Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thành công

15/07/2021 - 13:48

PNO - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 23/5 vừa qua là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thành công, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

Đó là nhận định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra sáng 15/7.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 70 triệu cử tri đi bầu cử (đạt 99,6% tổng số cử tri cả nước) tại 84.767 khu vực bỏ phiếu. Cử tri đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để bầu chọn những người tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Hội nghị diễn ra tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Tường Lam.
Hội nghị diễn ra tại điểm cầu TPHCM - Ảnh: Tường Lam

Báo cáo tổng kết, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn khẳng định cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ tư với diễn biến vô cùng phức tạp. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước; không có các tình huống bất thường xảy ra ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu. Cử tri cả nước đã bầu được 499 ĐBQH, cơ bản bầu đủ ĐBHĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Cử tri TPHCM đi bầu cử đạt tỷ lệ trên 99,38%. Ảnh: Tam Bình.
Cử tri TPHCM đi bầu cử đạt tỷ lệ trên 99,38% - Ảnh: Tam Bình

Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng rút ra các bài học kinh nghiệm lớn. Đó là phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị đối với công tác bầu cử là yếu tố quyết định thành công của cuộc bầu cử.

Cùng với đó là sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử; sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm các nhiệm kỳ trước của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền; bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng; phát huy tốt vai trò MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên. Đặc biệt, bảo đảm thực hiện tốt quy trình nhân sự (hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử… đều đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định)…

Quốc hội khóa XV có 194 đại biểu do các cơ quan, tổ chức Trung ương giới thiệu; 301 đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu; 4 đại biểu tự ứng cử. Số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách tại Trung ương là 126 người, số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương là 67 người.

Về cơ cấu kết hợp, có 151 đại biểu là phụ nữ, đạt tỷ lệ 30,26%. 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 17,84%. Đại biểu trẻ dưới 40 tuổi có 47 người, đạt tỷ lệ 9,42%. Đại biểu là người ngoài Đảng có 14 người, đạt tỷ lệ 2,81%. Đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước có 203 người, đạt tỷ lệ 40,68%. Đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội có 296 người, đạt tỷ lệ 59,32%.

Với kết quả nêu trên, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ nữ đại biểu, trẻ tuổi, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cao nhất (17,84%) và cũng lần đầu tiên, có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Lự và Brâu) trong Quốc hội.

Số lượng đại biểu là phụ nữ cũng cao nhất với 151 đại biểu, đạt 30,2%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.


Tam Bình

 
TIN MỚI