”, cực lắm; nhà cửa lún sụt mà đâu dám cục cựa gì… Nỗi niềm cũ, vô hình trung, lại trở thành một câu chuyện hết sức nghiêm túc và đầy hy vọng khi nhắc đến thành phố mới trong nay mai.

Lễ giỗ trên chiếc cầu lịch sử

Nơi cửa ngõ phía Đông thành phố, cạnh cây cầu Rạch Chiếc mới nối xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái thông qua khu Công nghệ cao, cây cầu Rạch Chiếc cũ hoen rỉ vẫn còn đó. Hiện diện. Phong sương. Bời bời năm tháng. Cách đó không xa, những công trường xây dựng lổm nhổm, những tòa cao ốc mới mọc lên ở một bên sông, che khuất tầm nhìn, dễ khiến người ta quên đi cây cầu cũ được xây bằng xương máu một thời. 

45 năm trước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động đã chiến đấu quyết liệt để chiếm giữ và bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc, mở đường đón quân Giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong trận chiến cuối cùng ấy, 52 chiến sĩ đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại lòng sông này. Do điều kiện lịch sử đặc biệt lúc đó, họ đều là những liệt sĩ vô danh.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, cầu Rạch Chiếc từng là “chứng nhân” của một thời - ảnh: tư liệu
Nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố, cầu Rạch Chiếc từng là “chứng nhân” của một thời - Ảnh tư liệu

Hòa bình lập lại, có những cựu binh đã chọn mảnh đất chinh chiến cũ làm nơi cư ngụ. Có những người ở xa, vẫn quay về tìm hài cốt và danh tính cho đồng đội. Nép dưới chân cầu Rạch Chiếc, tấm bia màu huyết dụ khắc mấy chữ “Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại cầu Rạch Chiếc” quay ra bến vượt, bên trái và phải đều là thành phố Thủ Đức nay mai. Ngày 27/4 hằng năm, ngày giỗ các liệt sĩ ngã xuống trong trận Rạch Chiếc, dù có đi đâu, làm gì, những người lính vẫn nhớ về thăm nhau, thắp nén nhang cho đồng đội nằm lại nơi này - nơi mà một thế hệ “lên đường” đánh đổi thanh xuân lẫn xương máu vùi trong đất, để bảo vệ và giữ lấy, để hôm nay có ngày đất lành cho bông trổ, những tòa nhà cao tầng mọc vượt mặt người.

Những mảnh vườn bé xíu chan hòa trong lòng đô thị nay mai có “lạc đạn” trong cơn sốt bất động sản; một lễ giỗ tập thể ở cầu Rạch Chiếc cũ không nhiều người nhớ; và một thành phố Thủ Đức đang “sôi” lên ở phía Đông thành phố, có liên quan gì với nhau trong giấc mơ Sài Gòn - TPHCM hôm nay? 

Đất… không lạnh từ quá khứ, mà có khi từ hôm nay - trong cuộc dày công đắp đổi - nếu người ta quên mất ngày hôm qua. Có người nói, sống mà quên đi thì dễ. Tái thiết trên một nền đất lịch sử, qua bao bể dâu phôi thai trở dạ của thời cuộc, để đất tự bung nở, để đất tiếp tục sống cuộc đời ấm nồng của đất, để người sống chan hòa trong đất, mới khó. Làm được không? 

Nguyễn Minh Ngọc

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=