Cửu Trại Câu - Bức tranh thủy mặc vẫn hoàn hảo sau động đất

30/11/2019 - 08:47

PNO - Cửu Trại Câu từng làm khách du lịch mê mẩn vì cảnh đẹp, tiếc nuối vì bị ảnh hưởng động đất, rồi bây giờ lại háo hức tìm đến vì nó đã mở cửa trở lại.

Cửu Trại Câu nằm trong khu vực châu tự trị dân tộc Tạng, thuộc huyện Cửu Trại, phía bắc tỉnh Tứ Xuyên. Cửu Trại Câu trong tiếng Tây Tạng là Sicadêgu có nghĩa là "thung lũng chín làng", được hình thành trên dãy núi đá vôi trầm tích của cao nguyên Tây Tạng, nổi tiếng nhờ hệ thống hồ đa sắc, các thác nước nhiều tầng và các đỉnh núi phủ đầy tuyết được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 1992, khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. 

Độ cao của Cửu Trại Câu từ 2.000 - 4.500m so với mực nước biển. Các hồ nước lớn nhỏ này ở các độ cao khác nhau cũng góp phần tạo thêm nhiều cảm xúc cho du khách khi đi xe buýt hoặc đi bộ vòng vèo trên những con đường ven hồ, xuyên rừng mà thưởng ngoạn cảnh.

Cuu Trai Cau - Buc tranh thuy mac van hoan hao sau dong dat
Cửu Trại Câu ngày cuối thu

Trận động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc hai năm trước đã gây thiệt hại nặng nề cho Cửu Trại Câu. Sau hơn hai năm đóng cửa, nơi này mới mở trở lại khoảng hai tháng nay. Trong số những du khách Việt đầu tiên háo hức tìm đến Cửu Trại Câu có tôi, mang theo cả sự tò mò lẫn hoài nghi, xem thắng cảnh nổi tiếng nhất nhì vùng Tứ Xuyên này được phục hồi thế nào.

Mặt hồ xanh màu ngọc bích là có thật

Cửu Trại Câu có tất cả 114 hồ, khe suối… nên chắc chắn bạn không thể đi thăm hết được trong một ngày. Có khả năng bạn sẽ bị hoa mắt bởi quá nhiều hồ và không biết nên chọn chiếc xe buýt nội bộ nào trong khu thắng cảnh này để lên. Bạn có thể đi theo gợi ý từ một cô hướng dẫn viên: nên đi các hồ Trường Hải, Ngũ Hoa Hải, hồ Ngũ Sắc… Quả thật những hồ này không phụ lòng du khách. 

Cuu Trai Cau - Buc tranh thuy mac van hoan hao sau dong dat
Hồ Trường Hải với màu xanh biêng biếc thăm thẳm, lặng yên soi những bóng núi gần xa

Trong tiết trời cuối thu, khi lá vàng vẫn còn trên cây, tuyết không chỉ phủ trên đầu non xa xa mà đã kịp rơi trên nhiều lối đi quanh khu Cửu Trại, mặt nước hồ xanh - thứ màu sắc riêng có của nơi này - càng ấn tượng hơn bao giờ hết. Đó là hồ Trường Hải với màu xanh biêng biếc thăm thẳm, lặng yên soi những bóng núi gần xa xuống mặt hồ khiến sự xôn xao thế sự của ta khi đến nơi này như tạm lắng xuống. Tôi ngẩn người nhìn mặt hồ ở hai độ cao khác nhau. 

Trường Hải là hồ dài nhất ở Cửu Trại Câu (4,3km). Tôi bị cuốn hút theo một màu xanh thay đổi dần trong ngày khi ánh mặt trời đi qua rọi lên các triền núi tạo nên những gam đậm nhạt khác nhau trên mặt hồ. Màu xanh khi bạn đứng trên cao nhìn sẽ khác lúc bạn xuống sát mặt hồ mà ngắm.

Ngũ Hoa Hải cũng là một thí dụ khác về việc ánh sáng mặt trời rọi từ trên cao xuống mặt hồ, khiến mặt hồ lung linh nhiều màu như những cánh hoa. Hồ Ngũ Sắc là nơi khiến tôi đếm đi ngắm lại nhiều lần vì mãi vẫn chỉ thấy ba màu. Tôi cứ nhìn đi ngắm lại đám rong, những cành cây khô nằm dưới đáy nước trong vắt soi tìm những màu sắc khác mà chỉ thấy những sắc độ đậm nhạt của màu xanh ngọc bích. Không tin vào mắt mình, tôi hỏi các bạn đồng hành. Họ cũng chỉ nhìn thấy như tôi.

Cuu Trai Cau - Buc tranh thuy mac van hoan hao sau dong dat
Làng trên suối ở Thục Chinh Trại

Cô bạn hướng dẫn viên đi cùng cười: “Đây là “phần thưởng” chỉ dành cho những ai kiên nhẫn đợi mặt trời đi qua nhiều thời khắc khác nhau trong ngày mới thấy rõ”. Nếu thế thì đúng thật, hiếm ai có thể dừng chân chỉ một chỗ trong suốt cả ngày ở Cửu Trại Câu. Thế là tôi dẹp ý định tìm kiếm những màu sắc mình còn mơ hồ, mà dành thời gian ngắm màu xanh tuyệt đẹp của hồ, để thốt lên nước hồ xanh màu ngọc bích là có thật. Tôi tạm rời cái hồ xinh đẹp, tạm bằng lòng với việc chỉ nhìn thấy tam sắc trong cái hồ ngũ sắc này vì còn nhiều điểm tham quan thú vị khác đang chờ.

Những thác nước đẹp say lòng 

Thác nước Trân Châu là bối cảnh khó quên trong bộ phim Tây du ký của cố đạo diễn Dương Khiết, vốn nổi tiếng và quen thuộc với người Việt nhất so với nhiều bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học này. Nó từng là ấu thơ của rất nhiều người trong đó có tôi.

Khán giả Việt Nam mê phim kiếm hiệp hẳn sẽ thấy khung cảnh này thật quen, vì nơi đây từng là phim trường của những bộ phim danh tiếng như Tây du ký, Anh hùng, Thần điêu đại hiệp… Xem phim, nhiều người đã ngỡ ngàng và thán phục trước vẻ đẹp của cảnh sắc được xếp vào loại độc nhất vô nhị này.

Là người theo chủ nghĩa “ngờ vực” các tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh đã được chỉnh sửa, nhưng có đến tận nơi tôi mới nhận ra những gì mình nhìn thấy trước đó không hề bị… nói quá. Thác nước Trân Châu đẹp như tranh. Vậy mà cô bạn hướng dẫn viên của tôi đã nhún vai bảo rằng cảnh nơi này không thể đẹp trọn vẹn so với thời kỳ trước động đất (thác nước Trân Châu là nơi bị ảnh hưởng bởi động đất nhiều nhất Cửu Trại Câu).

Cuu Trai Cau - Buc tranh thuy mac van hoan hao sau dong dat
Thác nước Trân Châu

Xưa xem Tây du ký qua ti vi đen trắng, thác nước vì thế cũng đen trắng đậm nhạt. Sau này xem ti vi màu, hệ màu loang không sắc nét vì bản phim nhà đài phát đã cũ, càng tăng sự tò mò, kích thích trí tưởng tượng của tôi. Nay, đến khi đi theo lối đi bằng gỗ từ trên đỉnh thác xuống chân thác, dừng chân bên hông thác, dưới chân thác, mới thấy phim đẹp như đời và đời đẹp như phim là đây.

Hôm tôi đến, cảnh phim Tây du ký vẫn đây, không thấy Đường Tăng, Sa Tăng cũng không, chỉ có hai vị đồ đệ nổi nhất của Đường Tăng là Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới cầm thiết bảng, vác bồ cào đi tới đi lui. Đây là hai đồ đệ hay được hóa trang nhất của Đường Tăng nhưng có lẽ chỉ ở đây tôi mới thấy họ như thật nhất. Để được chụp hình với các đồ đệ Đường Tăng, bạn phải bỏ ra 10 nhân dân tệ. 

Sau Trân Châu, thác nước đẹp không kém mà tôi nhất định phải đến là thác Thục Chính chảy qua thôn Thục Chính. 

Cuu Trai Cau - Buc tranh thuy mac van hoan hao sau dong dat
Những khung cảnh đặc trưng của làng người dân tộc Tạng

Có bao giờ bạn thấy một ngôi làng trên suối chưa, lưu ý rằng trên suối chứ không phải là bên suối nhé! Tôi đã gặp khung cảnh lãng mạn đó ở đây, gọi là Thục Chính Trại. Bạn thử hình dung, những ngôi nhà sàn cất trên dòng nước, xung quanh là nước, lấp ló cây rừng, bên dưới sàn nhà, nước chảy rì rầm suốt ngày đêm, quanh năm suốt tháng.

Hôm ấy là buổi chiều, nắng đã tắt dần sau sườn núi, tỏa bóng râm xuống thung lũng. Trời lạnh hơn, tiếng nước vẫn rì rầm chảy từ nhiều nơi đổ về xuôi. Tất cả như cộng hưởng cho khung cảnh thêm phần đẹp và gây nhiều cảm xúc cho khách phương xa. Bất giác kẻ giang hồ vặt thèm chút ấm bếp lửa mà nhớ nhà.

Những ngôi nhà trên suối của người Tạng từ lâu không còn người ở mà chỉ để phục vụ tham quan du lịch, chủ nhân của chúng cũng như tất cả cư dân khác của Cửu Trại Câu đã dời ra sống ngay bên cạnh, mưu sinh chủ yếu bằng việc kinh doanh các loại hình phục vụ du lịch.

Bạn nên dành thời gian ghé lại làng người Tạng. Đi Cửu Trại Câu, không chỉ ngắm cảnh, mà còn là dịp để bạn tìm hiểu đời sống người Tạng nơi này. Nếu đã từng ấn tượng về miền đất Tây Tạng mà chưa có dịp đến, thì đi Cửu Trại Câu cũng thỏa phần nào sự tò mò ấy, bởi cộng đồng người dân tộc Tạng sinh sống quây quần nơi đây. 

Cuu Trai Cau - Buc tranh thuy mac van hoan hao sau dong dat
Những khung cảnh đặc trưng của làng người dân tộc Tạng

Khá nhiều đơn vị lữ hành trong nước khai thác tuyến tour Cửu Trại Câu, trong đó các công ty du lịch lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel… Tuy nhiên, tuyến Cửu Trại Câu kết hợp tham quan bảo tàng Binh Mã Dũng, Chung cổ lầu, thành cổ Tây An, chùa Đại Nhạn… hiện tại mới chỉ được các công ty chuyên tour Trung Quốc như Bayon Travel, Rồng Á Châu… đưa vào khai thác. Giá tour trung bình 20,9 triệu đồng/người cho hành trình 6 ngày 6 đêm.

Nhiệt độ trung bình tại khu du lịch Cửu Trại Câu mùa này dao động từ 1 -120C. Bạn cần mang theo áo ấm, các trang phục, phụ kiện giữ ấm cần thiết như vớ, nón che tai, áo len, bộ đồ giữ nhiệt…

Hãy cân nhắc chuyện sử dụng dịch vụ giặt ủi, thức uống trong khách sạn vì giá rất đắt. 

Tại Trung Quốc, đa số sử dụng tiếng phổ thông, rất ít người nói được tiếng Anh hoặc có nói được cũng rất khó nghe.

Khi mua sắm trang sức, thuốc bắc, sản phẩm địa phương… du khách đều phải trả giá khoảng 30% tùy món.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI