“Con số gì ra, cờ ra con mấy…”

06/02/2022 - 05:52

PNO - Thế sự đổi thay, nhưng lời rao quen thuộc ấy vẫn theo chân các đoàn hội chợ lô tô đi khắp những nẻo đường quê trong mấy mươi năm qua. Mỗi dịp tết về, thứ âm thanh đó lại khiến lòng người chộn rộn khó tả.

Sự tĩnh mịch yên ắng của vùng quê một chiều đầu năm chợt bị phá vỡ bởi tiếng rao vang vọng từ chiếc loa cũ mèm được đặt ở yên sau của chiếc xe máy cà tàng: “Đoàn hội chợ lô tô Hoàng Anh Ngân kính mời quý bà con đến chơi, ủng hộ”. Người đàn ông với thân hình gầy nhom, nước da rám nắng lao xe vun vút khiến tiếng rao cứ nhỏ dần rồi mất hẳn sau mấy rặng tre già.

Chút kỷ niệm nhoè nhoẹt của quá khứ như đoàn tàu đang lùi thật chậm để hành khách được du ngoạn một lần về với tuổi thơ. Tôi ngày đó mới 7-8 tuổi, tận hưởng ngày tết với sự háo hức trinh nguyên của đứa trẻ chưa vướng bụi đời.

Từ ngày đưa ông Táo về trời trở đi, làng quê rộn rã hẳn. Đó cũng là lúc các đoàn hội chợ bắt đầu toả về các nẻo đường quê. Họ cắm cọc, dựng lều trại trên những bãi đất trống để bắt đầu hành trình kiếm cơm. Thời tiết miền Táy những ngày cuối năm mát dịu như chiều chuộng lòng người đến những cuộc vui. Cũng vì thế, đây là thời điểm các đoàn hội chợ ăn nên làm ra. 

Mùa tết ở miền tây, các đoàn hội chợ lô tô toả ra khắp nơi để làm ăn
Mùa tết ở miền Tây, các đoàn hội chợ lô tô toả ra khắp nơi để làm ăn

Với riêng quê tôi, thành thông lệ, đoàn hội chợ nào về cũng tập trung ngay bãi đất ở trung tâm thị trấn. Ngày thường ít ai lui tới vì đó là bãi lau sậy cao gấp đôi người lớn, trước là trường bắn bị bỏ hoang nhiều năm. Đôi lúc có một vài con bò được thả vào đây để kiếm cỏ. Từ ngày đoàn hội chợ về, nơi đây “thay áo mới”. Hai mươi năm trước, YouTube, internet… là chuyện xa xỉ với con người nơi đây. Đoàn hội chợ gần như là trung tâm giải trí duy nhất mỗi dịp xuân về.

Ngoài sân khấu chính để kêu lô tô, hai bên được bày biện nhiều gian hàng như: ném phi tiêu, thảy vòng, bọ ngựa… Cổng vào có hàng đu quay. Trẻ con chúng tôi thời đó mê nhất trò này. Hầu như không đứa nào cưỡng lại được sức hút của những mô hình con thú ngộ nghĩnh, đầy màu sắc cùng nhịp điệu lắc lư của mỗi vòng quay - mà đôi lúc chúng tôi tưởng mình đang được mọc cánh để trở thành thiên thần bay lên giữa không trung. Nhà nghèo, mỗi năm chỉ trông chờ dịp tết mới thoả được ước mong chơi trò này. Đó cũng là lúc cha mẹ vừa bán xong mùa lúa, mùa khoai nên hầu bao cũng rộng rãi đôi chút.

Trời nhá nhem tối cũng là lúc những đoàn hội chợ lên đèn. Ngày tết, nhà nhà đều tranh thủ hoàn thành sớm chuyện đồng áng, để rủ nhau đi chợ hoa, rồi cũng không quên ghé ngang hội chợ để chơi vài trò may rủi giải khuây. Với lũ trẻ chúng tôi, hội chợ quả là thế giới kỳ diệu, khác hẳn với sự mộc mạc, dân dã của ruộng đồng, vườn tược bao quanh cuộc sống thường ngày.

Một tờ lá vé lô tô ở hội chợ quê
Một tờ lá vé lô tô ở hội chợ quê mùa tết

Những tờ lá vé xanh, hồng với 60 con số được in chi chít mang theo nhiều cơ may lần lượt được các cô đào lô tô chào mời khách đến chơi. Có người lót dép ngồi bệt dưới đất, có nhà lại tranh thủ thưởng thức vài ly đá mía ngọt dịu, ăn vài ba que đồ chiên thơm lừng, và cũng có người tận dụng yên xe đạp, xe máy làm chỗ ngồi… 

Hội chợ nghèo nên sân khấu cũng tạm bợ, ghép lại từ những tấm ván mỏng trên khung sắt. Tấm màn vải được trang trí một vài bông hoa, trên gắn bảng hiệu. Những cô đào hát lô tô lần lượt xuất hiện trong những bộ trang phục bắt mắt. Tiếng rao lảnh lót, cố gắng ra chất giọng nữ nhưng vẫn còn phảng phất chút âm vực trầm khàn của đàn ông. Con nít chúng tôi ngày đó chưa hiểu hết chuyện, chỉ biết rằng người đứng trên sân khấu kia có gì đó khác biệt với đám đông bên dưới. 

Những lời bông đùa, trêu ghẹo được thốt ra từ những vị khách đến chơi đôi khi khiến họ ngượng ngùng, mà mãi sau này khi hiểu chuyện tôi mới biết chỉ bấy nhiêu gom hết những cay đắng, tủi phận của một đời người trót mang thân phận lạc loài. Nhưng khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, họ dường như quên hết những đắng cay, tủi nhục ấy để được “cháy” hết mình. Sau này, tôi có dịp đọc, xem nhiều tài liệu về các gánh hát lô tô. Họ tự miêu tả mình như con thiêu thân, cứ lao vào ánh sáng, đến chết thì thôi. Bởi giữa muôn vàn định kiến của xã hội thời bấy giờ, con đường sống dường như có vẻ hơi ngặt nghèo, khắc nghiệt với họ. Chỉ khi ở sân khấu, được mặc áo đầm, đội tóc giả, họ mới được sống cuộc đời mình mơ ước. 

Hậu trường trang điểm của những cô đào lô tô
Hậu trường trang điểm của những cô đào lô tô

Thuở đó, nổi tiếng nhất trong đoàn hội chợ quê tôi không thể không nhắc đến cô đào Bích Trâm với giọng hát rất ngọt ngào, mái tóc dài óng ả. Có lần, tôi và tụi nhóc trạc tuổi tò mò nên tìm đường bước ra phía sau cánh gà. Đó là khoảng không gian chật hẹp, ẩm thấp dưới gầm sân khấu với hằng hà sa số vật dụng được chất khắp nơi. Bên trong là những ô nhỏ chỉ vừa một người chui ra chui vào. Tôi giật mình khi hình hài của cô đào Bích Trâm ở đời thật khác biệt đến ngỡ ngàng với những gì tôi được ngắm nhìn trên sân khấu. Có lẽ, đó là lần đầu tiên tôi chợt hiểu về họ, những người thật khác.

Tiếng hát từ đoàn lô tô vang vọng một vùng quê nghèo. Vật phẩm tặng thưởng là vài ba gói đường cát, dăm ba lon sữa  hay vài túi bột ngọt, thùng mì… Ấy vậy mà chúng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ với người lớn lẫn trẻ nhỏ. Dòng người đổ về càng lúc càng đông. Ai nấy cũng lỉnh kỉnh nào hoa, nào quả, nào quà chuẩn bị cho ngày tết. Dĩ nhiên, họ cũng chẳng ngại nhanh tay bỏ ra 2.000 đồng cho một tờ lá vé “ít rủi nhiều may” để mua niềm vui nho nhỏ cho một đêm mùa xuân thanh bình.

Cứ thế, những mùa tết cứ lần lượt nối đuôi nhau đi qua. Hội chợ lô tô gần như trở thành một mảng màu không thể thiếu trong cái tết của những vùng quê miền tây. Có lúc, người ta đón chờ chúng như người quen gặp lại sau bao ngày xa cách, khi những nụ mai bắt đầu thành hình. 

Rồi, những đứa trẻ ngày ấy cũng lớn lên. Có người đã được đến những buổi hoà nhạc sang trọng tại Sài Gòn với những hàng ghế thẳng tắp, không gian thơm phức, mát lành. Tết với người trưởng thành, không còn đơn thuần là dịp nghỉ ngơi, rong chơi vô tư như ngày xưa nữa. Trong muôn vàn nỗi lo, hội chợ lô tô cũng dần phai nhạt trong trí nhớ. Để bỗng một ngày chỉ một tiếng rao lại khiến lòng người giật mình, nhớ thương khắc khoải.

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI