“Cứu Trái Đất” hay những lựa chọn đời người

16/02/2021 - 12:58

PNO - Ba người phụ nữ là ba gương mặt của một “dây chuyền vô hình”, bảo vệ sức khỏe của đất, của tự nhiên…

Vườn Tùng Hạ của Miên

Huy ra vườn hái hoa cỏ pha cùng trà đen mời khách. Ngắt chiếc lá thảo dược còn đẫm sương mai, Huy bảo tôi thử “nếm” hương cỏ ngọt. Ở vườn Tùng Hạ, những ngón tay tôi cứ vướng vít mùi thơm của lavender, hương thảo. Vườn Tùng Hạ ở Cam Ly (thành phố Đà Lạt), khách đến có thể tự do tận hưởng mỹ cảnh, và cái ngon đẹp của trà hoa. Nhưng để có được một Tùng Hạ với những sản phẩm tinh dầu được yêu chuộng như hôm nay, là đổi cả 15 năm tuổi trẻ của Nguyễn Tường Miên (sinh năm 1981).

Năm ấy chị mới 23 tuổi, từ bỏ công việc ở Trung tâm nghiên cứu ứng dụng hạt nhân, về với Tùng Hạ. Đất vườn của người bác mua từ năm 1999. Nhưng thời điểm Miên về, mảnh đất ấy đã bị bỏ hoang gần 5 năm. Cô gái trẻ xắn tay dọn vườn, cải tạo đất. Cứ hừng đông là thức dậy ra vườn làm cỏ, bên cạnh cô chỉ có những chú mèo ngoan.

“Lúc ấy nhìn đâu cũng thấy toàn cỏ là cỏ, có lúc rất ngán. Nhưng rồi tôi tự động viên mình, cứ mỗi ngày làm từng chút, từng chút một. Mải miết rồi đến khi ngẩng lên cũng thấy khu vườn sạch cỏ. Cũng có khi buồn kinh khủng khi nghe nhiều người nói “con nhỏ chắc bị khùng”. Chỉ cần phun thuốc xịt cỏ là xong, ai lại còng lưng nhổ từng bụi cỏ như thế” - Nguyễn Tường Miên nhớ lại. Đôi bàn tay con gái năm ấy chai sần, nứt nẻ. Làn da cũng ngày một sạm đi. Nhưng từng cái cây xanh tốt trên đất sạch lại truyền cảm hứng cho cô. 

15 năm sau, vườn Tùng Hạ được phủ đầy những loài thảo dược quý: xạ hương, sả chanh, sả java, manuka, lavender, hương thảo… 

Nguyễn Tường Miên trong vườn Tùng Hạ
Nguyễn Tường Miên trong vườn Tùng Hạ

Nhưng, điều đặc biệt của Tùng Hạ chính là phần rừng đã được chủ nhân giữ lại để “chim chóc làm tổ”, giữ thảm thực vật cho đất, cho nhiều loài vật có nơi tụ về. Vườn Tùng Hạ được bao bọc bởi một bên là rừng, trước mặt là suối, sau lưng là con dốc với hàng rào hoa dã quỳ, phía còn lại là ngôi nhà của người bác với đào, hồng, mận sai quả… Năm ấy, người bác nói với Miên hãy suy nghĩ cho kỹ, vì cháu gái của bác sinh ra ở Sài Gòn, học ngành công nghệ sinh học Trường đại học Mở TPHCM, đã bao giờ biết làm vườn đâu. “Lúc đầu tôi phải học cả cách cầm cuốc, cách thức làm vườn, cách nhận biết cây nào sẽ dễ bị bệnh gì để mà tránh” - Miên tâm sự.

Nghe tôi nhắc hình ảnh ông Kimura (trong cuốn sách Quả táo thần kỳ của Kimura) - người nông dân Nhật Bản tận tụy với vườn táo không phun thuốc, có lúc bĩ cực tuyệt vọng khi năm nào vườn cây cũng bị sâu ăn lá, hại chết mà vẫn không bỏ cuộc. Miên cười bảo cô cũng giống như ông Kimura vậy, đã làm vườn chỉ bằng niềm tin kỳ diệu ấy. “Tiền để dành được bao nhiêu, tôi dành hết cho Tùng Hạ, có lúc muốn mua một chiếc máy ảnh mới, tôi lại nghĩ số tiền đó có thể phát triển thêm cây cho khu vườn. Lại thôi, dừng lại những nhu cầu không thật sự cần thiết” - chị chia sẻ. 

Làm nông nghiệp xanh là giấc mơ của Miên. Về sau, Tùng Hạ dần đón thêm nhiều cộng sự - những bạn trẻ yêu thích việc làm vườn về cùng góp sức, như Huy, Linh, Trâm, Trang - những người thay cô quản lý trang trại hiện giờ. Bởi sau khi gầy dựng trang trại ổn định, sản phẩm được nhiều người biết đến, Miên sang Mỹ tiếp tục học nâng cao. “Vài năm nữa khi trở về, tôi muốn phát triển mô hình canh tác không dùng phân hóa học ở nhiều nơi khác nữa. Tôi luôn muốn thử thách mình ở những vùng còn khó khăn như miền Trung. Khi cây cối đa dạng, chim chóc sẽ về…” - Miên nói. 

Đi xuống lối mòn quanh bìa rừng, nhìn ngắm thung lũng hoa dã quỳ vàng rực cuối thu, nghe Linh kể chuyện cắt cỏ, có loại cần nhổ tận gốc, có loại chỉ cắt phía trên mặt đất để rễ cỏ giữ độ tơi xốp của đất; hay chuyện chim chóc ở rừng qua vườn ăn hạt, bướm ong qua lại hút mật, thụ phấn… Mới thấy khi con người đối đãi với thiên nhiên bằng tình yêu thương, thì món quà nhận lại từ đất trời cũng vô cùng quý giá. 

Trên đồi cao nghe gió hát 

Đứng trên đỉnh đồi vào buổi hoàng hôn tím chân trời, Tạ Thùy Trang hỏi tôi: “Chị có nghe được tiếng chim hót không?”. Có chứ. Tôi còn nghe cả tiếng gió thổi xào xạc, tiếng lao xao của cây lá. Ngồi giữa thành phố chiều tan tầm trò chuyện với Trang, nghe cô nói mà đôi lúc ngỡ mình đang đứng cùng cô trên đỉnh đồi gió lộng, trong mùa cỏ hồng. Nơi ấy bốn bề là màu xanh mênh mông của rừng cây sao, lồ ô, xa xa là thung lũng, có cả dòng suối trong vắt đầu nguồn… Nơi ấy, là đất của dự án cộng đồng vườn rừng Giun Đất (thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cách Sài Gòn khoảng 200km) mà Trang và những người bạn đã cùng nhau thực hiện suốt một năm qua.

Miền xanh thẳm của Trang
Miền xanh thẳm của Trang

“Giun Đất - cái tên cũng thể hiện mục đích của nhóm, làm sao để đất tốt, có giun đất về. Trước đây tôi từng tham gia hoạt động trồng 1.000 cây ở rừng ngập mặn Cần Giờ, kết nối được với nhiều nhóm trồng cây gây rừng, hiểu được rất nhiều vấn đề của đất. Cây trồng xuống nhiều, nhưng có sinh trưởng tốt được hay không lại là chuyện khác. Cho nên tôi muốn tìm hiểu chuyên sâu và thực hiện việc trồng rừng lâu dài hơn, dự án cộng đồng vườn rừng Giun Đất này cũng là cách chúng tôi cùng nhau trồng cây, phát triển rừng bền vững” - Trang chia sẻ về ý nghĩa của dự án. 

Vườn rừng Giun Đất rộng gần hai héc-ta được bao bọc xung quanh là các vành đai rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, lâm trường. Thành viên tham gia dự án đa dạng độ tuổi, vùng miền, chuyên môn, kỹ thuật, có cả sự phối hợp của người đồng bào, dân bản địa. Rất nhiều tình nguyện viên đã đến đây cùng tham gia trồng rừng, làm vườn hoặc tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật canh tác, các vấn đề sinh thái. Vườn rừng Giun Đất bây giờ đã xanh um, có những chú chó tung tăng chạy chơi, đàn dê quẩn quanh, thậm chí có cả khỉ thi thoảng về… nhìn người. Những chú khỉ - được Trang mua “giải cứu” từ nơi mua bán động vật hoang dã, cả nhóm cùng chăm sóc cho vết thương lành lặn rồi thả lại rừng - lâu lâu trở về thăm ân nhân. Đẹp như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. 

Những ngày cuối năm cũng là lúc các thành viên của dự án vào rừng, tìm những cây con: dẻ, lồ ô, sao đen… làm vườn ươm, chuẩn bị cho đợt trồng cây mới. Trong cuộc trò chuyện cùng Trang, có lúc tôi xúc động vì cách mà cô gái sinh năm 1988 ấy dành sự chăm sóc nâng niu, yêu thương và thấu hiểu cây. Mùa mưa đất bị ngập nước, cây vùng trũng úng gốc sắp chết, Trang nỗ lực “cứu cây” bằng cách ngày ngày lấp rác hữu cơ, rau củ quả, lá khô xung quanh. “Một tuần sau, những cái cây bắt đầu có dấu hiệu sống lại, nhìn những chiếc lá xanh non, mà trong lòng cảm thấy vui sướng” - cô bày tỏ.

Tạ Thùy Trang - cô gái nhỏ  với những khát vọng lớn dành cho môi trường
Tạ Thùy Trang - cô gái nhỏ với những khát vọng lớn dành cho môi trường

Những người yêu cây mà tôi biết, họ đều có một tâm hồn rất đẹp, sống giản dị, chân tình và giàu tình cảm. Như Trang. Ngồi xuống bên cây không phải là để hàn gắn, chữa lành cảm xúc của bản thân, mà là sự chăm sóc tận tụy, vì một cánh rừng tương lai sẽ hồi sinh từ những cây con vẫn còn non nớt. Họ không trồng rừng cho mình, họ trồng cho thế hệ sau. 

Trang không phải là một người trẻ “bỏ phố về rừng”, cô vẫn đi về giữa Sài Gòn - Lâm Đồng để kết nối các dự án môi trường. Tổ chức xã hội Saigon Compass (hiện có văn phòng tại quận 7, TPHCM) do Trang sáng lập có rất nhiều hoạt động chia sẻ về giáo dục, nhận thức, bảo vệ môi trường, từ vấn đề không khí đến rừng, biển…

Trang nói, những yếu tố cấu thành hạnh phúc, cũng như những quyền cơ bản của con người bao gồm cả không khí sạch, nước sạch và thực phẩm sạch. Vậy mà những điều tự nhiên vốn dĩ ban tặng cho con người ngay từ thuở đất trời sơ khai ấy, lại dần mất đi trong cuộc sống công nghiệp hiện đại. “Năm 2014, tôi đứng ở ngã ba Đông Dương nhìn thấy hàng đoàn xe container chở gỗ qua biên giới Việt - Lào, nhìn xuống xung quanh thấy đồi núi đều trơ trọc, cảm giác rất đau lòng” - Trang tâm sự. Giọng cô chùng xuống khi nói về những thay đổi của môi trường sống, rừng bị tàn phá, núi bị xẻ ngang xẻ dọc làm dự án, biển ngày càng bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa… Từ “những điều trông thấy” ấy mà cô gái nhỏ bé lại càng quyết tâm làm điều ý nghĩa. 

Cô gái ấy không xa lạ với cộng đồng quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường. Facebook cô là Emerald Jang, tên thật là Tạ Thùy Trang - cô chính là một trong 200 nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương của chương trình Obama Foundation Leaders Asia-Pacific 2019.

Truyền cảm hứng bảo vệ động vật hoang dã 

Vừa bước xuống Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, chị Hoàng Thị Minh Hồng vươn vai khoan khoái, nhắm mắt hít một hơi thật sâu và khẽ mỉm cười: “Mùi rừng đây rồi!”. Tôi cũng xuống xe, đứng cạnh chị. Mùi của rừng thông, của cỏ xanh, cả mùi của đất sau mưa xộc lên. Cái “mùi rừng” làm tan biến bao mệt mỏi sau chặng đường dài. Chuyến đi về rừng lần này là dịp để chị Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE), chia sẻ những câu chuyện về chủ đề bảo vệ động vật hoang dã. Hơn 20 năm qua, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dành trọn tâm tư, thời gian cho những dự án, chuyến đi truyền cảm hứng về bảo vệ môi trường như vậy. Có người hỏi chị: “Sao cứ đi bảo vệ những con vật ở tận đâu đâu, làm một việc mãi không chán?”. Rồi cũng có người hỏi chị: “Có thay đổi được gì không?”. Chị vẫn mải miết trong hành trình truyền cảm hứng của mình, không chỉ ở trong nước mà còn đi khắp thế giới để nói chuyện về bảo vệ động vật hoang dã. 

Năm 1997, khi đang là phóng viên một tờ báo tiếng Anh, Minh Hồng bất ngờ được chọn là thành viên tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực. Năm ấy, Hoàng Thị Minh Hồng là người Việt Nam duy nhất được đặt chân đến vùng đất ấy. Bức ảnh người con gái Việt Nam nhỏ nhắn, mặc áo dài xanh, cầm cờ Tổ quốc đứng kiêu hãnh ở Nam Cực của chị đã truyền cảm hứng cho bao người. “Ở Nam Cực, nhìn thấy băng tan trôi trước mặt mình, tôi giật mình tự hỏi băng cứ tan, nước biển dâng, nhiệt độ trái đất cứ nóng dần lên thì những nước như Việt Nam sẽ ra sao?” - trăn trở này đã làm thay đổi lựa chọn cuộc đời chị. Trở về, chị đã từ bỏ công việc ổn định, bắt đầu tham gia các hoạt động môi trường ở tuổi 23. 

Chị Hoàng Thị Minh Hồng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong chuyến tập huấn về bảo vệ động vật hoang dã cho báo giới, tháng 10/2020
Chị Hoàng Thị Minh Hồng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong chuyến tập huấn về bảo vệ động vật hoang dã cho báo giới, tháng 10/2020.

“Năm 2009, khi tôi rời Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên vào TPHCM thành lập Trung tâm CHANGE, cũng chỉ mong muốn làm được chút gì có ý nghĩa cho môi trường sống. Thuở ấy không như bây giờ, Sài Gòn còn chưa có tổ chức phi chính phủ nào về môi trường cả, mọi thứ bắt đầu đều rất khó khăn” - chị bày tỏ. Khi rơi nước mắt với những hình ảnh săn bắn động vật hoang dã ở châu Phi, cuộc tàn sát voi lấy ngà, tê tê bị giết thịt làm thuốc, chim trời bị tận diệt, tê giác bên bờ tuyệt chủng… có lẽ nhiều người sẽ đồng cảm với con đường mà chị Minh Hồng đã chọn. Đó không đơn giản là công việc, mà còn là bảo vệ sự bình yên của muôn loài.

Hành trình ấy không hề dễ dàng, nhưng chị vẫn kiên trì. Thay đổi lớn nhất mà cá nhân chị và Trung tâm CHANGE làm được trong nhiều năm qua chính là nhận thức của nhiều người, ngừng sử dụng ngà voi, vảy tê tê, sừng tê giác… Chị cũng chính là người đã đưa chương trình Giờ Trái đất (của Úc) về Việt Nam.

Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama viết trên Twitter rằng Hoàng Thị Minh Hồng là một trong những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông trong năm. Năm 2019, chị được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Chị còn được cộng đồng gọi bằng nhiều danh xưng “nhà hoạt động môi trường”, “anh hùng khí hậu”… Nhưng đối với chị, kỳ vọng lớn nhất chính là thế hệ trẻ rồi sẽ tiếp tục cùng nhau cất lên tiếng nói, cùng hành động bảo vệ môi trường. 

“Trẻ em là những người ít chịu trách nhiệm nhất cho việc gây ra biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vâng, chính là con của chúng mình đấy, mọi người ạ” - những chia sẻ truyền thông điệp của chị đôi khi chỉ giản dị như vậy, để mỗi người tự nhìn nhận lại, nhận thức và thay đổi hành vi, ứng xử với môi trường sống. 

“Cứu trái đất” là từ mà giới trẻ thời nay nói vui để diễn tả những việc làm ý nghĩa. Thực chất, trước kiểu nói vui đó, “cứu trái đất” vẫn là một diễn đạt to tát, gợi đến hình ảnh và lý tưởng của những siêu anh hùng. Thế nhưng, giữa thời buổi sự trong lành đang cạn kiệt, “cứu trái đất” chợt trở thành một khái niệm cụ thể, chân thật. Ba người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng lại chọn sống vì những điều giản dị mà cũng lớn lao đó, nhắc rằng, mỗi người chúng ta, đều có thể tự gieo trồng một hạt giống “chữa lành” cho đời, cũng là bảo vệ không gian sống của chính mình đang trên bờ vực nguy khốn đó. 

Lục Diệp

 

 

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=