Chúng ta đã làm gì với Quốc ca?

07/12/2021 - 13:00

PNO - Còn bi phẫn nào hơn người Việt không thể nghe được Quốc ca Việt Nam trên YouTube chỉ vì tác phẩm do một công ty nào đó giữ bản quyền.

 

Lễ chào cờ trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào tối 6/12 bị tắt tiếng trên YouTube
Lễ chào cờ trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Lào tối 6/12, Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trên YouTube

Tối 6/12/2021, khán giả xem trận đấu bảng giữa đội tuyển Việt Nam và Lào giải AFF Suzuki Cup 2020 đã hết sức ngỡ ngàng và phẫn nộ khi ở phần chào cờ trước trận đấu, Quốc ca Việt Nam đã bị tắt tiếng. Theo thông báo của kênh Next Sports, việc tắt tiếng Quốc ca là do Next Sports chủ động thực hiện vì lý do bản quyền. Tại sao?

Ai cũng biết, Quốc ca Việt Nam tức bản Tiến quân ca là sáng tác của cố nhạc sĩ Văn Cao, đã được gia đình ông chính thức hiến tặng toàn bộ bản quyền cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Lễ tiếp nhận tác phẩm đã được tổ chức trọng thể tại Tòa nhà Quốc hội vào năm 2016. Thế thì ai có thể “đánh gậy bản quyền” (cáo buộc một tác phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ) tác phẩm trên YouTube nếu không phải là Nhà nước và nhân dân Việt Nam?

Đối với một tác phẩm âm nhạc, cụ thể trong trường hợp này là Tiến quân ca, khái niệm “bản quyền” bao gồm quyền nhân thân vĩnh viễn của tác giả Văn Cao, quyền tài sản đã được gia đình ông trao lại cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam thì quyền duy nhất còn lại là quyền đối với bản ghi (bản thu âm) của một đơn vị cụ thể. Đến đây thì câu chuyện chuyển hướng sang một góc thật trớ trêu. Quốc ca Việt Nam nhưng lại không có bản ghi chính thức phổ biến cho toàn dân Việt Nam cùng bạn bè thế giới để đến nỗi có đơn vị nước ngoài ghi âm, nhiều năm thu lợi và thậm chí “đánh gậy” tuyên bố Việt Nam vi phạm bản quyền. Chỉ khi sự việc tệ hại xảy ra, sáng 7/12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mới xác nhận sẽ gửi bản thu Quốc ca cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup - một giải pháp tình thế, không có tính căn cơ.

Bất kể quyền liên quan của bản ghi Quốc ca Việt Nam được sử dụng trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào tối 6/12 là gì, thực sự thuộc về ai, việc Quốc ca bị tắt tiếng là một sự xúc phạm đối với tình cảm thiêng liêng của khán giả. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chắc chắn không thể bỏ qua vụ việc bởi mới đây thôi, trong trận đấu vòng loại thứ 3 giữa tuyển Việt Nam và Ả Rập Saudi, kênh FPT Bóng đá Việt đã mất toàn bộ doanh thu do phát sóng trận đấu có sử dụng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa Marco Polo sản xuất. Cần xác định lại xem liệu các nhà sản xuất bản ghi có được Cục Bản quyền cấp quyền sử dụng tác phẩm hay chưa.

Quốc ca là quốc thể, là tinh thần dân tộc, là tình cảm và cả máu xương của triệu triệu người dân Việt Nam mà không có bất cứ ai được phép xâm phạm. Quốc ca cũng không phải là một tác phẩm thương mại để người ta khai thác, thu lợi hay sợ hãi không dám đụng đến. Tắt tiếng Quốc ca cần phải xem là hành vi làm nhục quốc thể. Và để tương lai không xảy ra những vụ việc tương tự, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên có xác nhận bản quyền chính thức, trong đó nên thể hiện rõ các tổ chức, cá nhân được/không được phép làm gì với Tiến quân ca.

Ở mức hoàn hảo hơn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên tổ chức ghi âm và phổ biến chính thức tác phẩm để mọi người có nhu cầu (cơ quan, trường học, các đơn vị quốc tế…) đều có thể sử dụng. Trên hết, cần minh xác việc không được khai thác thương mại tác phẩm, cả đối với mọi tác phẩm phái sinh, bản ghi (như cách cộng đồng lập trình mã nguồn mở đã làm từ lâu) để Tiến quân ca - quốc bảo của Việt Nam - có thể đến với mọi người chứ không phải bị chặn chỉ vì một doanh nghiệp sợ mất nguồn thu hay đơn vị nào đó nắm quyền bản ghi. Còn bi phẫn nào hơn người Việt không thể nghe được Quốc ca Việt Nam trên YouTube chỉ vì tác phẩm do một công ty nào đó giữ bản quyền. Nếu ta không nghiêm túc với Quốc ca, những lần nhục quốc thể chắc chắn sẽ còn diễn ra, khó mà tránh được.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI