Dân lo lắng nếu thuế tăng

18/08/2017 - 13:00

PNO - Nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) như lên... “tăng xông” trước thông tin Bộ Tài chính đề xuất nhiều mặt hàng chuyển từ không chịu thuế sang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), tăng thuế GTGT từ 10%-12% từ 1-1-2019 rồi tiến tới 14%...

Trước thông tin thuế GTGT sẽ tăng như mức trên,  nhiều DN lo lắng nếu không tính toán kịp thời sẽ phá sản. Lý do là vì chi phí tăng, giá sản phẩm (SP) cũng sẽ bị đẩy lên cao khi cộng thêm thuế GTGT tăng thêm, kéo sức mua giảm sút.

Khi tăng thuế GTGT, những đối tượng DN phải nhập khẩu nguyên liệu nhưng không được hoàn thuế sẽ lọt vào top đầu gặp khó khăn. Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng cho biết,  nguyên liệu may mặc đều phải nhập khẩu. Đã có vài lần nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc đẩy giá lên 100%, nhưng DN vẫn phải “bấm bụng” mượn nợ để nhập về. Nay nếu thuế GTGT đẩy lên 12%, nguyên liệu lại tăng giá, DN may mặc đứng trước nguy cơ phá sản rất nhiều. 

Dan lo láng néu thue tang
Việc tăng thuế GTGT có thể khiến xuất khẩu nông sản bị trì trệ


Ngoài đề xuất tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính còn đề nghị thêm nước ngọt vào đối tượng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại diện công ty Coca - Cola Việt Nam cho biết, việc áp thuế một cách phân biệt chỉ riêng cho nhóm hàng đồ uống không cồn như vậy mâu thuẫn với các thông lệ quốc tế về chính sách tài chính trong việc áp thuế trên diện rộng cho nhiều nhóm hàng, với mức thuế thấp và hạn chế các trường hợp ngoại lệ.

Cùng ngành hàng này, lương y Đoàn Văn Khanh - giám đốc DN tư nhân Long Thuận (Tiền Giang), DN trong nước chuyên sản xuất nước đóng lon từ bưởi - lo lắng: “Sắp tới, việc tăng thuế GTGT sẽ kéo giá các loại cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… tăng, nếu quy hoạch sản xuất không kỹ thì chi phí đầu vào sẽ tăng cao”. Theo ông, như vậy, nhu cầu vốn tăng đột ngột, rồi giá SP sẽ tăng, giảm sức cạnh tranh. 

Ngoài ra, DN xuất khẩu thuộc đối tượng được hoàn thuế nhưng trước thông tin tăng thuế GTGT này cũng nhấp nhổm. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu VINA T&T - xuất khẩu nông sản lớn nhất nhì Việt Nam cho biết, trước đây thuế GTGT là 10%, mặc dù được hoàn trả thuế nhưng thủ tục thanh toán rất chậm, các DN phải vay vốn ngân hàng để hoạt động khiến chi phí tăng, sức cạnh tranh bị giảm sút.

“Nếu thuế GTGT tăng lên 12% mà việc hoàn trả tiền chậm thì vốn DN bị “ngâm” rất nhiều, tiền vốn sản xuất cũng tăng lên. Lúc này, DN rất dễ phá sản” - ông Tùng nói. 

Gỡ “rối” trước mắt, thiệt hại lâu dài

Nếu thuế GTGT thật sự tăng, các DN dù muốn dù không cũng phải nghĩ ra cách thức để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, theo các DN, đây chỉ là những giải pháp trước mắt nhưng lại có thể gây ra thiệt hại lâu dài.

Muốn tồn tại, DN phải hạ chi phí sản xuất để thuế GTGT dù có tăng nhưng giá  SP không tăng. Công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng có phương án: đầu tư máy móc để giảm nhân công, hạ chi phí sản xuất, nhằm giữ giá thành SP. Song, muốn như thế, DN phải có vốn, trong khi đó DN lại rất khó... vay.  

Dan lo láng néu thue tang
Nếu thuế GTGT tăng lên 12% mà việc hoàn trả tiền chậm thì vốn DN bị “ngâm” rất nhiều, tiền vốn sản xuất cũng tăng lên, DN rất dễ phá sản.

Tuy vậy cũng theo ông Sinh, để đối phó tình trạng chi phí sản xuất tăng cao, hạ giá SP, trước đây đã có không ít DN đã làm ăn kiểu “chụp giựt”, mua SP Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam để xuất khẩu và bị đối tác phát hiện, mất thiện cảm với ngành may Việt Nam.

“Nguyên tắc của thu thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thu, phải nuôi dưỡng và có khung thuế hợp lý chứ đừng vắt kiệt sức nguồn thu”

PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định. 

Hoặc để đối phó với việc tăng thuế GTGT, không ít DN phải bán bớt máy móc, nhà xưởng rồi đi thuê lại với giá rẻ hơn. Cách làm này sẽ đưa DN trở thành đơn vị gia công SP không còn thương hiệu, chất lượng để cạnh tranh và khiến ngành dệt may nước ta đi xuống. Tình trạng này cũng có thể tiếp tục xảy ra nếu thuế GTGT tăng.

Cũng trong tình trạng khó khăn, lương y Đoàn Văn Khanh cho biết thêm, công ty bỏ vốn xây dựng vùng nguyên liệu mất 5-8 năm, trong khi tăng thuế GTGT sẽ áp dụng khoảng hai năm nữa. Nếu chẳng may vùng nguyên liệu không đạt yêu cầu, DN lâm vào cảnh “nợ chồng nợ”. 

Không chỉ khiến DN lo lắng mà thông tin tăng thuế GTGT còn ảnh hưởng đến cả muôn mặt của nền kinh tế. PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả đánh giá: việc tăng thuế phải hết sức thận trọng, không nên tăng đồng loạt, bởi thuế là công cụ sản xuất nhưng cũng là công cụ kìm hãm sản xuất.

Giá thành SP bán ra tăng thì sức mua sẽ hạn chế, ngành sản xuất sẽ trì trệ. Trong khi đó ngành sản xuất ở nước ta còn ì ạch, chưa thực sự tăng trưởng đúng tiềm năng, thu nhập người lao động còn thấp.

Để khuyến khích DN sản xuất lâu dài, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả thì phải ổn định hoặc giảm thuế chứ không nên tăng. “Nguyên tắc của thu thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thu, phải nuôi dưỡng và có khung thuế hợp lý chứ đừng vắt kiệt sức nguồn thu” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định. 

Anh Phạm Văn Linh - công ty TM - SX - DV Duy Linh, cho biết: “Trước đây giá mỗi lít dầu ăn tăng 1.000 đồng/lít, tôi phải giải thích rất nhiều với đại lý, người tiêu dùng mới được họ chấp nhận. Giả sử sắp tới mỗi lít dầu ăn tăng 3.000 đồng/lít, người mua chắc chắn sẽ ít hơn, phạm vi hoạt động của công ty cũng bị thu hẹp”.

Với mức thu nhập trung bình, chị Nguyễn Thị Loan (ngụ H.Hóc Môn) lo lắng: “Ba bữa cơm của hai vợ chồng chỉ có giá 50.000 đồng. Nếu sắp tới vật giá leo thang, tôi buộc phải  chuyển qua sử dụng gia vị hàng xá cho rẻ”. 

Riêng người có mức thu nhập cao như chị Nguyễn Hồng Nhung (Q.Gò Vấp)  cũng tính: “Với SP cao cấp, tôi sẽ nhờ người thân hoặc tranh thủ đi công tác nước ngoài mua về dùng”.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI