Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TP.HCM): Báo Phụ Nữ đã cung cấp một góc tiếp cận sự thật khá bất ngờ về vụ 'cà phê pin'

25/05/2018 - 08:46

PNO - "Báo Phụ Nữ đã và đang cung cấp cho bạn đọc (và tôi nghĩ cả cơ quan chức năng) một khía cạnh tiếp cận sự thật khá bất ngờ để đi đến minh định bản chất sự việc" - bà Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nhận định.

Xung quanh vụ trộn hỗn hợp gồm vỏ cà phê, sỏi, đá nhỏ với than pin xảy ra tại tỉnh Đắk Nông mà báo chí và mạng xã hội vội vã, dồn dập đăng tin “cà phê pin”, sau đó được công an “đính chính” thành “hỗn hợp dùng để trộn vào tiêu”, chúng tôi ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia. 

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TP.HCM):

Báo Phụ Nữ đã cung cấp một góc tiếp cận sự thật khá bất ngờ

Sự thật phía sau vụ án “cà phê pin”, nói đúng hơn, đến giờ này là “tiêu pin” đang tiếp tục được cơ quan chức năng xem xét, điều tra làm rõ. Báo Phụ Nữ đã và đang cung cấp cho bạn đọc (và tôi nghĩ cả cơ quan chức năng) một khía cạnh tiếp cận sự thật khá bất ngờ để đi đến minh định bản chất sự việc, tránh những tổn hại và ngăn ngừa tổn hại đổ xuống vai người nông dân sản xuất cũng như những tổn thất về hình ảnh thương hiệu, sức tiêu thụ trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu với hai dòng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là cà phê và hồ tiêu. 

Dai bieu Quoc hoi To Thi Bich Chau (TP.HCM): Bao Phu Nu da cung cap mot goc tiep can su that kha bat ngo ve vu 'ca phe pin'

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu

Nông dân trồng tiêu, cà phê đã lao đao nay thêm phần khốn đốn. Đó là một sự thật đã và đang hiện hữu, nếu không có câu trả lời cuối cùng cho hàng loạt câu hỏi về bản chất của vụ việc từ giá trị lợi nhuận của việc trộn lõi pin vào tiêu so với trộn tiêu bụi, tiêu lửng cho đến vợ chồng bà Loan thực hiện theo đơn đặt hàng từ ai, từ đâu; lượng hàng ấy đã phân phối ra thị trường nào… thì sự lây lan thông tin sẽ tiếp tục đẩy nông dân vào chỗ tay trắng. 

Không những thế, ngay sau ngày 15/4, khi vụ việc tràn lan trên mọi phương tiện thông tin báo chí trong nước thì trong 3 ngày 18-19-20/4, trên nhiều tờ báo lớn nước ngoài (Reuters, Newsweek, The Straits Times, The Asian, The Star, Nhật báo Trung Quốc, Đêm Bắc Kinh, Kênh Thông tin…) đồng loạt đưa tin “cà phê pin” của nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, mãi đến ngày 26/4, tại phiên họp báo công bố chính thức về vụ việc này, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, đến thời điểm này (tức ngày 26/4), hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cà phê. Đáng tiếc, dòng đính chính muộn màng này đã không hề xuất hiện trên các phương tiện báo chí quốc tế, mà sau đó, chính đại diện Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương thừa nhận tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2018, ngành xuất khẩu cà phê đã bị ảnh hưởng nặng nề sau sự cố truyền thông “cà phê trộn lõi pin”. 

Dai bieu Quoc hoi To Thi Bich Chau (TP.HCM): Bao Phu Nu da cung cap mot goc tiep can su that kha bat ngo ve vu 'ca phe pin'

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm 2018, khối lượng xuất khẩu cà phê tăng nhưng giá trị bình quân lại giảm (gần 14%) so với cùng kỳ năm 2017. Là quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê nhưng chủ yếu ta xuất khẩu dòng cà phê nhân (dưới dạng thô), giá trị gia tăng không cao. Tỷ lệ xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan khá thấp. Trong khi sự chinh phục các thị trường đẳng cấp toàn cầu chưa đạt mà biểu hiện là cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu; thì luồng thông tin “cà phê pin” phủ sóng truyền thông trong nước lẫn khu vực, quốc tế, đó là thiệt hại kép. 

Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt theo tinh thần của Chỉ thị số 12, ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế" nhưng sự chuyển động của các cấp là chưa đồng bộ nên dẫn tới còn nhiều lúng túng, thụ động  của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người sản xuất lẫn người tiêu dùng. 

Không tạo được những bước đi căn bản để tiến tới cân bằng giá trị cạnh tranh, lại còn bị “vấy” bởi môi trường truyền thông lập lờ (đang với hồ tiêu), sai lệch (với cà phê), rõ ràng, an ninh kinh tế - trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và các mặt hàng thế mạnh quốc gia - đang thiếu tính bền vững, cần được xem xét, khảo sát, đánh giá và có giải pháp trước mắt lẫn lâu dài để ít nhất, nông dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính không rơi vào “bi kịch ngay tại sân nhà”. 

Nhóm phóng viên thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI