Chuyện sau Ngày Quốc tế trẻ em gái

14/10/2016 - 07:48

PNO - Không nhiều trẻ em gái biết chuyện thế giới có dành cho mình một ngày kỷ niệm, đó là ngày 11/10, gọi là Ngày quốc tế trẻ em gái.

Không biết, bởi chúng còn bận chăm em, bận nấu cơm, phụ mẹ làm bếp, rửa chén... Đó là những việc mà cha mẹ thường nghĩ một cách rất chân thành là để trẻ làm cho quen; sau này lấy chồng sinh con, phải làm dâu, phải hầu hạ chồng con, quán xuyến việc nhà.

Đồng thời, cho trẻ làm còn là để trẻ tập đỡ đần cha mẹ - “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”! Không biết, bởi có khi chưa qua hết cái thời tập việc và học việc đó, có những trẻ gái đã bước thẳng lên chuyến xe tốc hành mù mịt mang tên chồng con, sinh đẻ, nghèo đói, khổ đau và bệnh tật.

Một báo cáo của UNICEF công bố nhân Ngày quốc tế trẻ em gái cho biết, mỗi ngày trẻ em gái từ 5-14 tuổi làm việc nhiều hơn trẻ em trai cùng trang lứa khoảng 40% thời gian, các công việc được liệt kê đều thuộc loại “việc nhà”: nấu nướng, giặt giũ, lau dọn, chăm sóc các thành viên trong gia đình, gánh nước, kiếm củi... Những công việc này không được trả lương mà coi như là nghĩa vụ hiển nhiên của trẻ em gái.

Chuyen sau Ngay Quoc te tre em gai
Ảnh mang tính chất minh họa. Internet

Với tập quán mang tính phổ biến đó, sẽ chẳng mấy ngạc nhiên khi người lớn mở rộng giới hạn các hoạt động tập việc, học việc của trẻ em gái sang lạm dụng chức năng sinh sản, tình dục của trẻ.

Ở những quốc gia nghèo đói, xung đột, nhiều bé gái mới 10 tuổi đã phải lập gia đình với những người đàn ông lớn tuổi. Cứ mỗi bảy giây trôi qua, lại có một trẻ gái dưới 15 tuổi kết hôn, thành vợ hoặc có thể là nô lệ lao động, nô lệ tình dục. Cánh cửa trưởng thành chưa kịp mở ra, cánh cửa địa ngục đã nuốt chửng lấy những trẻ gái ấy.

Mới đây, một bé gái 12 tuổi mang thai, được cho là trẻ em Việt Nam, nạn nhân của việc buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới Trung Quốc, đang gây xôn xao dư luận. Lời khai của em thay đổi bất chợt, có thể do tâm trí bấn loạn, do những hành hạ liên tục từ lúc bị mua bán đến giờ đã xóa sạch trong cái đầu non nớt ấy những ký ức về gia đình. Cũng không loại trừ những lý do tăm tối khác nữa.

Gương mặt trẻ con và cái bụng bầu tròn căng của cô bé khiến mọi người xót xa, đau đớn. Những kẻ bán linh hồn cho quỷ đã bắt cóc, dụ dỗ những đứa trẻ non nớt vào con đường ấy. Nhưng cũng có khi, những đứa trẻ bị đẩy vào địa ngục do thói quen, do tập tục, do đói nghèo. Cứ nghĩ, mỗi bảy giây trôi qua…

Được sử dụng như những công cụ sinh sản đơn thuần, hoặc để thỏa mãn nhu cầu, những cuộc tảo hôn, mua bán trẻ em gái đã tước bỏ tất cả những quyền con người cơ bản của các em. Những cơ hội để lớn lên, để được học hành và được hạnh phúc của các em đã bị cướp đoạt. Những đứa trẻ gái bị hành hạ, bị chà đạp như một thứ vật sở hữu sẽ thành mẹ của một thế hệ kế tiếp mang trong mình những khuyết tật bẩm sinh về tâm hồn.

Đó cũng là một khoảng tối trong tương lai của nhân loại. Vì thế, các tổ chức quốc tế khi báo động về tệ nạn lạm dụng trẻ em gái, cũng là gióng lên hồi chuông báo động về tương lai của xã hội loài người. Đã đến lúc phải hành động cụ thể, không chỉ cho những đứa trẻ trong gia đình mình, trong vòng tay che chở của mình, mà còn vì tương lai của hành tinh này, nơi con mình sẽ chung sống, sẽ chia sẻ với những người khác.

Chuyện của trẻ em gái thường bị khuất lấp trong cái bóng của mặc cảm, hổ thẹn, khi vỡ ra thì đã muộn màng. Không thể chỉ bằng lòng với việc mở những mái ấm, những nhà tạm lánh cho phụ nữ hay trẻ em gái. Đó chỉ là giải pháp tình thế, tuy cần thiết nhưng chỉ giải quyết hậu quả, khi chuyện đã rồi. Cần bắt đẩu từ nhận thức, từ trang bị kiến thức, phương tiện cho trẻ em gái; dạy các em ý thức về bản thân và kỹ năng tự bảo vệ mình.

Sau Ngày quốc tế trẻ em gái một ngày, Bộ Giáo dục và đào tạo đã tổ chức hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học” tại Hà Nội. Tiếc thay, giữa tâm cơn bão mạng, với đứa trẻ Việt 12 tuổi đang mang thai ở Trung Quốc, với một nữ sinh trung học châm lửa đốt trường để câu like, với một học sinh lớp 8 treo cổ tự tử vì bị đánh, bị quay clip tung lên mạng… thì những vấn đề của hội thảo trên vẫn chung chung, xa vời đâu đó, vẫn là những chuyện chưa thực sự gần gũi với đời sống của giới trẻ học đường hôm nay, thể hiện qua những đề tài kiểu như:

“Khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường từ góc nhìn tâm lý học, giáo dục học”, “Bài toán văn hóa trong đổi mới giáo dục Việt Nam”… Thật đáng buồn khi các nhà quản lý cứ loanh quanh bên rìa tâm chấn, đứng ngoài những thân phận, chưa có cái tâm và dũng khí nhìn thẳng vào những vấn đề của từng địa phương, từng gia đình cụ thể.

Trong cái an phận thủ thường ấy, nhiều phụ nữ Việt Nam không hề biết là có một ngày gọi là “Ngày quốc tế trẻ em gái”. Họ nghĩ, phụ nữ thiệt thòi, đau khổ hơn nam giới cũng là bình thường. Cần có phương cách cụ thể để chị em thoát ra khỏi lối mòn này trước đã, rồi mới có thể mang “Ngày quốc tế trẻ em gái” như một món quà đầy yêu thương của nhân loại, đặt trên con đường mỗi thiếu nữ trưởng thành.

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI