Cựu chiến binh Đỗ Lan: Nửa thế kỷ viết từ ký ức chiến trường

27/07/2022 - 07:00

PNO - Giải Nhất cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thương binh liệt sĩ (do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ) được trao cho cựu chiến binh Đỗ Lan, với kịch bản "Bên đài tưởng niệm".

Mỗi năm viết một kịch bản 

Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Lan (sinh năm 1948, hiện ở xã Liên Hiệp, H.Phúc Thọ, TP.Hà Nội) từng tham gia mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1966 - 1971, thuộc Trung đoàn 141. Ông làm công tác quân y, trực tiếp cứu chữa rất nhiều thương bệnh binh và cũng từng nhiều lần tự tay chôn cất đồng đội. Năm tháng đó ở lại mãi mãi trong ký ức người CCB già. 

Thời còn ở chiến trường, không biết bao nhiêu lần phẫu thuật cho đồng đội mà không có thuốc gây mê. Vật liệu y tế thiếu thốn đủ bề, thuốc men không có. Giữa rừng đêm, y bác sĩ phải dùng dù pháo sáng của Mỹ làm màn giăng chống mũi và côn trùng, để làm phẫu thuật.

Cựu chiến binh Đỗ Lan
Cựu chiến binh Đỗ Lan

“B52 đánh vào trạm xá rất nhiều lần, căn cứ phải dời từ Đại Lộc đến Hòa Vang, qua Tây Giang rồi Đông Giang… Rất nhiều lần cứu anh em trong những trận đánh bom, có lúc cứu kịp nhưng cũng có khi lực bất tòng tâm. Điều đau xót mà cũng ám ảnh tôi nhất là trước khi mất, đồng đội tôi đã luôn gọi mẹ, nhắc về mẹ. Trong nhiều kịch bản sân khấu của mình, tôi đã viết về nỗi nhớ, tình yêu thương dành cho mẹ, cho gia đình mà những người chiến sĩ đã luôn tha thiết nhớ về ở phút cuối cùng” - CCB Đỗ Lan chia sẻ. 

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày phục viên trở về cuộc sống đời thường, mỗi năm, người CCB ấy đều viết một kịch bản sân khấu từ ký ức chiến trường. Không tiếp tục làm việc liên quan đến y tế nữa vì “đã quá ám ảnh, quá đau xót”, ông theo học Khoa Chèo Trường trung cấp Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, từng học với những người thầy - nhà viết kịch nổi tiếng: Lưu Quang Thuận (thân sinh nhà thơ - nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ), nhà viết kịch Học Phi (thân sinh nhà văn Chu Lai)…

Năm 2018, tôi vào H.Tây Giang tìm hài cốt đồng đội. Tự nhiên một người đi cùng nói với tôi: “Trong này vui lắm, em không về đâu”. Tin rằng đồng đội đang về và nói chuyện với mình, tôi bảo: “Nếu anh không về thì gia đình sẽ rất trông ngóng”. Hài cốt cậu ấy trước đó tìm hoài không được, lần này tôi hỏi: “Anh nằm chỗ nào?”, thì được chỉ dẫn là ở nơi tôi từng bị cây chọc vào chân. Tôi nhớ ra và đến ngay chỗ ấy, khai quật lên thì đúng là nơi cậu ấy nằm. Có những chuyện lạ lùng như vậy, chỉ có thể tin rằng đồng đội dẫn dắt để chúng tôi tìm thấy họ.

Cựu chiến binh Đỗ Lan 

Ban đầu Đỗ Lan viết kịch bản sân khấu chèo. Vở chèo đầu tiên ông viết Gặp lại con ở chiến trường được trao giải Nhất Hội diễn văn nghệ tỉnh Hà Tây (cũ) năm 1972. Về sau này, sân khấu chèo không còn thời vàng son nữa, ông chuyển sang viết kịch nói. CCB Đỗ Lan nói, trong hơn 50 kịch bản ông từng viết, chỉ có hai kịch bản là về đề tài tham nhũng (vở Đại hội chuộtTiếng kêu của đất), còn lại tất cả đều là đề tài thương binh liệt sĩ, chiến tranh cách mạng.

Kịch bản Bên đài tưởng niệm là câu chuyện có thật về liệt sĩ Lê Hiền Lịch, cũng là người làng ông. Chiến sĩ Lê Hiền Lịch tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, từng lập công ở mặt trận đường 9 - Nam Lào, từng được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được cử sang Liên Xô học tập. Nhưng anh đã chọn ở lại chiến đấu cùng đồng đội, bảo vệ quê hương và đã anh dũng hy sinh… 

Đêm mơ thấy đồng đội về gọi tên mình 

Hòa bình lập lại đã hơn 45 năm, nhưng CCB Đỗ Lan nói ông không thể nào quên ký ức những năm tháng ở chiến trường và đồng đội. Rất nhiều đêm ông nằm mơ thấy đồng đội về gọi tên mình, như một sự chờ mong, dẫn dắt ông đi tìm họ. Bao nhiêu năm qua, CCB Đỗ Lan cùng đồng đội vẫn trở lại chiến trường xưa và mải miết trong hành trình đi tìm hài cốt những đồng đội đã mất.

Cựu chiến binh Đỗ Lan (áo trắng, hàng thứ hai từ phải sang) tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng trong một chuyến đi tìm hài cốt đồng đội - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Cựu chiến binh Đỗ Lan (áo trắng, hàng thứ hai từ phải sang) tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng trong một chuyến đi tìm hài cốt đồng đội - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông vẫn còn giữ được sơ đồ mộ chí, nhưng đất xưa đã nhiều thay đổi. Có những ngôi mộ đất được đào lên, đúng là nơi có hài cốt liệt sĩ. Nhưng cũng có những cánh rừng đã hoàn toàn thay đổi, ông không thể xác định được địa điểm chính tay mình từng chôn cất đồng đội năm xưa. Có những hài cốt được tìm thấy, nhưng tên tuổi liệt sĩ được chôn cùng thi hài bây giờ không còn có thể đọc được rõ chữ nữa. Chiến tranh đã đi qua, nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc, như hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của CCB Đỗ Lan và các gia đình…

Ông cũng từng viết kịch bản về câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, vở Hồn đất tình người, trong đó gửi gắm thông điệp rằng, trong đất này, có thịt xương của bao người đã ngã xuống. Ông làm thơ cho những người mẹ, về những ngôi mộ vô danh, những ngôi mộ gió. Ông viết cho những người bị chất độc màu da cam, viết cho ngày trở về nhưng đau đáu nỗi niềm của đồng đội mình, viết cho những thân phận thời hậu chiến…

Tìm lại đứa con không phải của mình, Ngày trở về, Họ không cô đơn, Chung một chiếc gàu… là những kịch bản mà CCB Đỗ Lan đã viết. Và ông sẽ còn viết tiếp. Ông bảo, thế hệ những người lính trở về như ông đều đã già hết rồi, rất nhiều đồng đội của ông trở về với thời bình giờ cũng không còn nữa. Ông viết như một chứng nhân, kể lại và chia sẻ, gửi gắm ký ức và những thông điệp ý nghĩa, gìn giữ cho thế hệ cháu con… 

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI