Công khai bán hàng xách tay, 'con chung không ai khóc'!?

28/05/2018 - 07:57

PNO - Hàng xách tay là hàng trốn thuế, nhập lậu. Dù Thủ tướng đã giao năm bộ, ngành đồng loạt siết chặt quản lý, giới kinh doanh hàng xách tay vẫn ngang nhiên hoạt động và sống khỏe.

“Ở đây bán hàng xách tay”

Chỉ một đoạn đường ngắn Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã có đến 5 - 7 cửa hàng chuyên kinh doanh hàng xách tay. Hàng loạt bảng hiệu to được trương lên với dòng chữ “Hàng xách tay chính hãng”, “Xách tay hàng Mỹ, Anh, Pháp”, “Mỹ phẩm châu Âu, Nhật”... Mỗi cửa hàng đều có lượng khách quen mua bán tấp nập. Ai cũng tỏ vẻ thích thú vì được mua “hàng hiệu chính hãng” với giá hời.

Vừa thấy chúng tôi dựng xe trước cửa, nhân viên bán hàng đã đon đả mời chào và giới thiệu đủ các mặt hàng của những thương hiệu nổi tiếng. “Mặt chị đeo kiểu kính Rayban cổ điển này đẹp nè chị. Hàng gốc chính hãng giá sáu triệu đồng, em bao giá chỉ 2,5 triệu đồng” - cô nhân viên nói.

Cong khai ban hang xach tay, 'con chung khong ai khoc'!?
Bát nháo thị trường mỹ phẩm xách tay.

Cửa hàng “Thế giới hàng ngoại” (đường Trần Thị Nghỉ, Q.Gò Vấp) cũng trưng bảng hiệu “chuyên hàng xách tay” và bán đủ các mặt hàng: mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung...

Những nơi như “Cửa hàng Nhật nội địa” (Q.1), “Chuyên hàng Thái” (Q.Gò Vấp), “Hàng Nga chính gốc” (Q.Tân Bình), “Cửa hàng kẹo Mỹ” (Q.Phú Nhuận)... có vô khối sản phẩm mà theo người bán thì “cùng chủng loại nhưng chất lượng hơn hẳn hàng phân phối tại Việt Nam” và giá cũng cao gấp ba - năm lần.

Nhiều nhất phải kể đến các “con đường thời trang” như: Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Huỳnh Văn Bánh, Quang Trung... hay các trung tâm mua sắm Sài Gòn Square, Taka...

Những nơi này đảm bảo “hàng chính hãng” với khách bằng cách hướng dẫn khách xem mác quần áo… đã bị cắt hoặc xóa tên nhãn hiệu và cam kết “chất liệu đẹp, kiểu dáng chuẩn phom, chỉ có một - hai cái không đụng hàng” để rồi hét giá không dưới hai triệu đồng/cái. Song, nếu xem kỹ, nhiều chiếc váy, đầm, áo vải bèo nhèo, xuống màu, đứt khuy, lỗi mốt.

Điều lạ là, hàng cấm kinh doanh nhưng các cửa hàng này đều liên tục có hàng mới. Một số chủ cửa hàng cho biết, có người quen ở nước ngoài mang về thường xuyên cùng mối làm ăn với các tiếp viên hàng không - hợp tác buôn bán hoặc chia hoa hồng theo từng kiện hàng.

Thực tế, một cán bộ hải quan cho biết: “Hàng xách tay thường đi theo đường hành lý của khách nhập cảnh bằng đường hàng không. Ngoài ra, các đầu nậu đi nước ngoài dưới dạng du lịch và mua gom đủ nguồn hàng rồi xé nhãn mác, tuồn về Việt Nam bán, chất lượng “hên xui”, không tránh khỏi hàng giả”.

Bán hàng lậu, trốn thuế nhưng không bị “sờ gáy”

Ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng, các đội quản lý thị trường vẫn thường xuyên kiểm tra và thu giữ hàng ngàn sản phẩm nhập lậu núp bóng hàng xách tay, gồm: quần áo, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm...

Cong khai ban hang xach tay, 'con chung khong ai khoc'!?
Hàng hiệu xách tay được nhiều người tham gia kinh doanh vì nhu cầu khách cao, lợi nhuận nhiều.

Tuy nhiên, ông Bách cho rằng, công tác kiểm tra vẫn gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng “lờn thuốc”, liên tục tái phạm vì lợi nhuận quá cao so với mức tiền phạt còn nhẹ.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện có một số khó khăn trong công tác quản lý hàng xách tay vì nhiều trường hợp hành khách không khai báo đầy đủ, chính xác số lượng, giá trị hàng hóa để trốn thuế. Trong khi số lượng hành khách nhập cảnh nhiều mà nhân viên hải quan ít, thiếu thiết bị hỗ trợ kiểm tra.

Trước thực trạng trên, mới đây, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã gửi công văn hỏa tốc chỉ đạo năm bộ ngành tăng cường quản lý hàng xách tay. Theo đó,

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an lập chuyên án triệt phá các đường dây lợi dụng chính sách đối với hàng hóa là quà biếu, quà tặng để buôn lậu tại các cửa khẩu sân bay quốc tế.

Bộ Tài chính cần chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa là hàng biếu, tặng từ nước ngoài về Việt Nam; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý số lần miễn thuế theo định mức để thống nhất kiểm soát nguồn hàng này. Các bộ Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý chuyên ngành đối với nhóm “hàng xách tay”.

Dù đã có chỉ đạo của Phó thủ tướng, khi các bộ, ngành chức năng còn kêu “khó”, giới kinh doanh hàng xách tay vẫn còn sống khỏe. Nhà nước tiếp tục bị thất thu thuế và các đơn vị làm ăn chân chính vẫn khó cạnh tranh, người tiêu dùng vẫn lãnh đủ nếu mua phải hàng giả, kém chất lượng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI