Chủ sở hữu được bồi thường hệ số 1 -2 lần diện tích cũ khi cải tạo, xây dựng lại chung cư

20/07/2021 - 15:22

PNO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2021/NĐ - CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay thế Nghị định 101/2015/NĐ – CP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.

Nghị định quy định rõ về các trường hợp chung cư thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại, mức bồi thường, tái định cư, cơ chế về đất đai, nguồn vốn cho các chủ đầu tư tham gia cải tạo lại chung cư cũ…

Cụ thể, nghị định đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với các hộ sở hữu nhà thuộc khu chung cư nằm trong diện cải tạo, xây mới. Với chủ sở hữu có nhu cầu tái định cư tại chỗ, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định hệ số bồi thường 1-2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường.

Nếu giá trị căn hộ tái định cư lớn hơn giá trị căn hộ cũ, các bên ký hợp đồng mua bán, hoặc thuê mua nhà ở tái định cư và phải nộp thêm phần giá trị chênh lệch. Chủ sở hữu không mua, thuê mua thì không được bố trí tái định cư và được thanh toán bằng tiền với toàn bộ giá trị được bồi thường theo quy định.

Nghị định 69 của Chính phủ buộc chung cư
Nghị định 69 của Chính phủ buộc chung cư cũ bị hư hỏng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ phải phá dỡ

Còn nếu giá trị căn hộ tái định cư nhỏ hơn căn nhà cũ thì sau khi quy đổi theo hệ số bồi thường, chủ đầu tư phải thanh toán cho chủ sở hữu nhà phần giá trị chênh lệch. Trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, mà có diện tích nhà, đất tại địa điểm khác để bố trí tái định cư và chủ sở hữu có nhu cầu, thì được bố trí tái định cư theo cơ chế quy định.

Nghị định 69/2021/NĐ cũng quy định, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư, diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu, nhà ở riêng lẻ hiện hữu (nếu có), diện tích đất xây dựng công tình dịch vụ thương mại, hạ tầng… trong ranh giới nhà chung cư, khu chung cư hiện hữu đó.

Nếu chủ đầu tư có đề xuất tăng hệ số sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì phải nộp tiền sử dụng đất bổ sung đối với phần được tăng thêm.

Về cơ chế huy động vốn, ngoài vốn thuộc sở hữu của mình, chủ đầu tư được huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh, liên doanh, liên kết của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, vốn từ quỹ phát triển đất, từ tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện giải phóng mặt bằng… ; huy động từ tiền mua/thuê nhà ở hình thành trong tương lại và diện tích công trình kinh doanh dịch vụ thương mại (nếu có) trong phạm vi dự án; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam…

Theo Nghị định mới, khi đã thoả thuận phương án bồi thường nhưng chủ đầu tư không cân đối được hiệu quả tài chính của dự án thì có thể đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, quá 12 tháng đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, và quá 24 tháng đối với dự án cải tạo xây dựng lại khu chung cư (không tính thời gian điều chỉnh quy hoạch) mà chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư không thoả thuận được phương án bồi thường theo tỷ lệ quy định thì UBND cấp tỉnh phải chấm dứt thực hiện dự án và tổ chức lựa chọn lại chủ đầu tư.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI