"Có cá nhân mở website bán hàng hôm nay, hôm sau đã đóng website trốn mất”

06/07/2020 - 16:22

PNO - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa đưa ra cảnh báo: nhiều đối tượng đang lợi dụng các kênh thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân có tâm lý tránh tiếp xúc gần với tác nhân gây bệnh và có xu hướng mua hàng trực tuyến (online) thay vì trực tiếp đến mua tại điểm bán hàng truyền thống. Nhiều cá nhân, hộ kinh doanh online thường xuyên rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư với các mặt hàng phổ biến như: thực phẩm tự chế biến, thực phẩm tươi sống, đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh... 

Mua thực phẩm qua mạng phát triển mạnh khi xảy ra dịch COVID-19, song người tiêu dùng lại chưa có nhiều kinh nghiệm với kênh mua sắm này
Mua thực phẩm qua mạng phát triển mạnh khi xảy ra dịch COVID-19, song người tiêu dùng lại chưa có nhiều kinh nghiệm với kênh mua sắm này

Trong số đó, không ít đối tượng lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố, thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép, sản phẩm chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng, biến chất. Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho hay, hình thức mua bán thực phẩm nói chung và đặc biệt là thực phẩm tươi sống qua mạng đang trở nên phổ biến. Đáng lo ngại là nhiều cá nhân bán hàng không rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, không có địa chỉ cửa hàng, kho hàng.   

Hiện các quy định quản lý, chế tài đối với các giao dịch TMĐT vẫn chưa theo kịp sự phát triển bùng nổ của TMĐT. Khi mua thực phẩm online, không có gì để đảm bảo chất lượng sản phẩm. “Theo quy định, muốn bán hàng online, đơn vị kinh doanh phải đăng ký với Bộ Công thương và thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, thực tế không như quy định. Có cá nhân mở website bán hàng hôm nay, hôm sau đã đóng website trốn mất” - bà Lan phân tích.

Bà Lan thừa nhận, rất khó quản lý thực phẩm tươi sống bán trên mạng: “Thực phẩm khi bán ở cửa hàng, nếu có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử phạt theo nghị định, thông tư, nếu vi phạm nặng thì tước giấy phép. Trong khi đó, nhiều cá nhân, đơn vị bán hàng qua mạng không có giấy phép nên không thể tước. Do đó, rất cần sự phối hợp kiểm soát của nhiều ban ngành và cả ý thức của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần yêu cầu người bán cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm và phản ánh với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khi phát hiện có đơn vị bán hàng vi phạm”. 

Cục TMĐT và Kinh tế số khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng từ những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế); giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc sản phẩm, tuyệt đối không nên mua hàng từ những trang (fanpage) không có thông tin người bán, không có địa chỉ rõ ràng hoặc cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI